Cản trở, hành hung phóng viên khi tác nghiệp: Còn nhiều góc khuất

Pháp luật đã có những quy định nhằm bảo vệ nhà báo tác nghiệp, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động báo chí. Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn có không ít vụ việc các đối tượng hành hung, đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo khi họ hoạt động tác nghiệp đúng quy định pháp luật.

Hàng loạt vụ việc phóng viên bị đe dọa, hành hung

Thực tiễn hoạt động báo chí cho thấy, nhiều phóng viên (PV), nhà báo đã và đang bị cản trở, gây khó khăn khi xuống một số cơ sở, địa bàn liên hệ làm việc, nhất là liên quan đến sai phạm, tiêu cực… Có PV, nhà báo còn bị hành hung dẫn tới thương tích nặng, một số khác thì bị nhắn tin đe dọa tính mạng.

Ngày 25/5 vừa qua, trong quá trình ghi hình 2 dự án được Thanh tra tỉnh Đắk Nông xác định có nhiều sai phạm, PV báo Thanh Niên đã bị một người lạ hành hung. Theo đơn trình báo, vào khoảng 17 giờ ngày 24/5, khi phóng viên đang ghi hình 2 dự án sai phạm gồm: Công trình showroom ô tô của Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Duy Anh Vũ; khu vui chơi giải trí và dịch vụ karaoke của Công ty TNHH Lai Hương 2 (P. Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) thì bị một đối tượng lạ hành hung. Thanh tra tỉnh Đắk Nông cũng đã chỉ ra nhiều sai phạm tại 2 dự án này, các sai phạm bao gồm: xây dựng sai phép; vi phạm chỉ giới xây dựng; vi phạm cốt nền theo quy hoạch; vi phạm đồ án quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt… Thanh tra tỉnh Đắk Nông chỉ rõ, khu vui chơi giải trí và dịch vụ Karaoke của Công ty TNHH Lai Hương 2 (P. Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa) vi phạm chỉ giới xây dựng gần 8m, cấp phép xây dựng vi phạm cốt nền theo quy hoạch là 2m; công trình showroom ô tô vi phạm khoảng lùi 6m và lấn vào đường gom quy hoạch gần 5m…

can-tro-hanh-hung-phong-vien-khi-tac-nghiep-con-nhieu-nhung-goc-khuat-01-1655112851.jpg
Người mặc áo đỏ trong nhóm tự xưng quản lý Công ty Công ty Cổ phần mặt trời Fasifang có hành vi đe dọa, chửi bới và hành hung PV

Không chỉ PV báo Thanh Niên, mà PV báo Tuổi trẻ tại Hải Phòng vào tháng 3/2022 cũng bị ném đầu lợn và tạt máu lợn vào nhà nhằm đe dọa tinh thần. Ngay sau khi sự việc xảy ra, phóng viên Tiến Thắng đã báo cáo với cơ quan chủ quản, đồng thời trình báo sự việc tới cơ quan công an để giải quyết theo thẩm quyền.

Trước đó, ngày 20/2/2022, PV báo Người Lao Động đã bị 2 người gồm Lê Duy Thanh (32 tuổi, ngụ Khánh Hòa) và Lê Đức Việt (33 tuổi, ngụ H. Thống Nhất, Đồng Nai) dùng gậy gỗ đánh gây thương tích khi đang trong quá trình tác nghiệp tại trạm thu phí Trảng Bom.

Chưa hết, vào trung tuần tháng 4/2022, nhiều người cao tuổi ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai cho rằng Trạm trộn bê tông thương phẩm ở Km6, phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa (của Công ty Cổ phần mặt trời Fasifang) xả thải, gây ô nhiễm môi trường, nhưng không hề bị kiểm tra, xử lý theo đúng quy định pháp luật. Dư luận địa phương vô cùng bức xúc về công tác quản lý của lãnh đạo địa phương trong công tác bảo vệ môi trường. Khi PV tác nghiệp tại trạm trộn bê tông xả thải gây ô nhiễm môi trường, thì một người tự xưng quản lý chửi bới, đe dọa và hành hung phóng viên tác nghiệp.

Mới đây nhất, vào cuối tháng 4/2022, trong quá trình tác nghiệp và ghi nhận vấn nạn khai thác cát trái phép ở xã Cát Thành (Phù Cát, Bình Định), nhóm PV tận mắt chứng kiến sự manh động, côn đồ, hoạt động có tổ chức, băng nhóm bài bản của nhóm cát tặc. Các PV này đã bị cản trở, đe dọa, chặn đường lui và bị vây hãm hơn 4 tiếng đồng hồ. Chỉ đến khi lực lượng chức năng xã Cát Thành điều động được máy móc và lực lượng công an huyện đến thì nhóm PV mới được giải cứu khi trời đã tối.

Cần cơ chế mạnh mẽ để bảo vệ phóng viên, nhà báo khi tác nghiệp

can-tro-hanh-hung-phong-vien-khi-tac-nghiep-con-nhieu-nhung-goc-khuat-02-1655112851.jpg
Hình ảnh những thanh niên tấn công phóng viên báo Người lao động được ghi lại

Người ta hay nói nghề báo cũng là một nghề nguy hiểm, có lẽ chỉ sau PV chiến trường, PV điều tra là những người hay phải đối mặt với hiểm nguy nhiều nhất. Luật Báo chí năm 2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, bất cập trước đó, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động báo chí ở nước ta. Theo Luật Báo chí năm 2016, một trong những hành vi bị nghiêm cấm, là: “Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”. Do đó, bất kỳ một hành vi nào xâm phạm đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp đều bị xử lý theo quy định pháp luật với các quy phạm tương ứng trong Bộ luật Hình sự.

Từ những hiểm nguy trong khi tác nghiệp cho đến cả sau khi tác nghiệp. để đảm bảo an toàn cho bản thân khi làm điều tra, các PV, đặc biệt là những PV trẻ trước hết cần trau dồi bản lĩnh vững vàng; Nắm chắc các quy định của pháp luật để tác nghiệp đúng luật và phòng, chống đối tượng có hành vi cản trở, đe dọa, hành hung trái pháp luật.

Khi đi tác nghiệp, trừ trường hợp cần giữ bí mật thì PV nên liên hệ với công an, chính quyền địa phương nơi tác nghiệp; Mang theo đầy đủ giấy tờ theo quy định của pháp luật để hành nghề; Chuẩn bị kỹ các phương tiện, máy móc tác nghiệp và cả các trang thiết bị bảo hộ tác nghiệp.

Quá trình tác nghiệp, PV cần năng động, linh hoạt, giữ liên lạc với tòa soạn thường xuyên. Sau tác nghiệp, khi thể hiện bài viết cần chau chuốt câu chữ vì nhiều khi, chỉ cần sai một ý, nhầm một từ là đối tượng vin vào đó khiếu nại, kiện cáo khiến bao công sức điều tra đổ sông đổ bể, thậm chí bị xử phạt.

can-tro-hanh-hung-phong-vien-khi-tac-nghiep-con-nhieu-nhung-goc-khuat-03-1655112851.jpg
Cần cơ chế mạnh mẽ để bảo vệ phóng viên, nhà báo khi tác nghiệp (Ảnh minh họa)

Khi có dấu hiệu bị đe dọa, hành hung, người làm báo cần bình tĩnh xử trí đúng pháp luật, đồng thời báo cáo ngay với tòa soạn và cơ quan chức năng để được bảo vệ. Ngoài ra, PV trẻ cũng cần thường xuyên rèn luyện sức khỏe, kỹ năng tự vệ để tự bảo vệ mình, khi cần có thể vượt qua những hiểm nguy cấp bách…

Luật Báo chí cũng như các quy định khác của pháp luật có liên quan tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ và chặt chẽ về bảo vệ nhà báo hành nghề hợp pháp, đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các quy định đó được thực thi có hiệu quả, nghiêm minh hay không, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có Luật Báo chí; là việc giữ nghiêm kỷ cương phép nước; là việc các cơ quan hữu trách có khẩn trương, làm hết trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các vụ việc nhà báo bị xâm hại, hành hung, cản trở khi tác nghiệp? Thực tế thời gian qua xảy ra không ít các vụ việc hành hung, đe dọa, cản trở nhà báo tác nghiệp, gây băn khoăn, lo lắng trong dư luận và giới báo chí, nhưng tỷ lệ vụ việc được điều tra, xử lý “đến nơi đến chốn” còn khiêm tốn.

Để giảm tối đa các vụ cản trở, hành hung nhà báo, cơ quan báo chí cần phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có kế hoạch bảo vệ PV khi tiến hành điều tra, thu thập tin tức… ở các địa bàn dễ xảy ra nguy hiểm. Bên cạnh đó, mỗi PV phải không ngừng học hỏi, trang bị cho mình kiến thức pháp luật, nhất là nắm vững Luật Báo chí; thường xuyên trau dồi đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng nghiệp vụ, tránh để xảy ra sai sót, vi phạm trong quá trình tác nghiệp.

Thanh Bình