Bảo đảm đời sống, việc làm cho người lao động sau đại dịch

Ðợt dịch Covid-19 bùng phát trong hai năm 2021-2022 đã khiến 70% người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập và sức khỏe. Ðến nay, dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả, cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, tuy nhiên, đa số công nhân, lao động vẫn còn gặp không ít khó khăn do hệ lụy kéo dài của đại dịch, nhất là trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu "leo thang" do tác động từ giá xăng, dầu tăng.
nlntv-s41635s-1650841614136-1650843415.jpg
Công nhân Công ty CrucialTec sản xuất thiết bị vân tay tại Khu công nghiệp Yên Phong-Bắc Ninh. (Ảnh THÁI SƠN)

Bài 1: Nhiều khó khăn kéo dài

Vào thời điểm tháng 10/2021, cả nước có hơn 63 nghìn F0 là công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố; gần 400 nghìn người thuộc các đối tượng F; hơn 260 nghìn người vẫn còn ở trong các khu vực phong tỏa, cách ly y tế. Những tháng ngày dài nghỉ việc, sống trong các khu nhà trọ không tiền tích lũy, không thực phẩm dự trữ, đa số công nhân, lao động nhập cư chịu những tác động nặng nề cả về tài chính lẫn sức khỏe, tinh thần. 

Theo một khảo sát mới nhất của Viện Công nhân và công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), có khoảng 56% công nhân bị giảm lương cơ bản do ảnh hưởng bởi đại dịch; đa số bị cắt giảm thời gian làm thêm, tăng ca.

Cạn kiệt nguồn tài chính

Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do doanh nghiệp không thể nhập nguyên liệu đầu vào, đứt gãy một số chuỗi sản xuất, điển hình là ngành may. Nhiều doanh nghiệp thuộc các tỉnh, thành phố bắt buộc thực hiện Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16, phải giảm thời giờ làm việc của người lao động. Báo cáo của Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố cho thấy, phần lớn người lao động bị ngừng, giãn việc được doanh nghiệp hỗ trợ một đến hai tháng lương, khoảng từ 1,5 triệu đồng/tháng, tùy mức lương tối thiểu vùng; sau đó giảm dần vào những tháng tiếp theo. Lực lượng lao động "ba tại chỗ" được hỗ trợ từ 50 nghìn đến 150 nghìn đồng/ngày. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố là tâm dịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phải rút lui khỏi thị trường, không hỗ trợ được người lao động. Hàng triệu công nhân, lao động phải tạm nghỉ việc do bị mắc Covid-19, thuộc diện F1, F2, hoặc không thể đi làm do doanh nghiệp không bảo đảm các điều kiện tổ chức làm việc theo mô hình "ba tại chỗ".

Dù đã được các tổ chức chính trị, xã hội, công đoàn, chính quyền địa phương tiếp tế, tuy nhiên do không có lương thực dự trữ, nên khi bất ngờ bị phong tỏa, cách ly, đa số công nhân trong các khu trọ không đủ nhu yếu phẩm. Trong thời gian 8 đến 12 tuần phong tỏa, "đông cứng, khóa chặt" thực hiện giãn cách xã hội, ở các khu vực nhà trọ bị cách ly, phong tỏa tại Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, nhiều lao động phải ăn mì ăn liền cả tháng, thậm chí là mì ăn liền sống… Sau khi dừng thực hiện Chỉ thị 16, hàng trăm nghìn công nhân, lao động không thể bám trụ, buộc phải quay về quê hương.

Thời điểm hiện tại, anh Phạm Bá Thuyên, công nhân Công ty TNHH quốc tế Fleming Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, tỉnh Ðồng Nai) mới đi làm trở lại vài tháng, nhưng cuộc sống của gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn. Từ tháng 7 đến tháng 9/2021, hai vợ chồng anh đều phải nghỉ việc. Số tiền tích lũy ít ỏi từ nhiều năm cạn dần. Ðược quay trở lại công ty làm việc, thu nhập ổn định nhưng giá cả nhiều mặt hàng tăng cao do giá xăng, dầu tăng cao, khiến gia đình anh lại phải tiếp tục sống trong chuỗi ngày tằn tiện. Trong câu chuyện trao đổi, họ vẫn mong muốn một trong hai người "nhảy" việc để có đồng lương khấm khá hơn, dù day dứt bởi đã nhiều năm gắn bó với doanh nghiệp.

Sức khỏe, tinh thần suy giảm nghiêm trọng

Kết quả khảo sát đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới việc làm, đời sống của công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn năm 2021 của Viện Công nhân và công đoàn cho thấy, có tới 90% công nhân, lao động nhiễm SARS-CoV-2 bị "hội chứng hậu Covid-19", ảnh hưởng trực tiếp công việc, năng suất lao động. 37,3% số công nhân được hỏi bi quan về tình hình việc làm bởi lo lắng bị mất việc, bị sa thải làm mất nguồn thu nhập, mất sinh kế, dẫn đến khó khăn trong cuộc sống gia đình. Sau thời gian thực hiện "ba tại chỗ", người lao động rơi vào trạng thái tâm lý tù túng, bí bách, hoang mang lo sợ lây nhiễm chéo, dẫn đến năng lượng, năng suất bị giảm sút. Nhiều người sống trong khu nhà trọ bị phong tỏa kéo dài, dẫn đến trầm cảm, nhất là công nhân độc thân ở trong nhà một mình, không giao tiếp với bên ngoài, bị cô lập. Chưa kể tới việc họ bị sang chấn tâm lý nặng nề khi chứng kiến sự ra đi đột ngột của người thân, bạn bè, đồng nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm, công nhân ở bộ phận may, Công ty TNHH Tỷ Hùng, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh nhiễm Covid-19 từ tháng 9/2021. Những tưởng "di chứng Covid" chỉ ảnh hưởng một thời gian ngắn nhưng đã gần nửa năm trôi qua, sức khỏe của chị ngày càng tệ hơn. Chị Thắm chia sẻ: "Tôi thường xuyên hụt hơi, suy giảm trí nhớ, những cơn ho kéo dài, rối loạn cảm nhận về mùi vị. Trước đây tôi có thể làm việc 8-9 tiếng từ sáng đến chiều, sau đó còn tăng ca nhưng từ khi bị Covid-19, cơ thể luôn mệt mỏi". Trong giờ làm, thi thoảng chị phải ngồi nghỉ lấy lại sức. Việc tăng ca vì thế hạn chế, ảnh hưởng thu nhập. Còn anh Bùi Công Viện, công nhân Công ty TNHH AAC Technologies Việt Nam (Khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) cho biết, trước đại dịch, thu nhập của anh dao động từ 7 đến 8 triệu đồng, tằn tiện chi tiêu mỗi tháng gửi về quê đỡ bố mẹ 2 đến 3 triệu đồng. Từ giữa năm 2021 đến nay, dịch Covid-19 kéo dài, anh ít được tăng ca, thu nhập bấp bênh. Giữa tháng 3/2021, anh Viện là F0. Thời điểm đó, anh không nhận được chính sách hỗ trợ của công ty nên phải cầm cố chiếc xe máy, phương tiện đi làm duy nhất, để có tiền sinh hoạt. Sau khi khỏi bệnh, dù anh muốn tăng ca, có thêm thu nhập nhưng sức khỏe không cho phép. Áp lực chồng chất, nhiều lúc anh Viện chỉ muốn bỏ việc về quê nhưng ở nhà chỉ có mấy sào ruộng, bố mẹ sức khỏe yếu, các em đang tuổi ăn học nên vẫn đang cố gắng bám trụ với hy vọng tương lai sẽ có sự thay đổi tích cực.

Sau khi cuộc sống trở lại giai đoạn bình thường mới, nhiều công nhân may mắn còn sức khỏe, nhanh chóng tìm kiếm việc làm thêm bên ngoài. Hết giờ làm việc, chị Trương Thị Tú Ðình, công nhân bộ phận chấm công Công ty TNHH Tỷ Hùng, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh phóng xe về nhà trọ, ăn vội chiếc bánh ngọt rồi đến quán ốc trong khu Bình Trị Ðông phụ việc với mức thù lao 3 triệu đồng/tháng. Chị Ðình là mẹ đơn thân, phải gửi con về quê. Hai năm dịch bùng phát, quán ốc đóng cửa, chị mất khoản thu nhập này, đành cắt giảm tiền gửi về quê cho bà nuôi cháu. Cùng khu nhà trọ với chị, các công nhân nữ cũng đều nhận việc làm thêm sau giờ làm ở công ty như: lột vỏ hành, tỏi, đóng gói sản phẩm, may ráp quần áo… để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Còn nam công nhân như anh Huỳnh Long Giang, công nhân phụ trách kho, Công ty TNHH Nidec Việt Nam (thành phố Hồ Chí Minh) lại chọn công việc chạy "xe ôm" công nghệ sau giờ tan ca.

Cái khó "bó" cái khôn

Theo số liệu từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đến tháng 8/2021, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc giảm hơn 1,4 triệu người so với thời điểm cuối năm 2020. Một số người lao động bị dừng đóng bảo hiểm hoặc gián đoạn. Ðáng chú ý là xuất hiện tình trạng người sử dụng lao động lợi dụng tình hình dịch bệnh, trốn đóng bảo hiểm xã hội đối với nhóm người lao động thiếu kiến thức, hiểu biết, diễn ra ở khu vực Ðồng Nai, Bình Dương, đặc biệt ở nhóm các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động giản đơn, người dân tộc thiểu số.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng ngừng đóng bảo hiểm xã hội là do trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, công nhân, lao động không thể đi làm hoặc không dám đi làm. Bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn đã buộc người lao động phải chọn các hành vi tiêu cực như: Tham gia vào tín dụng đen, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội, rút bảo hiểm xã hội một lần. Nhiều người lao động sau khi về quê tránh dịch đã không trở lại thành phố, khu công nghiệp. Tất cả những lý do trên đã tác động tiêu cực đến nguồn nhân lực, gián tiếp ảnh hưởng đến việc phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Thực tế đến thời điểm này, tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần ở một số tỉnh, nhất là các tỉnh miền trung vẫn chưa hạ nhiệt. Ðây là một thực trạng đáng báo động trong việc bảo đảm quyền lợi và chính sách an sinh xã hội lâu dài cho người lao động. Các chuyên gia lao động, công đoàn cảnh báo, thực trạng người lao động thoát ly ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội là một thiệt hại, ảnh hưởng hệ thống an sinh xã hội của Nhà nước cũng như cuộc sống, an sinh xã hội của họ sau này.

Tại tỉnh Bắc Ninh, từ đầu năm 2022 đến nay, mặc dù dịch Covid-19 có xu hướng giảm nhưng nhiều thời điểm diễn biến phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động. Các doanh nghiệp khó khăn hơn trong việc bố trí, sắp xếp các phương án sản xuất. Tình trạng doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội diễn biến phức tạp. Tính đến hết tháng 2/2022 có 695 đơn vị, doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp, từ sáu tháng trở lên với số tiền hơn 220 tỷ đồng. Ðiều này ảnh hưởng lớn tới quyền lợi người lao động, nhất là những lúc ốm đau, thai sản, tai nạn lao động. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp nợ tiền lương, tiền thưởng Tết, bữa ăn ca không bảo đảm, tự ý cắt giảm các trợ cấp cho người lao động. Những vấn đề này đã gây bức xúc ở cơ sở, dẫn đến bốn cuộc ngừng việc tập thể tại bốn doanh nghiệp trong ba tháng đầu
năm 2022.

Ở tỉnh Ðồng Nai, số công nhân có thâm niên làm việc từ 14 đến 15 năm nghỉ việc rất nhiều, tỷ lệ cao gấp 2-3 lần lượng công nhân mới làm việc, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Pousung Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) Lê Nhật Trường chia sẻ, đây không phải lần đầu tiên có hiện tượng này bởi mỗi khi người lao động nghe thông tin gì liên quan việc chuẩn bị thay đổi chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, họ lại đến cơ quan Bảo hiểm xã hội đăng ký hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên, tình trạng này tăng vọt, nhất là sau đợt dịch Covid-19 vừa qua. Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Phan Văn Mến cho biết, ba tháng đầu năm 2022, có 37.000 hồ sơ xin rút bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền tốt đã giúp người lao động nhận biết, nhận thức được điểm hạn chế khi rút bảo hiểm xã hội một lần. Ghi nhận trong tuần thứ 2 và thứ 3 của tháng 4, các trường hợp rút bảo hiểm xã hội một lần tại thành phố Hồ Chí Minh giảm nhiều so với đầu tháng 4 và những tháng trước đó. Ðến nay, mỗi ngày số hồ sơ xin rút bảo hiểm xã hội của thành phố Thủ Ðức giảm từ 120 hồ sơ xuống còn 60 hồ sơ. Ðây là tín hiệu tích cực cho thấy người lao động đã thay đổi suy nghĩ, nhận thức được hiệu quả về lâu dài của việc đóng bảo hiểm xã hội và hưởng các quyền lợi từ bảo hiểm xã hội. Ðiều này cũng được tác động từ nền kinh tế đã dần phục hồi, ổn định, thị trường việc làm cũng đáp ứng được nhu cầu của người lao động sau đợt dịch.

(Còn nữa)

Tính đến quý III/2021, thu nhập bình quân tháng của công nhân, lao động là 5,2 triệu đồng, giảm 877 nghìn đồng so với quý trước, giảm 603 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2020. Hơn 260 nghìn công nhân, viên chức, lao động phải ở trong các khu vực phong tỏa, cách ly y tế, rơi vào tình thế bị động, cuộc sống phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài. 15,2% người lao động phải dùng đồ quyên góp, ủng hộ, tặng miễn phí; 12% người lao động phải xin trợ cấp của địa phương, cơ quan; 56,7% người lao động phải tiết kiệm triệt để các khoản chi tiêu để trang trải cuộc sống; 32,5% phải sử dụng đến tiền tiết kiệm của cá nhân và gia đình; 25,9% phải vay mượn người thân/ngân hàng. Ðáng chú ý, có 1,7% công nhân, lao động phải vay lãi suất cao qua tín dụng đen hoặc bán sổ bảo hiểm để phục vụ cho nhu cầu chi tiêu trang trải cuộc sống gia đình.

(Kết quả khảo sát của Viện Công nhân và công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)