Có phải Ngành Quản trị văn phòng không cần nhiều chuyên môn?

Ngành Quản trị Văn phòng (Office Administration) cung cấp kiến thức và kỹ năng về lập kế hoạch, thiết kế hoạt động và giám sát hiệu quả làm việc của văn phòng. Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mở rộng hợp tác quốc tế, nhu cầu về nhân lực ngành này ngày càng tăng cao.
sv-thuc-hanh-8730-1721526013.jpg
Sinh viên ngành Quản trị văn phòng thực hành học phần Phát triển kỹ năng cá nhân. Ảnh: Học viện Quản lý Giáo dục

Những nhầm lẫn phổ biến

Tiến sĩ Nguyễn Diệu Cúc, Trưởng Bộ môn Quản trị Văn phòng, Học viện Quản lý Giáo dục, chia sẻ nhiều người cho rằng công việc của nhân viên quản trị văn phòng chỉ bao gồm các công việc đơn giản như pha trà, rót nước.

“Thực tế công việc này rất đa dạng, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và năng lực thực thụ như thu thập, xử lý thông tin, tham mưu cho lãnh đạo, quản trị hệ thống thông tin, tổ chức sự kiện, hội họp và nhiều công việc phức tạp khác”, Tiến sĩ Nguyễn Diệu Cúc cho hay.

Chương trình đào tạo tại Học viện Quản lý Giáo dục tập trung vào phát triển tư duy quản trị, năng lực chuyên môn và kỹ năng mềm cho sinh viên. Sinh viên được học các môn như quản trị nhân sự, quản lý cơ sở vật chất, nghiệp vụ thư ký, ứng dụng công nghệ mới và nhiều kỹ năng bổ trợ khác. Ngoài ra, sinh viên còn được thực hành và tham gia các dự án thực tế để nắm vững kiến thức và kỹ năng cần thiết.

Công việc và mức lương khi ra trường

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Linh, phụ trách ngành Quản trị Văn phòng, Trường Đại học Đông Á, cho biết sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại các vị trí như nhân viên văn phòng, thư ký, trợ lý lãnh đạo, và nhiều vị trí khác trong các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Mức lương khởi điểm dao động từ 6-9 triệu đồng/tháng và có thể lên tới trên 15 triệu đồng/tháng tùy theo kinh nghiệm và năng lực.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Linh cũng nhấn mạnh: “Nhân viên quản trị văn phòng là đầu não của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Họ tham mưu, tư vấn, thu thập và xử lý thông tin giúp lãnh đạo đưa ra quyết định chiến lược. Để thực hiện tốt vai trò này, nhân viên quản trị văn phòng cần phải vừa năng động và vừa tinh nhuệ”.

Trong khi đó, Nguyễn Thị Nhâm, sinh viên năm 4 ngành Quản trị Văn phòng tại Học viện Quản lý Giáo dục cho biết chương trình học giúp sinh viên nắm vững kiến thức và kỹ năng thực tế, dễ dàng bắt nhịp với công việc sau khi ra trường. Hiện tại, Nhâm đang làm nhân viên tuyển dụng tại một công ty và thấy kiến thức được học không có nhiều khác biệt so với công việc thực tế.

Như vậy, ngành Quản trị Văn phòng không chỉ cung cấp kiến thức cơ bản về quản trị và quản lý văn phòng mà còn trang bị cho sinh viên các kỹ năng cần thiết để trở thành những nhà quản trị hiệu quả trong môi trường làm việc hiện đại.

Lương Đàm (Tổng hợp)