Việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần ngày càng trở nên phổ biến, nhất là dây nhựa dùng để buộc vật liệu xây dựng, đóng gói hàng nội thất. Các sợi dây nhựa này sau khi qua sử dụng trở thành phế thải xả ra môi trường.
Nhưng với ông Nguyễn Bá Tụng (78 tuổi, trú thôn Văn Xá, xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình), những phế thải ấy lại là nguyên liệu để ông tạo ra những chiếc chiếu, rổ, rá, giần, sàng, chổi... xinh xắn.
Cụ ông thương binh tài hoa
Ngồi trò chuyện với chúng tôi bên chiếc chiếu nhựa đang đan dở, ông Tụng kể: Sau trận chiến tại Thành cổ Quảng Trị, ông xuất ngũ về quê cùng vợ làm ruộng nương, vườn tược. Do vốn có tay nghề đan lát, năm 2019, khi thấy những sợi dây nhựa dùng để đóng gói hàng hóa bị bỏ đi xuất hiện ngày càng nhiều, ông Tụng nảy ra ý tưởng đan lát loại phế thải này rồi thử mang đi bán.
“Lúc đầu tôi chỉ sử dụng dây nhựa này để làm chổi nhưng đứa con gái khuyên tôi thử dùng dây này làm rổ để rửa rau. Nghe vậy thì tôi thử đan, mất năm ngày đan dây nhựa thành cái rổ, đan xong ai thấy cũng thích nên đặt nhờ tôi làm, từ đó tôi mới bắt đầu đan cho ai có nhu cầu” - ông Nguyễn Bá Tụng nói.
Những ngày đầu, để có nguyên liệu sản xuất, ông Tụng thường đi thu nhặt dây nhựa ở các đại lý vật liệu xây dựng để về đan lát bởi nó rất nhiều và phổ biến. Sau 3-5 ngày kỳ công đan lát tỉ mỉ, mỗi thành phẩm rổ, rá, giần, sàng... của ông Tụng được những người có nhu cầu mua với giá 50.000-120.000 đồng.
Với lợi thế là những sản phẩm truyền thống thường được người dân ở các vùng quê lựa chọn sử dụng kết hợp với giá thành rẻ, chất lượng bền nên từ ngày vào nghề, ông Tụng dường như không phải lo lắng về đầu ra.
“Cái rổ do ông Tụng đan lát chất lượng rất đảm bảo, dùng bền lắm. Giả sử mình có quên mà bỏ ngoài mưa ngoài nắng cũng không lo bị hỏng.”
Ông Nguyễn Văn Hạp
“Thổi hồn” vào rác thải nhựa
“Tiếng lành đồn xa”, ban đầu là các gia đình trong xóm, đến các xã lân cận rồi một số xã thuộc huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế) cũng tìm đến ông Tụng để đặt làm các sản phẩm đan lát bằng dây nhựa. Thậm chí về nguyên liệu sản xuất, hiện nay ông còn được các đại lý vật liệu xây dựng thu gom giùm, chờ ông đến lấy… thay vì họ phải xả ra làm ô nhiễm môi trường.
“Cái rổ do ông Tụng đan lát chất lượng rất đảm bảo, dùng bền lắm. Giả sử mình có quên mà bỏ ngoài mưa ngoài nắng cũng không lo bị hỏng vì bằng nhựa, chứ trước đây rổ làm bằng tre thì nhanh hỏng hơn, mình phải mất tiền mua nhiều lần” - ông Nguyễn Văn Hạp (trú xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy) chia sẻ sau khi mua và sử dụng các sản phẩm do ông Tụng đan bằng dây nhựa.
Sau gần ba năm đan lát các sản phẩm bằng dây nhựa phế thải, tay nghề của ông Tụng nay đã thuần thục. Các đường nét trên mỗi chiếc rổ, rá cũng trở nên bắt mắt, thu hút khách hàng giúp vợ chồng ông bà có thêm thu nhập. Nhưng điều khiến chúng tôi nể phục ông Tụng hơn cả là tâm thức bảo vệ môi trường từ việc tái chế các sản phẩm nhựa phế thải dùng một lần rồi xả rác lung tung ở các làng quê.
“Tôi đan để vợ chồng có ít đồng tiêu hằng tháng, khỏi phải lệ thuộc con cháu. Cái thứ hai là mình tiêu thụ bớt dây nhựa, bởi họ vứt ra ngoài đường rồi đốt gây ô nhiễm lắm. Dây nhựa ni vứt rất nhiều. Nếu trong một xã, một huyện, một tỉnh có 5-6 ông đan lát dây nhựa như tôi thì vừa có tiền, lại vừa đỡ ô nhiễm” - ông Tụng tâm sự.
Tuổi đã cao, ông Tụng vẫn hằng ngày “thổi hồn” vào các loại dây nhựa phế thải để kiếm thêm thu nhập. Ông Tụng khoe ở TP Đồng Hới, huyện Bố Trạch, huyện Lệ Thủy hay huyện A Lưới… đâu đâu cũng có rổ, rá ông đan, ai ai cũng hài lòng.
Góp phần tác động đến ý thức bảo vệ môi trường
của mọi người
Dù là thương binh xuất ngũ nhưng với ý tưởng kết hợp giữa sự đan lát truyền thống và tái chế dây nhựa, các sản phẩm do ông Nguyễn Bá Tụng làm ra đến nay vẫn luôn được bà con tin dùng. Nhìn xa hơn, việc tận dụng dây nhựa bỏ đi của ông Tụng không chỉ góp phần tạo ra nguồn thu kinh tế gia đình mà còn góp phần tác động đến ý thức của mọi người về bảo vệ môi trường nói chung và xử lý rác thải nhựa sử dụng một lần nói riêng.
Ông LÊ THANH HẠNH, Chủ tịch UBND xã Phú Thủy,
huyện Lệ Thủy, Quảng Bình