Bác sĩ Đặng Vũ Lạc (15/5/1900 - 1/10/1948) - Đốc Lạc (một cách gọi thời Tây) là người quê ở làng Hành Thiện, phủ Xuân Trường, (nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường) tỉnh Nam Định sinh ra trong một gia đình quan lại. Thân phụ ông là Đặng Cao Chi, đồng Tri phủ Gia Lâm (gọi là cụ Phủ Chi). Ông Đặng Vũ Lạc là 1 trong 2 vị bác sĩ đầu tiên của Trường Y khoa Đông Dương được sang Pháp học thêm 2 năm cuối và nhận bằng bác sĩ tại Pháp. Ông cũng là bác sĩ mở bệnh viện tư nhân lớn nhất Đông Dương thời điểm đó (1937).
Thuở nhỏ, cậu bé Đặng Vũ Lạc học chữ Hán, 11 tuổi mới bắt đầu học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp ở Hành Thiện (khai rút 2 tuổi thành 1902). Đậu bằng Tiểu học Pháp - Việt năm 16 tuổi (1915), ông cũng thi đậu luôn vào trường Trung học Bảo hộ (Trường Lycée Du Protectorat) tại Hà Nội. Cũng năm 1915, đậu khóa sinh, ông vác lều chõng đi thi Hương khóa cuối cùng tại trường thi Nam Định và ông vào được đến Tam trường.
Nhưng ngay sau đó, gia đình đã có một quyết định rất sáng suốt là không để ông tiếp tục thi Hán học khoa sau ở Vinh nữa mà chuyển hẳn sang học tiếng Pháp.
Vốn thông minh, chịu khó, chàng trai Đặng Vũ Lạc chỉ học trong 6 năm đã đỗ tú tài 2 vào năm 1921, ban Triết học. (Thông thường phải mất 4 năm để học hết bậc Cao đẳng tiểu học và 3 năm chương trình tú tài toàn phần: 2 năm tú tài 1 và 1 năm tú tài 2).
Sau khi đỗ tú tài toàn phần, năm học 1921-1922, Đặng Vũ Lạc vào Trường Y khoa Đông Dương. Trường Y khoa Đông Dương được thành lập vào năm 1902 và khai giảng năm đầu tiên vào ngày 1/3/1902, ở ấp Thái Hà, Hà Nội. Trong 20 năm, (1902-1921), trường chỉ đào tạo Y sĩ. Học sinh học hệ 3 năm. Nghị định ngày 7/1/1919 quy định: học sinh muốn vào học ở Đại học Y thì phải có chứng chỉ Lý - Hóa - Sinh (Sciences Physiques, Chimiques et Naturelles, PCN) và hai ông Đặng Vũ Lạc và Hoàng Thụy Ba (người đã đỗ tú tài toàn phần và đã có chứng chỉ PCN) là hai người đầu tiên được vào Trưởng Y khoa Đông Dương niên khóa 1921-1922 để học bác sĩ. Theo sắc lệnh ngày 30-8-1923, Trường Y khoa Đông Dương được nâng cấp lên đại học.
Thời kỳ này vì không có Giáo sư ở Pháp sang Việt Nam hướng dẫn sinh viên làm luận án, nên sinh viên học hết năm thứ ba là phải sang Pháp học tiếp hai năm nữa rồi bảo vệ luận án tốt nghiệp bác sĩ tại Pháp. Vì vậy, 2 ông Đặng Vũ Lạc và Hoàng Thụy Ba đã cùng sang Pháp học nội trú 2 năm. Họ cùng bảo vệ Luận án bác sĩ Y khoa (Thèse pour le Doctorat en Médecine).
Được học bổng sang Pháp học tiếp, Đặng Vũ Lạc đã bảo vệ luận án bác sĩ "Góp phần nghiên cứu lâm sàng và căn bệnh béribéri" tại Đại học Y khoa Paris vào năm 1927. Luận án của ông được Chủ tịch Hội đồng là GS. Bezancon khen rất xuất sắc, cho điểm tối ưu và ông được nhận giải thưởng của Trường Đại học Y khoa Paris (Bản luận án tốt nghiệp bác sĩ của ông được con trai là bác sĩ Đặng Vũ Viêm tim thấy ở thư viện trường Đại học Y khoa Bordeaux năm 1990).
Sau khi nhận bằng bác sĩ, ông trở về Việt Nam ngày 7/1/1928, làm bác sĩ tập sự tại nhà thương Bảo hộ, Hà Nội (Bệnh viện Việt - Đức hiện nay). Tiếp đó, ông làm Giám đốc Bệnh viện Hòa Bình (năm 1929) và Giám đốc Bệnh viện Phủ Lý (năm 1930). Bản Gia phả của dòng tộc Đặng Vũ xuất bản năm 2011 ở Paris có ghi là các năm 1930 và 1932 nhưng theo chính ông Đốc Lạc kể lại thì ông chỉ làm mỗi nơi có 1 năm).
Về Hà Nội, ông mở bệnh viện tư tại số nhà 40-42 phố Hàng Đẫy (nay là Nguyễn Thái Học). Ông đặt tên thầy dạy mình ở Trường Y Đông Dương là Bệnh viện Henri Coppin.
Tháng 4/1937, ông cho xây bệnh viện tư tại số 92 Gambetta (nay là phố Trần Hưng Đạo) và nó được coi là một bệnh viện tư lớn nhất Đông Dương thời đó. Ngày nay bệnh viện này chính là Bệnh viện Tim Hà Nội.
Thời gian đó, Hà Nội chỉ có 4 bệnh viện: Lanessan, Saint Paul của người Pháp, Bệnh viện Bảo hộ, Bệnh viện René Robin, nên rất thiếu cơ sở chữa bệnh cho người Việt. Bệnh viện của bác sĩ Đặng Vũ Lạc đã góp một phần bổ khuyết cho sự thiếu thốn đó. Bệnh viện tư này khá hiện đại, có 60 phòng, trên 100 giường bệnh, có phòng xét nghiệm máy móc tối tân. Phụ tá bác sĩ Đặng Vũ Lạc là bác sĩ Phạm Hữu Chí giỏi giang, cựu bác sĩ nội trú và cựu trưởng phòng tại Paris.
Bác sĩ Đặng Vũ Lạc (hay được gọi là ông Đốc Lạc), chữa bệnh giỏi lại có tài kinh doanh, ông có xe hơi loại sang, có nhà nghỉ mát tại Đồ Sơn, có du thuyền tại vịnh Hạ Long. Ông lập ra Câu lạc bộ thể thao Việt Nam tại Hà Nội mà ông là Hội trưởng. Ông có nhiều bạn Việt và Pháp trong giới trí thức và kinh doanh lớn. Chính quyền Pháp rất nể vì, ngày 19/10/1943 đã tặng ông Đệ ngũ đẳng Bắc đẩu Bội tinh. Ông có tên trong sách "Những người danh tiếng và quý tộc ở Đông Dương" do Phủ Toàn quyền xuất bản.
Vào cuối thập niên 1930, Đốc Lạc có một khóa làm Hội viện Hội đồng Thành phố Hà Nội. Nhiều người thời đó cũng biết, Đốc Lạc giàu tinh thần dân tộc, bênh vực mạnh mẽ quyền lợi dân nghèo khi làm ở Hội đồng thành phố. Trong cuộc họp ngày 22/11/1937 của Hội đồng bàn về ngân sách, Đốc lý (Thị trưởng) Hà Nội Henri Virgitti đề nghị đánh thuế cư trú và thuế dùng nước máy, Đốc Lạc đã phản đối, bị Đốc lý bảo đuổi ông ra ngoài phòng họp. Ông cùng 5 hội viên Việt Nam khác ra khỏi phòng họp và đồng loạt từ chức, đội Thống sứ Bắc Kỳ Yves Châtel bãi bỏ thứ thuế vô lý đó. Hội đồng không còn người Việt Nam đại diện, vì vậy Thống sứ Pháp buộc phải giải tán Hội đồng toàn người Pháp này để bầu một Hội đồng mới. Tuy nhiên, Hội đồng mới được bầu thì cả 6 người Việt lại trúng cử. Ông giúp đỡ nhiều đồng hương học hành, làm việc. Khi kháng chiến toàn quốc nổ ra, bác sĩ Lạc bị kẹt ở Hà Nội. Năm 1947, ông mở lại Bệnh viện tư Henri Coppin, đổi tên thành Bệnh viện Đặng Vũ Lạc.
Bác sĩ Đặng Vũ Lạc đã tham gia hoạt động chính trị, với trách nhiệm của một người Việt Nam đấu tranh vì quyền lợi của người Việt, nhưng do bệnh tật, đau yếu kéo dài nên ông cũng chỉ hoạt động trong thời gian đầu. Bác sĩ Đặng Vũ Lạc bị mắc bệnh từ năm 1943 và tạ thế ngày 1/10/1948 tại Hà Nội, ở tuổi 46 đầy nhiệt huyết khi chưa thực hiện được dự định mở rộng và hiện đại hóa cơ sở bệnh viện tư lớn nhất thời đó. Đồng nghiệp, những người làm việc với ông mất đi một người đứng đầu quyết đoán, năng động, chân tình.
Là một trong những bác sĩ đầu tiên được đào tạo hệ bác sĩ tại đại học Y khoa Đông Dương, bác sĩ Đặng Vũ Lạc có nhiều đóng góp cho y học Việt Nam, mở đầu hệ thống bệnh viện tư nhân của người Việt Nam, cũng như chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam. Hiện nay, hậu duệ của ông (cháu đích tôn), PGS. TS. Y khoa Đặng Quốc Tuấn cũng kể nghiệp ông trong việc chăm sóc sức khoe cho người dân Việt Nam trên cương vị Phó Trưởng Khoa và có một thời gian là Phụ trách Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Ông cũng là một trong những chuyên gia hàng đầu về Hồi sức tích cực của Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
- Gia phả họ Đặng Vũ (2011), xuất bản tại Pháp do gia đình cung cấp.
- Lịch sử Trường Đại học Y Hà Nội, giai đoạn 1902-1945 (2003). Ban Lịch sử Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y, Hà Nội.
- Tạp chí Xưa & Nay, số 531, tháng 5/2021.
- Bìa cuốn Luận án tốt nghiệp bác sĩ Y khoa của bác sĩ Đặng Vũ Lạc làm tại Pháp.