Yên Bái sau 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đỗ Anh Dũng
Nằm ở vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, cửa ngõ của chiến trường Tây Bắc, trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh Yên Bái đã khắc phục mọi khó khăn gian khổ, hy sinh, chuyển được hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí từ căn cứ địa Việt Bắc lên mặt trận Điện Biên Phủ một cách an toàn, kịp thời, góp sức người, sức của cho cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi hoàn toàn. Đặc biệt là mở đường 13A

Sau chiến dịch giải phóng Nghĩa Lộ (10/1952), Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Yên Bái được giao nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng vinh quang, là mở đường từ Hiên (Tuyên Quang) đi Ba Khe; mở đường 13A nối Ba Khe với đường 41 (ngã ba Cò Nòi - Sơn La), tổng chiều dài 188km. Đường 13A là mạch máu giao thông chính nối liền căn cứ địa Việt Bắc với chiến trường, sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói “Không có đường 13A thì không có chiến dịch Điện Biên Phủ”.

nht8331-1714960210.JPG
Tuổi trẻ Yên Bái thi tải gạo qua Đèo Lũng Lô – nơi mệnh danh là cung đường huyền thoại của lòng yêu nước trong chiến thắng Điện Biên Phủ. (Ảnh Trọng Tuân)

Phát huy truyền thống của quê hương, quân và dân Yên Bái tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển, kết hợp hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu tiến bộ xã hội.

Sau 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Yên Bái đã phát triển mạnh mẽ. GRDP ước đạt 6,0%, xếp thứ 7/14 tỉnh trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; bình quân 03 năm 2021-2023 đạt 7,24%, đứng thứ 5/14 tỉnh trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. 2023, tổng vốn đầu tư phát triển đạt 20.038,5 tỷ đồng, bằng 100,2% kế hoạch, tăng 6,2% so với năm 2022, xếp thứ 6/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 5,29%, vượt 0,29% so với kế hoạch, cao nhất vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 325.209 tấn, vượt 2,6% kế hoạch; tổng đàn gia súc chính đạt trên 835.500 con, bằng 101,8% kế hoạch. Duy trì và phát triển nuôi cá lồng ở các địa phương có điều kiện về nguồn nước; sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 14.310 tấn, bằng 100,6% kế hoạch, tăng 4% so với năm 2022.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì ổn định, đạt mức tăng trưởng khá tích cực; tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 6,46%, đứng thứ 7/14 tỉnh trong Vùng (tính riêng công nghiệp đạt 4,12%, đứng thứ 5/14 tỉnh trong vùng). Khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án phát triển công nghiệp gắn với các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh; hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm, hàng hóa của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) năm 2023 đạt 16.920 tỷ đồng, bằng 100,1% kế hoạch, tăng 8,7% so với năm 2022. Chỉ số sản xuất công nghiệp đạt 107% so với năm 2022, đứng thứ 3/14 tỉnh trong Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

picture1-1714960210.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy (ngoài cùng bên phải) tham gia trồng khoai sọ nương cùng đồng bào Mông ở thôn Mù Thấp, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu

Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm bình quân 7,66% (so với mục tiêu Trung ương giao vượt 2,66%). Yên Bái hướng tới cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh thu hút đầu tư, chuyển đổi số, từng bước phát triển nền kinh tế số, xã hội số.

Cùng với đó, văn hóa - xã hội có bước phát triển toàn diện; chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế không ngừng được nâng lên. Từ năm 2020 đến nay, Yên Bái là tỉnh duy nhất trong cả nước đã phát động ủng hộ, tặng quà Tết cho 100% hộ nghèo và các hộ tự nguyện thoát nghèo trong toàn tỉnh từ nguồn xã hội hóa, bảo đảm mọi người, mọi nhà đều được vui xuân, đón Tết đầm ấm, hạnh phúc.

dji-0046-11zon-1-1714960303.jpg
Một góc Yên Bái. (Ảnh Trần Toản)

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định rất rõ mục tiêu “quyết tâm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025, và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2030”. Đặc biệt, địa phương đã xác định triết lý phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc” và là tỉnh đầu tiên trong cả nước đưa Chỉ số hạnh phúc của nhân dân là một chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội, thể hiện quyết tâm của Yên Bái trong việc thực hiện lời dạy của Bác.

Phát huy những thành tựu đạt được trong nửa nhiệm kỳ Đại hội, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc quyết tâm cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, trở thành tỉnh khá trong các tỉnh miền núi.

Thực hiện: Trần Toản