Sáng 31/12, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đến dự và chỉ đạo Đại hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa.
Bên cạnh đó, gần 480 đại biểu thay mặt cho hơn 27.000 hội viên nhà báo thuộc 63 hội nhà báo tỉnh, thành phố, 19 liên chi hội và hơn 200 chi hội trực thuộc, đại diện ý chí, nguyện vọng, tình cảm, quyết tâm của hội viên cả nước dự đại hội, hướng đến mục tiêu xây dựng Hội và nền Báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển.
Nhà báo Lê Quốc Minh tái đắc cử Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI
Phát biểu khai mạc đại hội, nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa X nhấn mạnh, đại hội được tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
"Cả hệ thống chính trị đang tích cực tạo ra nhiều bước phát triển quan trọng về mọi mặt, phát huy những thành quả của quá trình đổi mới, hướng tới dấu mốc năm 2030 nhân 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và dấu mốc năm 2045 kỷ niệm 100 năm lập quốc" - ông Minh nói.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, trong nhiệm kỳ qua, tình hình chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới bị tác động tiêu cực do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 kéo dài suốt 2 năm; hoạt động báo chí của nước ta trong bối cảnh đó cũng đối mặt nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, với tinh thần và sứ mệnh cống hiến cao cả, với truyền thống vẻ vang của những người làm báo cách mạng qua gần một thế kỷ, đội ngũ người làm báo cách mạng nước ta, tập hợp dưới mái nhà chung là Hội Nhà báo Việt Nam, đã nỗ lực phấn đấu, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân.
Theo ông Lê Quốc Minh, đại hội có nhiệm vụ đánh giá, kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam; kiểm điểm đánh giá việc thực hiện những chủ trương, nhiệm vụ về công tác báo chí nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; 15 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư TƯ Đảng (Khóa IX) về "Nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới", triển khai thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 08/4/2020 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới"; thảo luận, hoàn thiện Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành, thảo luận sửa đổi, bổ sung và thông qua Điều lệ Hội và các văn kiện quan trọng khác trình Đại hội.
"Đại hội có nhiệm vụ hết sức quan trọng là bầu Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025, gồm những nhà báo có phẩm chất và năng lực, có uy tín và điều kiện, cũng như tâm huyết, để lãnh đạo các mặt công tác của Hội trong nhiệm kỳ tới" - ông Minh nhấn mạnh.
Tại đại hội, các đại biểu đã trình bày báo cáo chính trị trình Đại hội XI; trình bày báo cáo kiểm điểm Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và trình bày các tham luận.
Tiếp đó, Đoàn Chủ tịch đã công bố kết quả danh sách bầu 52 ủy viên Ban Chấp hành khóa XI; 15 ủy viên Ban Kiểm tra khóa XI.
Hội nghị cũng đã tiến hành bầu Ban Thường vụ khóa XI gồm 12 thành viên, trong đó nhà báo Lê Quốc Minh - trúng cử Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI; 2 Phó Chủ tịch là nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Trần Trọng Dũng. Riêng chức danh Trưởng ban Kiểm tra sẽ được bầu bổ sung sau đại hội.
Hỗ trợ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Chỉ đạo tại đại hội, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vui mừng trước sự trưởng thành, vững vàng của đội ngũ báo chí cả nước, ngày thêm nâng cao về năng lực, phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đã và đang nỗ lực, từng bước làm chủ công nghệ làm báo hiện đại; không ngừng đổi mới, sáng tạo, nội dung thông tin trên báo chí ngày càng toàn diện, đa dạng phong phú; chất lượng chính trị, giá trị văn hóa trong các tác phẩm báo chí không ngừng được nâng cao.
Nhiều bài báo mang tính phát hiện, góp phần kiến nghị giải pháp thiết thực trên từng lĩnh vực; nhiều cơ quan báo chí, nhiều nhà báo đã tích cực phản ánh công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng… góp phần phát hiện sai phạm, tạo sức mạnh dư luận hỗ trợ hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Đặc biệt, hai năm qua, trước những diễn biến phức tạp, thách thức chưa từng có của đại dịch Covid-19, hàng trăm nhà báo không ngại hiểm nguy đã có mặt trên tuyến đầu chống dịch, kịp thời thông tin, cổ vũ những việc làm cao đẹp của lực lượng thầy thuốc, quân đội, công an, cán bộ cơ sở, những cá nhân, cộng đồng tích cực, tình nguyện tham gia phòng, chống đại dịch.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích, công lao to lớn của Hội Nhà báo Việt Nam và đông đảo hội viên thì cũng cần thẳng thắn đánh giá đúng, khách quan những mặt hạn chế, khuyết điểm trong hoạt động báo chí và công tác của Hội thời gian vừa qua.
Thường trực Ban Bí thư nêu rõ, bối cảnh hiện tại đặt ra cho báo chí cách mạng nước ta và Hội Nhà báo Việt Nam những nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang trên chặng đường đi tới. Báo chí phải tiếp tục đổi mới mình, thật sự trở thành kênh thông tin chính xác, kịp thời, có sức mạnh, tầm ảnh hưởng sâu rộng và trách nhiệm hơn nữa trong xã hội.
Để Hội Nhà báo Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, ông Võ Văn Thưởng đã nêu ra một số nội dung có tính chất gợi mở.
Trong đó, Hội cần nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của mình là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam; hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng và trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước; tính chất nghề nghiệp của hội không tách rời tính chất chính trị - xã hội. Đặc biệt, nhiệm vụ hàng đầu của báo chí, của những người làm báo Việt Nam và của Hội là phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Nhà báo các cấp bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, thiết thực trên cơ sở phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương; các cấp hội phải chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho hội viên…
"Bác Hồ từng căn dặn, nhiệm vụ của Hội là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng cao trình độ và nghiệp vụ. Có như thế thì Hội Nhà báo mới làm tròn nhiệm vụ của mình và những người làm báo mới phục vụ tốt nhân dân, phục vụ tốt cách mạng. Cán bộ báo chí cũng chính là chiến sĩ cách mạng. Đây chính là mục tiêu mà Hội Nhà báo Việt Nam, mỗi hội viên và những người làm báo phải tiếp tục phấn đấu, rèn luyện không ngừng, góp phần xây dựng Hội Nhà báo Việt Nam thêm trong sạch, vững mạnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển, lớn mạnh của Báo chí cách mạng Việt Nam" - ông Thưởng nêu rõ.