Tri thức hóa nông dân qua góc nhìn 'nhà đào tạo'

Trần Dũng
Nông dân là chủ thể trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII một lần nữa khẳng định vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ quốc phòng, an ninh. Thực tế đặt ra yêu cầu cấp thiết cần phải tri thức hóa nông dân. PV Tạp chí Nhân lực Nhân tài Việt đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Khắc Toàn – Hiệu trưởng Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam về vấn đề này.

PV: Thưa TS. Nguyễn Khắc Toàn, quan điểm của ông ra sao về vấn đề “tri thức hóa nông dân?”

TS. Nguyễn Khắc Toàn: Để nông nghiệp phát triển bền vững, hướng đến xây dựng nông thôn hiện đại, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ, hướng đến trí thức hóa nông dân tạo tiền đề cho phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Quan điểm rất cần phải lưu tâm đó là nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Đến thời điểm này, chúng ta thấy rằng, nông nghiệp đóng góp vào GDP chỉ khoảng 12-13%. Xuất khẩu nông sản cuối năm ngoái đạt 53,2 tỷ USD, trên tổng số khoảng 370 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, trừ đi trên dưới 200 tỷ xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI. Như vậy, chúng ta còn xuất khẩu trong nước của tất cả các ngành kinh tế khoảng trên 100 tỷ USD, do vậy là nông nghiệp 53,2 tỷ USD chiếm hơn 50% trong sản xuất nội địa.

Bên cạnh đó, nông dân có số lượng rất đông, các báo cáo đều khẳng định số lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp hiện giờ xấp xỉ 30%, có trên dưới 18 triệu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Số lượng lao động lớn như thế tác động đến rất nhiều mặt của đời sống xã hội. Hội Nông dân Việt Nam với tư cách là tổ chức chính trị xã hội, được Đảng sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, đóng vai trò là đoàn thể thực hiện chức năng tập hợp nông dân, tuyên truyền nông dân, tổ chức nông dân, vận động, tác động tới nông dân. Trong đó, có chức năng chăm lo bảo vệ quyền hợp pháp chính đáng của nông dân, tổ chức các hoạt động dịch vụ tư vấn, dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ nông dân, định hướng, dẫn dắt nông dân phát triển kinh tế. Tính đến thời điểm này, Hội Nông dân Việt Nam tổ chức 4 cấp Trung ương, tỉnh, huyện, xã, số lượng trên dưới 10,2 triệu Hội viên nông dân, sinh hoạt ở 95.000 Chi hội trên cả nước, và nông dân đã và đang đóng góp rất lớn vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp những năm qua.

tien-si-nguyen-khac-toan-1703732935.jpg
TS. Nguyễn Khắc Toàn, Hiệu trưởng Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam 

Một trong những vấn đề mà Hội viên nông dân, cán bộ Hội Nông dân đang rất quan tâm là chủ trương của Đảng về việc giảm lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là xu hướng tất yếu của một đất nước phát triển. Mục tiêu đến năm 2025 chỉ còn 25% lao động nông nghiệp trên tổng số lao động xã hội. Đến năm 2030 chỉ còn 20% lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đại hội XIII cũng xác định phương hướng nữa là “tạo điều kiện một bộ phận cư dân nông thôn trở thành cư dân đô thị mà không dẫn đến di cư quy mô lớn”. Rồi tỷ trọng lao động nông nghiệp chuyển biến theo hướng giảm dần trong cơ cấu GDP để phát triển theo hướng tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích, trên môt đơn vị sản lượng trong nông nghiệp. Như vậy, sẽ xuất hiện tình trạng dịch chuyển lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính, những lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Xu hướng thứ hai, nông dân cần đáp ứng yêu cầu trong điều kiện sản xuất mới. Do vậy, dẫn đến câu chuyện là nông dân cần phải được tri thức hóa. Cách đây khoảng 10 năm, chúng ta thấy tình trạng một số bạn học Đại học trở về nông thôn, thậm chí báo chí từng nêu trường hợp Thủ khoa của một trường Đại học về quê nuôi lợn. Khi đó, chúng ta xem xét vấn đề đấy không được tích cực lắm, chẳng hạn như coi đó là sự chảy máu chất xám.

Thế nhưng, 5 năm sau, tại Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong Hội nghị ký kết xây dựng phối hợp nói rằng, hiện tượng các sinh viên đại học trở về nông thôn lại là một tín hiệu tích cực. Tức là nhìn từ một góc độ khác, họ là những người đang có tri thức quay trở về nông thôn để xây dựng quê hương, chứ không phải những người chỉ làm nông theo biểu thức kinh nghiệm thời xưa như ông cha ta nữa. Thực tiễn đòi hỏi bây giờ người nông dân phải có tri thức, phải có tư duy. Các nhà kinh tế học đưa ra slogan “Tư duy hơn kinh nghiệm, tốc độ hơn quy mô” là như vậy. Nếu các bạn trẻ quay về nông thôn để xây dựng phát triển nông nghiệp, có các dự án khởi nghiệp đó là điều rất tốt cho nông nghiệp.

PV: Kinh nghiệm xây dựng nông thôn và định vị vai trò của người nông dân ở các nước khác ra sao thưa Tiến sĩ?

TS. Nguyễn Khắc Toàn: Nghiên cứu của Hội Nông dân Việt Nam, của một số Đoàn công tác từ Nhật Bản và Hàn Quốc cho thấy, Nhật Bản và Hàn Quốc từng phát triển nông thôn và từ nông thôn phát triển đô thị và các ngành công nghiệp khác để trở thành cường quốc. Nhưng hiện nay, họ đang nhìn nhận, nông thôn còn có những khó khăn, hạn chế họ đang phải khắc phục. Tôi tạm dùng khái niệm “nông thôn rỗng”, nông thôn ít người ở, ít có người phát triển tạo ra những giá trị văn hóa phát triển bền vững. Đó là việc Việt Nam phải tránh. Như ở Đức họ từng có phong trào xây dựng nông thôn với tên gọi “Làng quê ta phải đẹp hơn”. Sau đó, rất nhiều bạn trẻ di chuyển về các thành phố, khu công nghiệp. Cho nên nông thôn của họ không còn người ở lại tiếp tục duy trì phát triển. Vì vậy, những năm 80, Hội Nông dân Đức phải phát động phong trào khác là “Làng quê ta có tương lai”, để như là khẩu hiệu níu giữ nông dân ở lại lập nghiệp.

Ở Hàn Quốc hiện có quan niệm “Mô hình công nghiệp thứ Sáu trong nông nghiệp”. Đó là sự kết nối liên hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp, người ta quan niệm nông nghiệp sản xuất thông thường như hiện nay chúng ta đang làm là nông nghiệp sơ cấp, chỉ sản xuất ra thôi. Cho nên phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn.

Quay trở lại bài toán chúng tôi đã học và nghiên cứu ở Nhật Bản, Hàn Quốc là họ phải có chính sách của Nhà nước khuyến khích quy nông, quy điền. Quy nông là quay trở về nông thôn, quy điền là quay trở về làm nông nghiệp. Cách đây hơn 3 năm, họ hỗ trợ cho bạn trẻ quay trở về nông thôn sinh sống, lập nghiệp khoảng gần 20 triệu đồng (quy đổi theo tiền Việt). Nếu các dự án khởi nghiệp của các bạn đó có tính khả thi cao được nhà nước hỗ trợ 70-75% vốn. Đó là những cái các nước phát triển đi trước Việt Nam trong lĩnh vực từ nông thôn ra đô thị, họ đã phải quay lại chính sách.

Cho nên đến thời điểm này, cùng chủ trương giảm lao động trong nông nghiệp, mà “tạo điều kiện một bộ phận cư dân nông thôn trở thành cư dân đô thị nhưng không dẫn đến di cư quy mô lớn”. Có nghĩa không khuyến khích ra đô thị, tạo sức ép cho đô thị. Về mặt nhà nước phải thiết kế kiến trúc nông thôn có tính đô thị, tức là mô hình “Làng trong phố”, “Phố trong làng” mà chúng ta đã thấy ở một số nước phát triển trong đó có Hàn, có Nhật. Thì mình sẽ phải nhìn thấy tương lai hình hài mỗi một thị trấn, thị tứ ở đó sẽ có siêu thị, ngân hàng, nhà máy thu gom, chế biến, bảo quản nông dân, có chợ đấu giá, cơ sở hạ tầng tốt, sẽ có thiết kế nhà ở theo kiểu bán đô thị, cho đến hệ thống vệ sinh hiện đại bảo vệ môi trường.

Tôi hy vọng, với góc độ đó nhà nước sẽ có chỉ đạo, quy hoạch, đầu tư phát triển, còn góc độ người dân cũng theo hướng đó có sự chuẩn bị phát triển. Như vậy đòi hỏi người nông dân phải có tri thức, người nông dân phải trở lên chuyên nghiệp. Giống như Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn dắt “Muốn có nền nông nghiệp chuyên nghiệp thì phải có người nông dân chuyên nghiệp”. Ông cho rằng, muốn xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, thông minh thì trước tiên chúng ta phải tri thức, chuyên nghiệp hóa người nông dân.

PV: Dưới góc độ chuyên gia làm công tác giáo dục, Tiến sĩ cho biết, cần đào tạo, tri thức hóa nông dân như thế nào?

TS. Nguyễn Khắc Toàn: Dưới góc độ làm công tác đào tạo, chúng tôi hình dung ra rằng, người nông dân bây giờ cần phải có tri thức, gắn với đó là kỹ năng, gắn với đó là tư duy trong sản xuất nông nghiệp. 3 khía cạnh ấy nói lên câu chuyện tri thức hóa người nông dân, từng bước hình thành lớp nông dân cổ cồn. Ở nước ngoài người ta gọi là công nhân nông nghiệp. Nhưng nông dân cổ cồn ở đây còn hàm ý người ta trở thành người làm chủ, hoàn toàn làm chủ trên tư liệu sản xuất của mình. Người ta làm chủ trang trại, cơ sở sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển.

tap-huan-phat-trien-to-nong-dan-1703734043.jpg
TS. Nguyễn Khắc Toàn, Hiệu trưởng Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam giảng dạy tại Lớp Tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về phát triển Chi Hội, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Người nông dân cần phải được học, trình độ văn hóa phải cao lên, học có rất nhiều cách như tự học, học online, học trực tiếp. Thậm chí, người nông dân sau này cũng phải học đến trình độ Đại học chẳng hạn, trong các chuyên ngành mình thấy. Ví dụ, học về nông nghiệp, học về quản trị, học về tài chính, học về tư duy kinh tế, bên cạnh đó người nông dân còn cần sáng tạo. Hàng năm, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vẫn có các cuộc bình chọn xét giải thưởng như Giải thưởng nhà khoa học của nhà nông; tổ chức trao giải bình chọn những người có sáng tạo đóng góp trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong số đó, ngoài các nhà khoa học còn có những nhà quản lý, cán bộ Hội Nông dân, còn có những nông dân thực thụ mà sản phẩm của họ được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp được bình chọn, hay việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nước, ở nước ngoài trong việc tổ chức sản xuất của chúng ta.

Chúng ta vẫn đang nói đến mô hình nông nghiệp công nghệ cao, rõ ràng muốn ứng dụng hiệu quả công nghệ, người nông dân phải có tri thức, thậm chí tài chính, nếu không sáng tạo công nghệ thì cần có tài chính để mua, chuyển giao công nghệ.

Trong việc tổ chức đào tạo cho nông dân, còn có hướng thứ ba, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã có gợi ý, cho phép Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam phối hợp các đơn vị trong và ngoài nước tổ chức các Đoàn nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đi học tập, nghiên cứu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở các nước có điều kiện kinh tế xã hội tương đồng. Đặc biệt là bước phát triển nền nông nghiệp của họ trước đây cũng như Việt Nam. Có thể kể đến một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, cách đây 40-50, nền nông nghiệp của họ cũng có màu sắc tương đồng Việt Nam. Hiện nay, Trường đang xây dựng Đề án để thực hiện nhiệm vụ này.

tap-huan-nong-dan-1-1703733142.jpg
TS. Nguyễn Khắc Toàn, Hiệu trưởng Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam trao chứng nhận cho học viên Lớp bồi dưỡng Nghiệp vụ Sư phạm cho cán bộ Hội cấp tỉnh, huyện do Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam đào tạo (Ảnh: Nhà trường cung cấp)
tap-huan-nong-dan-2-1703733170.jpg
Ban Giám hiệu và giáo viên Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng các học viên Lớp bồi dưỡng Nghiệp vụ Sư phạm cho cán bộ Hội cấp tỉnh, huyện do Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam đào tạo (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Ý tưởng của chúng tôi đó là tổ chức các Đoàn có quy mô vừa phải, từ 15-20 người. Bao gồm cán bộ Hội từ Trung ương đến tỉnh, huyện, và phần lớn còn lại là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của các tỉnh. Hiện nay, đã xuất hiện top khoảng 2-3% nông dân vươn lên dẫn đầu. Tại các tỉnh như Cà Mau, Bến Tre, Bình Dương bắt đầu có Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú. Họ hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ, dẫn dắt nhau phát triển.

Về phong trào thi đua, cách đây hơn 20 năm, Hội Nông dân Việt Nam phát động phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Phong trào này được phát động từ Trung ương tới địa phương, năm nào cấp xã, cấp huyện cũng bình xét, 5 năm 2 lần bình xét ở cấp tỉnh, cấp Trung ương. Như vậy, luôn luôn xuất hiện nhân tố tốt, được lựa chọn tuyên dương. Chúng ta có hơn 10 triệu Hội viên, khoảng 6,5 triệu Hội viên tham gia phong trào này. Mỗi năm, có khoảng 3,2 triệu Hội viên sản xuất kinh doanh giỏi được công nhận ở các cấp. Tư duy của chúng tôi là đưa nông dân đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài. Đưa nông dân ra nước ngoài để thấy nước ngoài phát triển để về có thêm động lực, ước mơ, quyết tâm trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp để sau này thành công.

PV: Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam là nôi đào tạo cán bộ Hội Nông dân – những người đi chuyển giao tri thức cho nông dân, nhà trường có những chương trình tập huấn nào, thưa Tiến sĩ?

TS. Nguyễn Khắc Toàn: Hiện nay, về Hệ thống cán bộ Hội Nông dân Việt Nam có khoảng gần 20.000 cán bộ Hội cấp xã (gồm Chủ tịch Hội Nông dân, Phó Chủ tịch Hội); cấp huyện có khoảng 3.100 cán bộ, cấp tỉnh khoảng 2.560 người, cán bộ Cơ quan Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoảng 220 người. Qua đó, đào tạo tập huấn nghiệp vụ công tác Hội dành cho đội ngũ cán bộ hội cấp xã; cập nhật kiến thức hàng năm, giai đoạn; theo các đợt chỉ đạo tập trung của Ban Thường vụ Trung ương Hội; Nhóm thứ 2, tập huấn về nghiệp vụ công tác Hội cho đội ngũ cán bộ Hội cấp tỉnh, cấp huyện.

Bên cạnh đào tạo theo chương trình khung, còn phải tiến hành cập nhật kiến thức bồi dưỡng thêm kỹ năng, nghiệp vụ theo chỉ đạo mới; Khung chương trình thứ ba là tập huấn nghiệp vụ sư phạm dành cho giảng viên kiêm chức và báo cáo viên cấp tỉnh và cấp huyện. Rất là phấn khởi, năm 2023, có thể dự báo trong năm 2024 sẽ được tiếp tục quan tâm đó là Trường được tin tưởng giao nhiệm vụ tập huấn cho cán bộ Hội ở cả cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã về kỹ năng, phương pháp triển khai các Chương trình mục tiêu Quốc gia. Riêng năm 2023, Trường tổ chức 36 lớp tập huấn dành cho 3.512 cán bộ Hội. Đây là con số thể hiện sự nỗ lực của Nhà trường trong đổi mới và phát triển.

PV: Thưa Tiến sĩ, trong thời đại 4.0, Chuyển đổi số (CĐS) là xu hướng tất yếu, để thúc đẩy người nông dân tham gia CĐS, cần những trợ lực chính sách gì, thưa ông?

Chiến lược CĐS Quốc gia xác định 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp là 1 trong 8 ưu tiên. Vậy câu hỏi rất lớn hiện nay đó là “CĐS trong nông nghiệp là những gì?”. Đó là điều cán bộ, Hội viên nông dân đang rất trăn trở. Bởi vì, CĐS là bắt buộc, là xu hướng, định hướng của quốc gia; trong những năm sắp tới CĐS là một trong những giải pháp đột phá. CĐS trong nông nghiệp nhằm tạo điều kiện tăng năng suất, nâng cao giá trị sản phẩm, kết nối giữa sản xuất với marketing, tiêu thụ sản phẩm. Cần có nghiên cứu, tư vấn, của những nhà quản lý, nhà khoa học, cần phải có những người dẫn dắt nông dân tham gia CĐS.

Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn thì nông dân là chủ thể của quá trình phát triển và xây dựng nông thôn mới. Nông dân với lực lượng lớn mà lại không tham gia CĐS thì sẽ làm chậm đi tiến trình CĐS quốc gia.

Theo quan điểm cá nhân của tôi, nông dân cần phải tự học, cần phải hiểu CĐS là gì. Tôi nhìn nhận, CĐS là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện về cách sống, cách làm việc, và phương thức tổ chức sản xuất trên cơ sở ứng dụng số. Nông dân phải đi học, tri thức hóa, trang bị kiến thức về CĐS, nghiên cứu, áp dụng một cách sáng tạo.

Điểm thứ hai, cán bộ và Hội viên nông dân cần tăng cường sử dụng điện thoại thông minh. Đây đang là thiết bị vô cùng hữu hiệu, tạm gọi “Bách khoa toàn thư là Google” cung cấp rất nhiều kiến thức, nếu người nông dân biết khai thác đó cũng là giải pháp cho người nông dân đặt chân lên con đường CĐS.

nong-nghiep-so-1703733464.jpg
Trong thời đại 4.0, cần tăng cường các hoạt động tập huấn, tuyên truyền vận động, hỗ trợ nông dân hiểu biết về kinh tế số, gắn với CĐS (Ảnh minh họa: Internet)

Điểm thứ ba, đối với các nhà quản lý, đối với chính sách, có lẽ cũng phải tìm cách tạo ra nền tảng công nghệ của mình. Ví dụ cần xây dựng băng thông rộng, bởi ở nơi vùng sâu vùng xa mạng interne rất yếu. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ thành phố thông minh, đô thị thông minh, có các gói cước internet giá rẻ, ưu đãi cho nông dân. Để họ kết nối thường xuyên vào internet, tiếp cận và thực hiện CĐS. Bên cạnh đó, người nông dân cũng phải tìm hiểu về kinh tế số, trang bị kiến thức về kinh tế số để thích ứng, hòa nhập với thời cuộc.

Điểm thứ tư, đó là Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cần tăng cường các hoạt động tập huấn, tuyên truyền vận động, hỗ trợ nông dân hiểu biết về kinh tế số, gắn với CĐS; song song đó, áp dụng CĐS trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông nghiệp.

PV