Chia sẻ trên Tạp chí Tổ chức Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Năm 2023, Bộ và toàn ngành Nội vụ đã có nhiều đổi mới, năng động, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, tạo được nhiều thay đổi quan trọng, được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, cán bộ, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân ghi nhận.
Đó là: tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách; chủ động đổi mới mạnh mẽ hoạt động công vụ, công chức; chú trọng phân cấp, phân quyền; tiếp tục đẩy mạnh việc sắp xếp tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước tổ chức thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Đổi mới, nâng cao vai trò, trách nhiệm và chất lượng, hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, tạo cơ sở chuẩn bị liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện trở lên.
Đề xuất điều chỉnh lương cơ sở tăng lên 20,8%, góp phần cải thiện thu nhập của những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tích cực tham mưu triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực Nội vụ đạt kết quả nổi bật
Tập trung cao độ để hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính góp phần xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả.
Triển khai đồng bộ các biện pháp thi hành Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022 và đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực công tác của Bộ Nội vụ.
Đặc biệt, năm 2023 công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực Nội vụ đạt kết quả nổi bật theo hướng thống nhất, đồng bộ, bảo đảm sự liên thông giữa quy định của Đảng với yêu cầu thực tiễn đặt ra nhằm thúc đẩy đổi mới, phát triển.
Theo đó, Bộ Nội vụ đã trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư 04 văn bản, đề án; trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành 14 Nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 14 Nghị định, 03 Nghị quyết; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 20 Quyết định, 03 Công điện. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đã ban hành 22 Thông tư, 07 văn bản hợp nhất.
Chủ động tham mưu triển khai đồng bộ, thống nhất, toàn diện việc thực hiện cải cách tiền lương
Điểm nhấn quan trọng trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, đó là Bộ đã chủ động tích cực tham mưu thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Chủ động tham mưu các cấp có thẩm quyền triển khai đồng bộ, thống nhất, toàn diện việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương kịp thời, hiệu quả bảo đảm đúng tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương khóa XII để thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 01/7/2024.
Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng đã đề xuất nâng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang từ 1.490.000đ/tháng lên 1.800.000đ/tháng từ ngày 01/7/2023 (tăng 20,8%), được cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Bộ Nội vụ sẽ ưu tiên toàn diện cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, phát huy kết quả đạt được trong năm vừa qua, năm 2024 Bộ Nội vụ đề ra phương châm hành động “Kỷ cương, gương mẫu, chuyên nghiệp, hiệu quả” nhằm tạo sự thay đổi và chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực của ngành Nội vụ.
Trong đó, Bộ Nội vụ sẽ ưu tiên toàn diện và tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực Nội vụ, trọng tâm vào đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả về tổ chức bộ máy, biên chế; công vụ, công chức; xây dựng chính quyền địa phương, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chính quyền cấp xã.
Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính nhà nước trong tình hình mới.
Triển khai đồng bộ, thống nhất, toàn diện, hiệu quả thực hiện cải cách chính sách tiền lương
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, cơ bản hoàn thiện mô hình chế độ công vụ theo vị trí việc làm; hoàn thiện tiêu chuẩn, chức danh công chức và tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý các cấp.
Triển khai các quy định về chế độ, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài; khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách liên thông đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh nhằm xây dựng chung một chế độ công vụ.
Tiếp tục tham mưu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với bộ, ngành và với chính quyền địa phương; đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy.
Trọng tâm là rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập từ bộ, ngành Trung ương đến địa phương; tham mưu trình cấp có thẩm quyền triển khai đồng bộ, thống nhất, toàn diện, hiệu quả thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 01/7/2024, trong đó phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Đẩy mạnh thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị
Quyết liệt phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với bộ, ngành và với chính quyền địa phương nhằm khơi thông điểm nghẽn, phát huy sự năng động, sáng tạo, tự chủ của các địa phương.
Đẩy mạnh thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trọng tâm là rà soát, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương; giải quyết đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, công vụ, công chức và xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả về đánh giá Chỉ số PAR INDEX và Chỉ số SIPAS.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ, trọng tâm là hoàn thành toàn bộ dữ liệu chuyên ngành bảo đảm kết nối, liên thông các bộ, ngành, địa phương.
Triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính
Triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Trong đó, hoàn thành trước Quý IV/2024 việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm ổn định để tổ chức đại hội đảng các cấp ở địa phương năm 2025.
Tăng cường công tác đối ngoại trên mọi lĩnh vực; hợp tác hiệu quả với các tổ chức quốc tế trong vấn đề công vụ, nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, đào tạo nguồn nhân lực của ngành Nội vụ, chú trọng đào tạo cán bộ trẻ tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Bộ, ngành Nội vụ.
Đẩy mạnh truyền thông chính sách lĩnh vực nội vụ
Coi trọng công tác thông tin, tuyên truyền; đẩy mạnh truyền thông chính sách lĩnh vực Nội vụ để tạo sự thống nhất, đồng thuận và huy động cả hệ thống chính trị, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng nền hành chính nhà nước và các cơ chế, chính sách mới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tin tưởng, năm 2024, với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tinh thần vượt khó của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, toàn ngành Nội vụ sẽ tiếp tục phấn đấu hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ đã đề ra, đóng góp chung vào thành tựu phát triển toàn diện của đất nước trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng.