Chuyện chiến trường K của ba vị tướng

Lương Đàm
Trong một buổi gặp mặt các đồng đội từng giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, chúng tôi đã được gặp 3 vị tướng trận mạc, những người lính chiến từng đảm nhiệm các cương vị chỉ huy cấp trung đoàn, sư đoàn trên chiến trường K. Gặp nhau, họ đã rưng rưng ôn lại những câu chuyện rơi nước mắt về tình đồng đội, về những tháng năm cùng chia ngọt sẻ bùi trên xứ sở Angkor…

“Bọn em không hàng đâu, vĩnh biệt thủ trưởng nhé!”

Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Khuất Duy Tiến kể rằng, trong những năm chiến đấu ở mặt trận Tây Nam và chiến trường nước bạn Campuchia, không ít lần ông đã từng rơi lệ khi chứng kiến cảnh người dân vô tội bị tàn sát, cảnh những đồng đội gầy yếu vừa ra khỏi cuộc chiến trường kỳ đã chịu thiếu ăn, thiếu mặc và lao vào cuộc chiến truy quét đội quân diệt chủng Pol Pot…

trung-tuong-anh-hung-llvt-nhan-dan-khuat-duy-tien-1650706745.jpg
 Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Khuất Duy Tiến (thứ hai, bên phải) trong một cuộc giao lưu, gặp mặt.

Có một cảnh tượng còn ám ảnh mãi trong tâm trí ông, đó là thời điểm cuối tháng 10-1977, khi Trưởng phòng Tác chiến Quân đoàn 3 Khuất Duy Tiến nhận nhiệm vụ đi cùng Phó tổng Tham mưu trưởng Lê Ngọc Hiền tới thị sát tình hình tại khu vực cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh).

“Khoảng 2 giờ chiều 24-10-1977, chúng tôi đến một ngôi làng giáp biên giới Campuchia và chứng kiến tại đây một cảnh tượng tang thương: có tới gần 200 thi thể người dân nước mình bị quân Pol Pot giết hại bằng những thủ đoạn dã man, tàn khốc. Cả tôi và anh Lê Ngọc Hiền cùng không cầm nổi nước mắt, bởi là những người đã trải qua chiến tranh, từng chứng kiến anh em, đồng đội phải chịu nhiều thương vong, nhưng chưa khi nào chúng tôi phải chứng kiến cảnh tượng hàng trăm dân lành bị giết hại, trong đó chủ yếu là người già, trẻ em và phụ nữ”, Trung tướng Khuất Duy Tiến nhớ lại.

Đầu tháng 2-1978, ông Khuất Duy Tiến được cấp trên bổ nhiệm là Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 320. Hai tháng sau, khi đang học ở Học viện cao cấp, ông lại trở về Quân đoàn 3 để nhận bàn giao Sư đoàn 320 từ Sư đoàn trưởng Đoàn Hồng Sơn. Trong ký ức về những ngày gian khổ trên đất bạn, Trung tướng Khuất Duy Tiến còn nhớ mãi tình đồng đội trong những giờ phút khó khăn. Đó là hôm Tiểu đoàn 9 của Tiểu đoàn trưởng Khuất Duy Hoan (sau này là Phó tư lệnh Quân đoàn 3) đánh địch ở Phum Sâm.

“Khi Tiểu đoàn bị địch vây chặt, Hoan gọi điện cho tôi, bảo: “Em tìm mọi cách để ra mà chưa được”. Tôi bảo “Cứ yên trí, tôi sẽ tìm cách để mở vòng vây”. Tôi chỉ thị đưa 2 tiểu đoàn lên để giải vây cho Hoan. Trong lúc chờ quân ta tới thì địch tiếp tục siết chặt vòng vây. Hoan lại bảo tôi: “Anh cứ cho pháo bắn thẳng vào chỗ em!”. Không còn cách nào khác, tôi liền báo cáo quân đoàn cho bắn pháo chụp vào vị trí tiểu đoàn 9 trước khi đồng đội kịp tới giải vây”.

Lần khác, trong lúc làm nhiệm vụ thọc sâu, một phân đội bị địch vây chặt, biết tình thế nguy nan nên anh em đã điện cho Sư đoàn trưởng: “Địch vây rát lắm thủ trưởng ạ, chúng em không chắc gì ra được, nhưng bọn em không hàng đâu, vĩnh biệt thủ trưởng nhé!”. Nghe những câu nói quyết tâm ấy, Sư đoàn trưởng Khuất Duy Tiến chỉ còn biết động viên đồng đội tiếp tục chờ đợi, trong khi nước mắt ông cứ ứa ra vì thương họ…

Chuyến thị sát định mệnh

Thiếu tướng Trần Văn Hùng (nguyên Phó sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 2, Quân khu 5) tâm sự: “Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, việc thương vong đến cấp chỉ huy sư đoàn và quân đoàn là điều hiếm gặp, nhưng trong cuộc chiến giúp bạn Campuchia, điều hiếm gặp ấy đã xảy ra”.

Thiếu tướng Trần Văn Hùng nhắc tới hai trường hợp hy sinh trên chiến trường Campuchia, đó là liệt sĩ, Tư lệnh Quân đoàn 3 Nguyễn Kim Tuấn và Liệt sĩ, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2 Trương Hồng Anh. Ông lý giải: “Khi đặt chân tới chiến trường Campuchia, những đơn vị chủ lực, từng có nhiều năm kinh nghiệm ở chiến trường miền Nam gặp phải những khó khăn về địa hình, thời tiết, về lối đánh của kẻ địch. Những khó khăn ấy làm cho sự dấn thân vào tác chiến thực tiễn của người chỉ huy cũng rất khác so với thời chống Mỹ, bởi vậy mà tỷ lệ thương vong của cán bộ cấp sư đoàn, quân đoàn cũng lớn hơn”.

Vị tướng trận mạc đã kể lại câu chuyện xúc động gắn với hình ảnh người Sư đoàn trưởng trẻ tài năng, xông xáo trên mặt trận Đông Bắc Campuchia. Đó là những ngày cuối tháng 4-1984, khi Sư đoàn phó Trần Văn Hùng đang nhận nhiệm vụ đi tăng cường cho Trung đoàn 1 của Sư đoàn 2 thì được Sư đoàn trưởng Hồng Anh điện về nhận bàn giao công việc vì Đại tá Trương Hồng Anh nhận lệnh về nước để chuẩn bị đi học ở Liên Xô. Ngày 28-4-1984, ông Hùng về đến Sở chỉ huy sư đoàn và 2 giờ đêm hôm ấy mới hoàn thành công việc bàn giao. 5 giờ sáng hôm sau, ngủ dậy, Sư đoàn trưởng Hồng Anh tới gặp ông, bảo: “Anh Hùng này, tôi phải lên Cao điểm 547 kiểm tra xem vì sao Cứ điểm ấy lại khó đánh đến thế”.

thieu-tuong-tran-van-hung-1650706745.jpg
Thiếu tướng Trần Văn Hùng (bên phải) nhận ra đồng đội Sư đoàn 2, Quân khu 5 trong ngày gặp mặt.

Sư đoàn phó Trần Văn Hùng đề xuất: “Mình đi ô tô thì chỉ vào đến vị trí của Trung đoàn 1, còn đường lên Cao điểm 547 thì phải hành quân bộ vì đường rất khó đi, anh em công binh lại chưa rà mìn xong”.

Đại tá Hồng Anh đồng ý với phương án ấy. Hôm đó, cùng đi có Sư đoàn trưởng Sư đoàn 315 Nguyễn Hữu Quang. Xe dừng tại Trung đoàn 1, trưa 28-4-1984, đoàn đi bộ lên Cao điểm 547. Sau khi thị sát, ăn cơm trưa và tắm giặt xong, Sư đoàn trưởng Hồng Anh bảo: “Có lẽ mình cho ô tô lên đón về”, rồi ông quyết định cho một chiếc GMC tới.

“Do vừa tắm xong nên Sư trưởng Hồng Anh vận quần đùi, áo may ô ngồi ca bin cùng lái xe và một lái phụ, tôi, anh Quang cùng anh em cơ quan Sư đoàn 2 ngồi trên thùng xe. Đang đi thì chiếc xe của chúng tôi gặp một xe chở chiến lợi phẩm từ Điểm cao 547 xuống, chiếc GMC liền tránh để cho chiếc xe này chạy qua. Nào ngờ, chiếc xe của chúng tôi bị dính mìn của địch, một tiếng nổ lớn vang lên. Tôi bị cháy sém hết đầu tóc. Cả mũ, quần áo, giày dép, đồng hồ cũng bay hết. Tôi chạy lên ca bin thì không thấy Sư đoàn trưởng đâu, liền bảo cậu chiến sĩ quân y cùng đi tìm thì thấy ông bị văng ra cách đó một đoạn, quần áo đang bốc cháy, người bị bỏng nặng”, Thiếu tướng Trần Văn Hùng nhớ lại.

Đại tá Trương Hồng Anh được sơ cứu kịp thời rồi chuyển về bệnh xá Trung đoàn 1. Cấp trên cũng cho trực thăng xuống với ý định đưa ông về bệnh viện tiền phương của Quân khu 5, nhưng do điều kiện địa hình, trực thăng không thể đáp xuống, muốn chuyển ông tới bệnh viện quân khu thì chỉ còn phương án đi xe quân sự trong thời gian một ngày đường.

“Ngày 30-4-1984, Đại tá Trương Hồng Anh tỉnh táo trở lại, chúng tôi quyết định đưa ông bằng xe quân sự tới bệnh viện tiền phương quân khu. Do việc vận chuyển bằng xe quân sự, đường lại làm gấp nên bụi bặm dính đầy người. Khi các bác sĩ giở bông băng ra để làm vệ sinh thì ông bị tụt huyết áp. Tại đây, ông được trực thăng đưa gấp về bệnh viện tiền phương của Bộ đặt tại Stungtreng. Do vết thương quá nặng nên tới ngày 2-5-1984 thì ông hy sinh”, Thiếu tướng Trần Văn Hùng xúc động kể.

Nước mắt lăn trên vùng biên Pua Sát

Thiếu tướng Nguyễn Kim Khanh, nguyên Phó tư lệnh Bộ đội biên phòng, nhớ lại thời điểm ông là chỉ huy Tiểu đoàn, rồi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 14 (Bộ tư lệnh Công an vũ trang, nay là Bộ đội Biên phòng). Ông và đồng đội đã có 10 năm (1979-1989) làm nhiệm vụ ở Pua Sát, tỉnh giáp biên với Thái Lan của nước bạn Campuchia, đó là quãng thời gian đơn vị ông nếm trải vô vàn những khó khăn, gian khổ và thiếu thốn...

Bước vào mùa mưa năm 1979, khi Trung đoàn 14 đặt chân tới biên giới Thái Lan - Campuchia thì mưa sầm sập trắng rừng, tầm tã suốt ngày đêm. Đường 56 từ Pua Sát tới chỗ đơn vị đóng dài hơn 200km, nhưng có chỗ biến thành sông, bùn lầy nhão nhoét. Do sông suối chia cắt nên các đơn vị hoàn toàn độc lập, nếu có chuyện gì thì tự giải quyết, không thể trông chờ vào sự chi viện từ phía sau.

trung-doan-truong-nguyen-kim-khanh-1650706745.jpg
Trung đoàn trưởng Nguyễn Kim Khanh (bên phải) tại Sở chỉ huy Trung đoàn 14 ở Mặt trận biên giới Campuchia - Thái Lan (năm 1984). Ảnh do nhân vật cung cấp  

Một tuần sau khi vào vị trí tập kết, sốt rét bắt đầu tấn công chiến sĩ Trung đoàn. Đến cuối mùa mưa thì hầu hết anh em đơn vị đều “nếm trải” những trận sốt rét. Gần hai ngàn người hầu như không ai tránh khỏi những cơn sốt rét. “Năm 1982, khi đưa hài cốt anh em về nước chuyến đầu tiên, tổng hợp lại thì thấy quân số hy sinh do sốt rét nhiều gần gấp rưỡi số hy sinh trong chiến đấu”, Thiếu tướng Nguyễn Kim Khanh nhớ lại.

Ngày đó, nhiều biện pháp phòng, chống được đem ra áp dụng. Đầu tiên là làm trạm xá trung đoàn để điều trị tạm thời. Nói là trạm xá nhưng đó là những căn hầm nửa nổi, nửa chìm phủ bằng ni lông che mưa, nắng do Đại đội quân y Trung đoàn đảm nhiệm. Vì bệnh nhân quá đông nên ở đây chỉ tiếp nhận những ca sốt rét ác tính, nguy kịch. Sau khi sơ cứu tạm thời, bộ đội lại được trả về đơn vị để tiếp tục chiến đấu. Nếu ai đó bị sốt quá nặng thì phải chờ máy bay trực thăng xuống chở về Phnôm Pênh. Thường một, hai tuần lại có máy bay xuống. Mỗi chuyến như vậy cũng chỉ chở được 8 người nên nếu ai bị sốt nặng mà không gặp được chuyến bay thì coi như xấu số.

Ông Khanh nhớ mãi dịp Tết năm 1980, khi Trung đoàn 14 vinh dự được đón Tư lệnh Mặt trận 719 Lê Đức Anh (sau này là Đại tướng, Chủ tịch nước) tới thăm đơn vị. Mỗi Tiểu đoàn lựa chọn 12 chiến sĩ làm đội danh dự để tổ chức đón Tư lệnh theo nghi thức quân đội. Cố gắng lắm, cả Trung đoàn mới chọn ra được 36 đồng chí khỏe mạnh nhất trong số những người sốt rét để xếp thành 3 hàng. Lúc đứng nghiêm, ai nấy đều run rẩy, mặt mũi thì tái mét.

Nghe báo cáo xong, Tư lệnh Lê Đức Anh lại gần bắt tay anh em, đến người thứ ba thì ông thấy tay nóng hổi, mặt run run. Tư lệnh Mặt trận hỏi: “Đồng chí làm sao vậy?”. “Báo cáo thủ trưởng, em bị sốt rét”. Đồng chí Lê Đức Anh liền bảo: “Thôi, giải tán, cho anh em về nghỉ, không phải điều lệnh, nghi thức gì nữa!”.

Nói rồi Tư lệnh Lê Đức Anh lặng lẽ lấy khăn lau nước mắt...