4 ngành trọng điểm cần 73.000 lao động có tay nghề, không cần bằng cấp

Mỗi năm, nhu cầu nhân lực ở 4 ngành công nghiệp trọng điểm hút 23% tổng nhu cầu nhân lực của TPHCM, với khoảng từ 65.000 - 73.000 việc làm, chủ yếu là lao động đã qua đào tạo.
nlntv-c5179c58-1656044250.jpg
Ngành dệt may - giày da đang thiếu hụt lao động nghiêm trọng sau đại dịch Covid-19.

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Sở LĐ-TB&XH) vừa công bố dự báo nhu cầu nhân lực của 2 ngành công nghiệp truyền thống (dệt may - giày da) và 4 ngành công nghiệp trọng điểm (cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; chế biến tinh lương thực - thực phẩm; hóa dược - cao su) trong giai đoạn 2022-2026.

Theo dự báo, 2 ngành công nghiệp truyền thống đang bị thâm hụt lao động nghiêm trọng sau thời gian đại dịch Covid-19. Năm 2021, dệt may - giày da có hơn 376.000 lao động, chiếm 13% trên tổng số 2,8 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp tại TPHCM. Giai đoạn 2022 - 2026, hai lĩnh vực này tiếp tục duy trì lao động ở mức 394.000 - 437.000 lao động, với tốc độ tăng bình quân 2,62%/năm.

Dù đang có nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng rất ít lao ứng tuyển vào 2 lĩnh vực này. Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp dệt may - giày da có quy mô vừa và nhỏ, nguồn vốn thấp, chưa áp dụng nhiều công nghệ trong sản xuất; lao động trong 2 lĩnh vực này chủ yếu tự học, tự đào tạo nên tay nghề chưa cao. Trong khi đó, yêu cầu về lao động của ngành tăng rất nhanh, nhưng nguồn cung không đáp ứng đủ.

Tiếp đó, sau đại dịch, một số người lao động đã về quê không trở lại hoặc làm việc tại các nhà xưởng ở quê nhà... cũng khiến các doanh nghiệp may mặc ở TPHCM thêm khó khăn. Ngành may mặc những năm trước khi xảy ra dịch bệnh đã bị ảnh hưởng về nguồn cung lao động do phải cạnh tranh với các ngành khác từ dòng vốn đầu tư nước ngoài.

nlntv-d02f68a3a-1656044135.jpg
Những lao động có tay nghề sẽ được tuyển dụng với mức lương cao, không chú trọng bằng cấp.

Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp ở ngành dệt may - giày da tập trung ở TPHCM với năng lực sản xuất tương đương 40 - 50% cả nước. Theo quy hoạch phát triển giai đoạn 2022 - 2026, vùng Đông Nam Bộ và vùng ĐBSCL với TPHCM là trung tâm thiết kế thời trang, trung tâm sản xuất mẫu mã, cung cấp dịch vụ, nguyên phụ liệu, công nghệ dệt may. Do đó, nhu cầu nhân lực sẽ là rất lớn và là một bài toán khó đối với TPHCM.

Theo dự báo giai đoạn 2022 - 2026, ngành dệt may - giày da tại TPHCM cần từ 390.000 - 437.000 lao động, chủ yếu ở trình độ sơ cấp - trung cấp, chưa qua đào tạo. Mỗi năm, ngành cần từ 20.000 - 22.000 chỗ làm việc, chiếm 7% trong tổng nhu cầu nhân lực từ 271.000 - 322.000 chỗ làm việc/năm của TPHCM.

Dự báo nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng điểm mỗi năm chiếm 23% tổng nhu cầu nhân lực của TPHCM, với khoảng từ 65.000 - 73.000 chỗ làm việc, chủ yếu là lao động đã qua đào tạo. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp chỉ yêu cầu về chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, không quá chú trọng bằng cấp.