Đại tá tình báo Tư Cang - người có tên thật là Nguyễn Văn Tàu - là cái tên khét tiếng của tình báo miền Nam Việt Nam. Ông là cụm trưởng Cụm tình báo đầu tiên của miền Nam Việt Nam H63. Đây là một cụm tình báo tác nghiệp đặc biệt nhằm điều tra các thông tin mật mở mạch máu vận chuyển thông tin, tài liệu thông suốt, chưa một lần đứt đường dây dù trong gian khổ, ác liệt nào.
Cụm tình báo H63 cũng là nơi ra đời của những cái tên điệp viên tình báo khét tiếng như Phạm Xuân Ẩn (phóng viên Times), Tám Thảo (phiên dịch viên Bộ Tư lệnh Hải quân), Cụm trưởng Cụm tình báo H63 Tư Cang...
Những năm 1960, Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hoà đã lùng sục cái tên Tư Cang. Tuy nhiên, hồ sơ về ông mà phía địch giữ chỉ vọn vẹn những dòng mô tả không rõ ràng.
Phần ảnh của Tư Cang trong hồ sơ ấy cũng được bỏ trống. Màn sương mờ về ông Tư Cang bao trùm lên nỗi bất an của chính quyền Việt Nam Cộng hoà..
Trò chuyện tại chương trình "Những anh hùng thế kỷ XX", Đại tá tình báo Tư Cang - Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Tàu, người giờ đây đã ở tuổi 94, nói về thời điểm ấy: "Anh em đi với tôi, tôi nói: "Tụi bay vô đơn vị này tụi bay phải để trong ngực 4 chữ - Coi như chết rồi" thì tụi bay không còn sợ gì nữa".
"Coi như chết rồi" - chỉ vỏn vẹn 4 chữ, rất ngắn gọn nhưng đã cho thấy một tinh thần chiến đấu, sẵn sàng hy sinh cao như thế nào trong người chiến sỹ Nguyễn Văn Tàu - tình báo Tư Cang.
Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang).
Cũng trong cuộc trò chuyện tại "Những anh hùng thế kỷ XX", anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Tàu - Đại tá tình báo Tư Cang đã nói về cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân năm 1968. Trên chiến trường miền Nam khi ấy là một trong những nhiệm vụ trọng điểm của Cụm tình báo H63.
"Không có Mậu Thân thì chúng ta không có việc ký vào hiệp định Paris" - ông khẳng định - "Mậu Thân là một chiến tích oai hùng của dân tộc. Nó nói lên một tinh thần kỷ luật của một quân đội".