Tuyển dụng lao động ở các khu CN Đà Nẵng: Doanh nghiệp đang gặp khó

Nhu cầu của doanh nghiệp tuyển dụng nhiều, tuy nhiên, ít người lao động tới tìm hiểu, phỏng vấn rất ít khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Trong khi đó, người lao động lại có lý do để từ chối việc làm.

Doanh nghiệp khó tìm người lao động

Tuyển dụng liên tục nhưng vẫn không đủ số lượng lao động cần để mở rộng hoạt động, có nơi tuyển dụng được rồi thì lao động lại rục rịch nghỉ việc khi mới chỉ thử việc là thực trạng đang diễn ra tại Đà Nẵng và các vùng phụ cận. Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng, ngày 11/2, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng tổ chức Phiên giao dịch việc làm đầu tiên năm 2022 nhằm tạo điều kiện cho lao động và đơn vị tuyển dụng thuận lợi kết nối. Tuy nhiên, dù nhu cầu việc làm nhiều, nhưng vẫn còn ít người lao động tới tìm hiểu, phỏng vấn.

Tham gia phiên đầu tiên có 81 doanh nghiệp gửi thông báo tuyển hơn 6.300 vị trí. Trong đó, có 19 doanh nghiệp đến phỏng vấn trực tiếp. Bên cạnh đó, phiên giao dịch cũng thực hiện kết nối trực truyến giữa ba cơ sở của Trung tâm tại Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Hải Châu và liên kết cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Trị để thuận tiện trong việc kết nối giữa người lao động và tuyển dụng. Thế nhưng đã có nhiều đơn vị không thể liên kết với người lao động do khá ít người tới, hoặc do nhu cầu về độ tuổi, do tính chất công việc (đối với công việc nặng, đi công trình nhiều…).

Cũng trong tình trạng đó, mới đây vào đầu tháng 5/2022, ngày hội việc làm với khoảng 8.000 vị trí cũng đã được tổ chức tại Đà Nẵng. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng trình độ đại học và cao đẳng là 1.666 lao động; còn lại là trung cấp, sơ cấp, công nhân kỹ thuật và lao động phổ thông. 57 đơn vị, doanh nghiệp đã tham gia trực tiếp tại ngày hội để phỏng vấn, tuyển dụng lao động.

tuyen-dung-lao-dong-o-cac-khu-cn-da-nang-doanh-nghiep-dang-gap-kho-02-1652773251.jpg
Ngày hội việc làm diễn ra tại Đà Nẵng đầu tháng 5/2012 khá vắng người lao động đến tìm việc

Tuy nhiên, khu vực tư vấn của doanh nghiệp vắng vẻ. Có tới 8.000 vị trí cần tuyển người lao động nhưng trong ngày hội việc làm này nhiều lắm là 100 người đến phỏng vấn. Đó là tình cảnh của nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng khi tìm lao động từ đầu năm 2022 tới nay. Thời điểm hậu COVID-19, cộng thêm sau Tết Nguyên đán, một lượng lớn lao động trong số đó về quê, không quay trở lại dẫn đến việc thiếu hụt nguồn lao động trầm trọng. “Mặc dù chúng tôi đã liên tục thông tin tuyển dụng trên các trang mạng xã hội cũng như kết nối với Trung tâm dịch vụ việc làm Đà Nẵng nhưng số lượng người đáp ứng yêu cầu công việc rất ít. Vấn đề tuyển dụng thực sự là vấn đề khó cho công ty, do đó chúng tôi hi vọng sớm tuyển được lao động để thuận tiện cho hoạt động sản xuất của công ty cũng như người lao động”, đại diện Công ty CP may Hòa Thọ cho biết.

Mức lương thấp, người lao động không mặn mà

Trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua, tại nhiều địa phương của Đà Nẵng như quận Cẩm Lệ, quận Thanh Khê, quận Liên Chiểu, các Trung tâm giới thiệu việc làm cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động, đưa doanh nghiệp đến tận nơi, kết nối với Tổ dân phố, phường khảo sát nhu cầu việc làm từng hộ dân, mời lên để phỏng vấn. Tuy nhiên lượng người đi phỏng vấn vẫn rất ít. Một thực tế đang diễn ra, đó là hiện nay người lao động nói chung thích làm công việc như chạy xe ôm công nghệ, giao hàng… những công việc nhận tiền ngay chứ không phải đợi cả tháng mới có lương.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp cho biết, lao động chưa có việc làm hiện nay chủ yếu là nằm trong khối dịch vụ, du lịch, trong khi đó nhu cầu tuyển dụng chủ yếu là lao động phổ thông, tập trung ngành dệt may, bán hàng.

Theo lý giải của một số chủ doanh nghiệp đang cần tuyển dụng, thì điều đó cũng là phù hợp với nhóm đối tượng lao động có trình độ thấp, không có tay nghề cao. Tuy nhiên hiện nay ngay cả những lao động được đào tạo, có trình độ cao cũng đi làm công việc như vậy. Trên địa bàn các khu công nghiệp của Đà Nẵng như KCN Hòa Khánh, KCN Hòa Cầm, KCN An Đồn và cả các vùng phụ cận như TX Điện Bàn (Quảng Nam), các doanh nghiệp may mặc như Công ty TNHH Max Planning Vina, Công ty TNHH Kim Sora, Công ty TNHH MTV The Blues… có nhu cầu tuyển lượng lao động ở độ tuổi 18-25, mỗi công ty tuyển từ 200 lao động trở lên. Nhu cầu tuyển dụng tương đối lớn, tuy nhiên số lượng người lao động đến đăng ký tìm việc rất thấp, hầu như không có người trẻ, chủ yếu người ở độ tuổi trung niên đi tìm việc. Vì vậy, không thể đáp ứng lao động cho các doanh nghiệp.

tuyen-dung-lao-dong-o-cac-khu-cn-da-nang-doanh-nghiep-dang-gap-kho-05-1652773251.JPG
Người lao động tại Đà Nẵng thiếu mặn mà vì mức lương chưa hấp dẫn

Đại diện Công ty Công ty TNHH Max Planning Vina, nhu cầu tuyển dụng công nhân đầu năm khá nhiều, dù nỗ lực đưa ra mức lương, các chế độ đãi ngộ hấp dẫn… song công ty chưa tìm được số lượng công nhân như mong muốn.

Tuy nhiên, ở phía người lao động thì lại có lý do riêng để lựa chọn công việc. Chị Nguyễn Thị Nga (SN 1995, tạm trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) từng làm việc tại Công ty TNHH MTV The Blues cho biết, hiện tại doanh nghiệp tuyển dụng lao động với mức lương từ 5-7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên chi phí của người lao động đã tăng cao do các yếu tố như xăng tăng giá, kéo theo vật giá sinh hoạt hằng ngày cũng tăng đáng kể. Chị Nga cho biết, với mức lương trung bình 6 triệu đồng/tháng, trừ tiền thuê nhà trọ 1,5tr, tiền xăng xe đi lại 1 triệu đồng/tháng, tiền sinh hoạt phí 3 triệu/tháng thì không có tiền để gửi về phụ giúp gia đình, cũng như tích lũy. Điều này khiến chị cũng như nhiều người lao động khác không mặn mà.

Chia sẻ về câu chuyện tìm việc làm tại Đà Nẵng, chị Minh Anh (trú quận Thanh Khê) cho hay, mặc dù tìm kiếm công việc kế toán, có bằng cấp đại học nhưng mức lương “kỳ vọng” của chị cũng chỉ từ 5 - 6 triệu đồng. Thực tế, thu nhập kế toán hiện nay chỉ dừng lại ở mức lương đó, cũng chỉ ngang với lao động tại khu công nghiệp nhưng với thu nhập này, người lao động không đủ chi trả tiền sinh hoạt, có người còn phải gửi tiền về quê phụ giúp gia đình.

Nhìn nhận thực tế này, ông Nguyễn Hồng Minh - Trưởng Phòng Tổ chức hành chính, Công ty CP 28 Đà Nẵng - cho biết, sau dịch COVID-19, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động. Công ty kỳ vọng có thể tuyển được lao động có tay nghề, tuy nhiên điều này khó nên chủ trương của công ty vẫn là tuyển vào rồi đào tạo. Nói về việc người lao động kén việc nhưng ông Minh cũng nhìn nhận: “Hiện thu nhập chung của công nhân may ở Đà Nẵng không cao, trong khi chi phí sinh hoạt ngày càng tăng nên nhiều người lao động chuyển dịch về quê. Chúng tôi mong thành phố sẽ có chính sách hỗ trợ người lao động”.

Có thể thấy, bên cạnh các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động khiến lao động rơi vào tình trạng mất việc làm... thì thực trạng nhu cầu tuyển dụng của một số doanh nghiệp khác vẫn rất lớn, nhưng số lao động đáp ứng không đạt yêu cầu. Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho rằng, nguyên nhân do mức lương các doanh nghiệp vẫn còn thấp, không thu hút được người lao động hoặc công việc không phù hợp. Nhiều lao động có trình độ đại học, cao đẳng nhưng không đúng ngành doanh nghiệp cần, nhu cầu tuyển dụng và tay nghề của người lao động chưa phù hợp... dẫn đến lao động có thừa mà nhu cầu vẫn thiếu.

Minh Ngọc