Tỉnh Yên Bái phê duyệt Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030

Đinh Thảo
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái vừa ký ban hành quyết định số 2015/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2023 - 2030”.
yen-bai-1699430080.jpg
Yên Bái phát động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (Ảnh: Báo Yên Bái)

Giai đoạn 2023 - 2030, hoạt động chuyển đổi số tỉnh Yên Bái hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan, tổ chức, quy trình, quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân. Phát triển hạ tầng số, nền tảng số, các cơ sở dữ liệu đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện. Xây dựng chính quyền số hoạt động hiệu quả, gắn với phát triển đô thị thông minh, kinh tế số, xã hội số, cải cách hành chính tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư kinh doanh.

Xây dựng mô hình chuyển đổi số của tỉnh vừa đáp ứng các tiêu chí chung chuyển đổi số theo định hướng của Trung ương, vừa thể hiện những đặc trưng riêng của tỉnh Yên Bái “chuyển đổi số giúp người dân hạnh phúc hơn”.

Qua 2 năm, tỉnh Yên Bái đã từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản, quy định về công tác chuyển đổi số (CĐS), điển hình là ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định mức thu lệ phí thực hiện các TTHC thông qua DVCTT, việc thí điểm cho phép nộp TTHC cấp tỉnh tại huyện, xã; Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ CĐS trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022 - 2025...

Người dân Yên Bái đã dần thay đổi về tư duy, đang trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình CĐS của tỉnh. Đến nay, 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo về CĐS; 100% tổ CĐS cộng đồng đã được thành lập tại các xã, thôn, tổ dân phố. Phong trào CĐS với nhiều cách làm hay, sáng tạo, linh hoạt đang được các địa phương thi đua thực hiện... đã góp phần đưa công tác CĐS của Yên Bái từng bước đi vào thực chất.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chuyển đổi số tỉnh Yên Bái cũng gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc. Để khắc phục và đồng thời cụ thể hóa các chiến lược, chương trình, kế hoạch chuyển đổi số hiện hành của Đảng, Nhà nước và Nghị quyết số 51-NQ/TU ngày 22/7/2021 của Tỉnh ủy thì cần thiết phải có một chương trình tổng thể, toàn diện về chuyển đổi số đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và định hình thành các dự án cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực và có bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện đảm bảo thiết thực và khả thi.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của đề án là phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành cơ bản những chỉ tiêu chuyển đổi số trên cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đưa thứ hạng chỉ số chuyển đổi số tỉnh Yên Bái vào nhóm 15/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh. Đến năm 2030, hoàn thiện hạ tầng để thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh; ứng dụng sâu các công nghệ số mới trên cả ba trụ cột của chuyển đổi số: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; phấn đấu nâng thứ hạng chỉ số chuyển đổi số tỉnh Yên Bái (DTI) vào nhóm 10/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Mục tiêu cụ thể: Năm 2025: 31 mục tiêu, chia thành 05 nhóm: Phát triển hạ tầng số; Phát triển Chính quyền số; Phát triển kinh tế số; Phát triển xã hội số; Xây dựng mô hình CĐS đặc trưng Yên Bái “CĐS giúp người dân hạnh phúc hơn”.

Trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp, Đề án đề xuất các nguyên tắc trong triển khai thực hiện: Nguyên tắc để lựa chọn dự án, phần việc thực hiện theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin và Nguyên tắc để lựa chọn dự án, phần việc thực hiện theo hình thức đầu tư 01 lần.

Đề án cũng đề xuất tổng số 99 dự án, phần việc cần bố trí nguồn lực tài chính để thực hiện. Tổng nhu cầu vốn thực hiện Đề án dự kiến là 3.900.000 triệu đồng, trong đó: vốn ngân sách nhà nước 2.860.000 triệu đồng; vốn ngoài ngân sách ngoài nhà nước 1.040.000 triệu đồng.

Giải pháp chính để hoàn thành các mục tiêu là khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số, trong đó nguồn lực doanh nghiệp công nghệ số tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội; nguồn lực từ ngân sách của tỉnh đóng vai trò định hướng, dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực ngoài nhà nước, huy động, thúc đẩy hợp tác công - tư; nguồn lực từ các chương trình hợp tác trong nước và quốc tế là hỗ trợ; nguồn lực trong Nhân dân là yếu tố quyết định sự thành công./.

Phương Thảo - TH