Bài 1: Rác thải nhựa xâm lấn biển

Huyền Văn
Theo đánh giá của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Việt Nam là một trong 4 quốc gia có lượng rác thải nhựa (RTN) xả ra biển nhiều nhất thế giới. Vì thế, nếu không kịp thời triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm cứu biển khỏi RTN thì chúng ta khó bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững.

Việt Nam xả ra biển 0,28 - 0,73 triệu tấn rác thải nhựa/năm

Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển, chiều dài đường bờ biển hơn 3.260km, diện tích vùng biển hơn 1 triệu km2 với hơn 3.000 đảo và quần đảo. Tình trạng ô nhiễm RTN đại dương đang diễn ra tại nhiều tỉnh, thành phố có biển, trở thành bài toán nan giải.

nlntv-racthai-1665195515.jpg
Vợ chồng chị Phạm Thị Minh, người dân xóm Xuân Lộc, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An chỉ cho phóng viên rác thải nhựa bên bờ sông Lam ở gần Cửa Hội.

Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016-2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ước tính hơn 80% chất thải nhựa đại dương hằng năm có nguồn gốc từ đất liền. 70% RTN ở biển sẽ chìm xuống đáy biển và phá hoại các hoạt động sống ở đáy biển. Việt Nam đứng thứ 4/20 quốc gia có lượng RTN xả ra biển nhiều nhất thế giới, với khối lượng RTN xả ra biển dao động trong khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng RTN thế giới xả ra biển. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh, từ 3,8kg/người/năm vào năm 1990 lên 54kg/người/năm vào năm 2018, trong đó 37,43% sản phẩm là bao bì và 29,26% là đồ gia dụng.

Theo nghiên cứu mới đây của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) về đánh giá số lượng và khối lượng RTN trên 30 bãi biển tại 10 khu bảo tồn biển của Việt Nam cho thấy, trung bình trên 100m chiều dài bãi biển sẽ có số lượng RTN là 7.374 mảnh và 94,58kg. Trong RTN, loại chiếm tỷ trọng nhiều nhất về số lượng là phao xốp và dây thừng, lưới nhỏ, các sản phẩm này chiếm đến 47% về số lượng rác và 46% về khối lượng rác thải. Tiếp đến là các loại RTN dùng một lần, như: Hộp xốp đựng thức ăn, chai nhựa, túi nilon...

PGS, TS Nguyễn Chu Hồi, Ủy viên thường vụ Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, một trong những thách thức trong triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam hiện nay là thực trạng ô nhiễm rác thải trên các vùng biển Việt Nam, trong đó có vấn đề RTN. Nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm RTN là do một bộ phận người dân xả rác bừa bãi, rác theo ống nước ngầm, sông, suối... trôi ra biển. Ngoài ra, RTN phát sinh từ các hoạt động du lịch trên biển, hoạt động đánh bắt hải sản; thêm vào đó là sự tàn phá từ bão cuốn theo đồ đạc, vật dụng bằng nhựa, RTN từ đất liền ra biển...

“Không vứt rác thì lấy gì để các ông làm..."

Chúng tôi đã có chuyến khảo sát đến nhiều địa phương ven biển và tới đâu cũng thấy một thực trạng nhức nhối về RTN. Tại Cửa Hội (nơi con sông Lam đổ ra Biển Đông), thuộc khu vực xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, chúng tôi chứng kiến rác thải tràn ngập trên bờ. Tại đây, rác thải bủa vây đến gần 1km dọc bờ sông khiến nước ven bờ đen kịt, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên. Phần lớn rác là các chai nhựa, chai thủy tinh, túi nilon, bao bì, hộp xốp..., rồi cả mũ bảo hiểm, giày, dép, quần áo, lưới, ván thuyền... Chị Phạm Thị Minh, 39 tuổi, người dân xóm Xuân Lộc, xã Nghi Xuân cho biết: "Tình trạng rác thải ở đây đã tồn tại nhiều năm nay, nguyên nhân là do người dân xả rác bừa bãi cộng thêm rác từ nơi khác trôi dạt về. Mỗi năm, chính quyền địa phương tổ chức 2-3 đợt dọn vệ sinh rác thải, tuy nhiên tình trạng này vẫn không cải thiện".

Bờ biển xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa cũng tràn ngập túi nilon, vỏ chai nhựa, lốp xe đến rác thải xây dựng. Theo UBND xã Ngư Lộc, nguyên nhân rác thải tồn đọng là do đặc thù của bờ biển Ngư Lộc hình lòng chảo, nằm giữa hai cửa sông nên sau mỗi đợt thủy triều lại có một lượng lớn rác thải đổ vào. Ngoài ra, ý thức của một số người dân còn hạn chế, tự ý vứt rác ra môi trường. Thời gian qua, mặc dù xã đã huy động hàng trăm cán bộ, đoàn viên, thanh niên đồng loạt tổng dọn vệ sinh bờ biển, tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn lại ngập rác.

Biển Vũng Tàu cũng xuất hiện nhiều RTN. Ông Vũ Hùng Bằng, 51 tuổi, nhân viên vệ sinh môi trường của Công ty Cổ phần Dịch vụ môi trường và công trình đô thị Vũng Tàu chia sẻ: “Tôi đã làm công việc này 12 năm nay. Hằng ngày, gần 80 người của công ty cùng các phương tiện, như: Xe tải, máy xúc, máy cào... làm nhiệm vụ dọn rác biển Vũng Tàu. Chúng tôi làm 8 tiếng/ngày nhưng không thể dọn hết được rác thải tại đây. Chế tài xử phạt không đủ sức răn đe nên người dân vẫn vô tư xả rác, chính quyền cũng chưa thực sự quyết liệt trong vấn đề này. Có lần, tôi chứng kiến khách du lịch ngồi ăn trên bờ biển rồi vứt rác luôn tại chỗ mặc dù cách đó vài chục mét có thùng rác. Tôi đến nhắc nhở thì họ tỏ thái độ khó chịu, còn nói rất vô ý thức rằng: “Không vứt rác thì lấy gì để các ông làm”.

Hủy hoại môi trường và sức khỏe con người

Theo các chuyên gia, quá trình phân hủy một chiếc túi nilon có thể kéo dài từ 500 năm đến 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời. Theo thời gian, RTN bị phân rã thành các mảnh nhựa với nhiều kích thước rất nhỏ, siêu nhỏ khác nhau, những mảnh vi nhựa này lẫn trong nước biển gây ra cái chết của hàng loạt loài cá và sinh vật biển, tác động xấu đến hệ sinh thái biển. Báo cáo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) cho biết, 88% các loài sinh vật biển mà tổ chức này nghiên cứu bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm nhựa rất nghiêm trọng. Việc nhiều loài sinh vật biển giảm mạnh về số lượng không những ảnh hưởng đến sự đa dạng của hệ sinh thái biển mà còn tác động trực tiếp đến sinh kế của người dân dựa vào tài nguyên biển và các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, ngành du lịch biển. Nguy hiểm hơn, con người khi sử dụng cá, hải sản và các sản phẩm từ vùng biển bị ô nhiễm vi nhựa lâu ngày có thể dẫn đến một loạt vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.

Xóm Xuân Lộc, xã Nghi Xuân (Nghi Lộc, Nghệ An) có gần chục trường hợp mắc bệnh ung thư. Hầu hết những người ung thư thường xuyên ăn cá được đánh bắt tại khu vực sông Lam-nơi bị ô nhiễm RTN. Chị Phạm Thị Minh, người dân xóm Xuân Lộc bị ung thư dạ dày từ năm 2015. Gia đình chị sống bằng nghề đánh bắt cá và thường xuyên sử dụng cá trong bữa ăn. Ngoài ra, nhà chị Minh cách bờ sông Lam khoảng 100m nên hằng ngày phải ngửi mùi hôi thối của rác thải bốc lên khiến chị thường xuyên mắc bệnh về đường hô hấp. Một trường hợp khác là bà Phạm Thị Liên, 58 tuổi, cách đây 3 tháng phát hiện bị ung thư đại tràng. Chị Đào Thị Hồng (con dâu của bà Liên) chia sẻ: “Mẹ tôi thường xuyên bị nôn nên đã đi bệnh viện khám thì phát hiện bị ung thư đại tràng. Mẹ làm nghề bán cá và cũng thường xuyên ăn cá được đánh bắt trên sông Lam”.

Hiện nay chưa có nghiên cứu nào được công bố khẳng định ăn các thực phẩm nhiễm vi nhựa gây ra ung thư, tuy nhiên, PGS, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế chia sẻ rằng, khi hạt vi nhựa hòa vào nguồn nước, chúng sẽ hấp thụ chất độc trong nước và trở nên cực kỳ nguy hiểm. Các loài sinh vật như cá, chim, hàu và nhiều loài thủy sinh khác nhầm lẫn hạt vi nhựa là thực phẩm và ăn vào. Do đặc tính không tan và khó phân hủy nên hàng nghìn phân tử nhựa bị tích lại trong cơ thể thực vật, động vật. Con người ăn những loài thực vật, động vật đó sẽ đưa các hạt vi nhựa vào cơ thể. Các hạt nhựa siêu nhỏ có thể xâm nhập vào mạch máu, hệ bạch huyết, thậm chí tới gan. Các nhà khoa học trên thế giới cũng đưa ra khuyến cáo, cứ một hạt vi nhựa trong cơ thể con người vỡ ra sẽ sản sinh ra rất nhiều chất độc gây nguy hiểm trực tiếp đến sức khỏe. Khi đó, chúng ta có thể bị mất cân bằng hormone dẫn đến các căn bệnh về thần kinh, các bệnh hô hấp, ảnh hưởng đến cấu trúc não bộ, gây tăng động, suy yếu và biến đổi hệ miễn dịch cùng hàng loạt nguy cơ khác.

(còn nữa)