Cách tính lương hưu khi làm ở cơ quan nhà nước và doanh nghiệp

Lương Đàm
Cơ quan Bảo hiểm xã hội giải đáp thắc mắc của bạn đọc liên quan đến cách tính lương hưu khi vừa làm việc cơ quan nhà nước và vừa làm việc ở doanh nghiệp.
tang-luong-huu-1643428477.jpg
Ảnh minh họa

Bạn đọc hỏi: Tôi sinh tháng 8.1974, là công nhân quốc phòng, tham gia đóng Bảo hiểm xã hội trong quân đội từ tháng 3.1993 đến tháng 11.2018 thì công ty giải thể. Hiện nay, tôi đang làm việc tại công ty cổ phần. Làm thế nào để tôi được hưởng mức lương hưu tối đa sau này?

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay, tại Khoản 3 Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng Bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì mức bình quân tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần là mức bình quân tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội chung của các thời gian.

Như vậy theo quy định hiện hành, trường hợp của bạn vừa có thời gian là công nhân quốc phòng công tác trong quân đội (thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định) sau đó ra quân làm việc tại Công ty cổ phần (chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định).

Nếu thời gian công tác trong quân đội bạn chưa hưởng Bảo hiểm xã hội một lần thì khi tính mức bình quân tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính hưởng chế độ hưu trí đối với Bạn sẽ tính chung của các thời gian.

Bên cạnh đó, bạn đọc làm việc tại công ty cổ phần thì chế độ Bảo hiểm xã hội đối với bạn thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về Bảo hiểm xã hội.

Về cách tính hưởng lương hưu thực hiện theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội (mức hưởng Bảo hiểm xã hội dựa trên cơ sở mức đóng Bảo hiểm xã hội, mức đóng cao thì mức hưởng sẽ cao).