'Tủ đồ Thạch Sanh' nơi địa đầu Tổ quốc

Ở địa đầu Tổ quốc, còn nhiều nơi không có điện lưới, không có sóng điện thoại, nhưng lại có tủ đồ bách hóa đầy tình thương và hơi ấm. "Tủ đồ Thạch Sanh" ấy đã và đang giúp cho nhiều bà con dân tộc nơi đây bớt đi phần nào khó khăn trong cuộc sống.

Tại một trung tâm huyện nghèo Mường Nhé (Điện Biên), xuất hiện 2 tủ đựng đồ ghi “Ai có đồ không dùng đến cho, ai cần đến lấy”. Mỗi ngày có đến hàng trăm lượt đến ngó tủ. Người đến tìm đồ mình còn thiếu trong sinh hoạt mang đi, người mang cả bao tải đồ tới. Cứ thế, tủ luôn đóng vai trò là sợi dây kết nối yêu thương.

tu-do-tu-thien-1691641956.png
Tủ quần áo từ thiện - sợi dây kết nối yêu thương

Chủ nhân tủ “Ai có đồ không dùng đến cho, ai cần đến lấy” là chị Phạm Thị Cẩm Nhung, sinh năm 1991, sinh ra tại Vĩnh Phúc. Chị Nhung cho biết, chị sinh ra trong một gia đình thuần nông. Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn vất vả, nên năm 2015, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phúc, chị đã viết đơn tình nguyện lên vùng cao Tây Bắc để làm giáo viên dạy cấp 1. Ngày đầu đến vùng đất Tây Bắc, chị Nhung bị say xe tận 3 ngày do tuyến đường xấu và nhiều khúc cua tay áo. Nhưng chị bất ngờ với con người và cảnh quan nơi đây, một cảnh tượng rừng núi hùng vĩ, con người thân thiện, mộc mạc đậm nét bản sắc văn hóa, dân tộc khác nhau mà chị chưa từng thấy khi ở quê hương mình. Nhớ lại những ngày đầu đi dạy, chị kể: “Khi nhìn thấy trường lớp và các em học sinh của mình chị đã khóc, không phải vì nhớ nhà hay buồn tủi mà vì thương.

tu-do-tu-thien-2-1691641956.png
Chị Nhung và các em học sinh

Ngôi trường nhỏ mỗi lớp có 15 – 25 em học sinh, quần áo các em cái ngắn cái dài, rách rưới, đứa không có dép mà đi, tóc tai không được cắt tử tế, đứa thì đi bộ qua đồi, đứa thì lội suối tới lớp, nhìn các em rất đáng thương. Thấu hiểu hoàn cảnh của các em nên tôi cùng một số bạn bè, đồng nghiệp đã tìm hiểu qua mạng xã hội, tìm cách giúp đỡ các em”.

Sau khi thông tin về cuộc sống của các em được chia sẻ trên mạng xã hội, đã có nhiều Mạnh Thường Quân quan tâm, gửi quà như quần áo, sách vở, đồ chơi, gạo,... Từ những đóng góp ấy, chị Nhung đã bỏ tiền túi ra đóng chiếc tủ đầu tiên. Chiếc tủ có tên “Ai có đến cho, ai thiếu đến lấy” được chị đặt ngay cổng trường, nhờ vậy mà học sinh của ở trường chị đã bớt đi phần nào sự thiếu thốn. Và chính chiếc tủ này đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của bạn bè, đồng nghiệp, người dân sống ở đây. Đồ dùng ngày một nhiều, nhiều đồ không phù hợp với trường và học sinh của mình nên chị nhờ một người bạn của mình để đặt thêm một tủ tại trung tâm huyện, gần bến xe để nhiều người có thể tiếp cận được với những món đồ mình cần hơn.

Anh Tâm, đồng nghiệp chị Nhung cho biết: Từ khi có tủ “Ai không dùng đến cho, ai cần đến lấy”, tôi thấy vui lắm. Nhiều khi đi qua nhìn vào chiếc tủ để đấy tôi thấy nhiều nụ cười hạnh phúc. Mùa đông ở đây rất lạnh, có những năm trâu, bò còn chết cóng, người thì mặc không đủ ấm. Nhưng từ khi có chiếc tủ này có rất nhiều chiếc chăn của những người không dùng đến đã giúp người dân vùng cao cảm thấy mùa đông không còn lạnh như trước nữa.

tu-do-tu-thien-3-1691641992.png
Tủ đồ bách hóa đầy tình thương và hơi ấm

Anh Chiến - người cho chị Nhung gửi tủ đồ - chia sẻ: “Tôi rất cảm động trước tấm lòng của Nhung với con người nơi đây, tôi cảm nhận được tình yêu thương được gửi gắm từ mọi nơi đổ đến, nó không chỉ là những món đồ cũ mà người khác không dùng đến nữa, nó còn là tuổi thơ, ký ức mà những đứa trẻ chưa từng biết đồ chơi là gì, không biết truyện tranh là gì. Tôi mong rằng những điều tốt đẹp này sẽ lan tỏa cùng đất nước đi lên, tôi ước một ngày không xa đất nước ta không cần dùng đến những chiếc tủ này nữa".

Phi Thường - Bình Trọng