Thế giới lao đao, chi tiêu quân sự vẫn lập kỷ lục

Bất chấp việc kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, các quốc gia lại chi nhiều hơn để mua vũ khí. Chi tiêu vũ khí toàn cầu tăng 0,7% trong năm 2021, lần đầu vượt mốc 2000 tỷ USD.
042522-sipri-quan-su-1650861563.jpg
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars RS-24 của Nga. Ảnh: AFP

Theo báo cáo được Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI) công bố mới đây, chi tiêu cho mua sắm vũ khí toàn cầu tăng 0,7% trong năm 2021, lên mức 2.100 tỷ USD, đánh dấu mức tăng năm thứ 7 liên tiếp. Đây là con số cao nhất từng ghi nhận. Điều đáng nói là năm 2021 kinh tế thế giới vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, nhưng do các cuộc chiến nổ ra, tiêu biểu là chiến sự tại Nga và Ukraine nên tổng chi tiêu cho vũ khí lại tăng không ngừng.

Mỹ vẫn là quốc gia mạnh tay nhất chi cho quân sự, với mức chi 801 tỷ USD trong năm 2021, giảm nhẹ 1,4% so với năm 2020. Trong thập kỷ qua, chi tiêu của Mỹ cho nghiên cứu và phát triển vũ khí tăng 24%, trong khi chi cho mua sắm giảm 6,4%. Xu hướng này cho thấy Mỹ đang tập trung vào các công nghệ thế hệ mới.

Đứng thứ hai về chi tiêu quân sự là Trung Quốc, với số tiền 293 tỷ USD bỏ ra để mua vũ khí trong năm 2021, tăng 7,3% so với năm trước và là mức tăng mạnh nhất của nước này kể từ năm 1972. Ấn Độ và Anh đứng thứ 3 và thứ 4, với mức chi tiêu lần lượt đạt 76,6 tỷ USD và 68,4 tỷ USD.

Chi tiêu quốc phòng của Nga tăng 2,9% lên 65,9 tỷ USD trong năm 2021, chiếm 4,1% tổng GDP, đưa nước này trở thành quốc gia có mức chi cho mua vũ khí lớn thứ 5 thế giới. Đây là năm tăng thứ 3 liên tiếp của Nga. Nguồn thu tăng từ dầu mỏ và khí đốt giúp Nga có điều kiện chi tiêu mạnh tay hơn, vươn lên vị trí thứ 5 về mua sắm vũ khí mới. Các chuyên gia của SIPRI cho biết khó dự đoán được Nga có tiếp tục đà mua sắm này hay không, sau khi phương Tây áp hàng loạt lệnh trừng phạt vì chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Trong khi đó, chi tiêu vũ khí của Ukraine giảm 8% trong năm 2021, xuống 5,9 tỷ USD, nhưng vẫn chiếm 3,2% GDP của nước này.

Khi căng thẳng gia tăng ở châu Âu, thêm nhiều quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường mua sắm vũ khí. Trong năm 2021, có 8 thành viên NATO đạt mục tiêu chi 2% GDP cho vũ khí, báo cáo cho biết. Các chuyên gia của SIPRI đánh giá xu hướng này sẽ tiếp tục tăng ở châu Âu.

Số tiền chi để mua vũ khí trên toàn cầu được dự đoán tiếp tục tăng trong năm 2022 để thiết lập kỷ lục mới, khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp diễn, xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh ở châu Âu.

Bích Liên (TH)