Tòa nhà đá 3 ‘kỳ’: Kỳ công - Kỳ vĩ - Kỳ tích độc nhất vô nhị tại Ninh Bình

Tại Ninh Bình, có một tòa nhà bằng đá đặc biệt, được mệnh danh là “viên ngọc” quý của mảnh đất cố đô Hoa Lư. Nhà Sử học Lê Văn Lan đánh giá tòa nhà này đáp ứng được cả 3 chữ “kỳ”, là "Kỳ công - Kỳ vỹ - Kỳ tích".
toa-nha-da-ninh-binh-1-1728442657.jpg
Toàn cảnh toà nhà đá độc nhất vô nhị tại Ninh Bình

Tọa lạc tại số 8 trung tâm Tam Cốc, xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư, gần bến thuyền Tam Cốc, thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, thuộc vùng đệm quần thể Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Tràng An – Tam Cốc – Bích Động, tòa nhà đá Ninh Bình mang một kiến trúc đặc biệt có 1-0-2 mà bất kể ai từng chiêm ngưỡng cũng phải thán phục về quy mô cũng như sự kỳ công của nó.
 
Nói về chữ “kỳ” đầu tiên, trong “kỳ công”, được biết, phải mất tới 14 năm (từ năm 2006 đến năm 2020) người ta mới xây dựng xong công trình này và để hoàn thiện, phải cần 1000m3 đá, tương đương với 3.000 tấn đá. Trong suốt 14 năm thi công, trung bình lúc nào công trình cũng có 20 - 30 thợ làm việc, thời điểm cao nhất lên đến 100 người làm một lúc. 
 
Công trình tọa lạc trên thửa đất rộng khoảng 3.000 m2, gồm 4 tầng, cao 27m, có mặt bằng 450m2, xây dựng toàn bằng đá, chủ yếu là đá xanh Ninh Vân kết hợp với lượng nhỏ đồ gỗ, bê tông và ngói đỏ, có phiến đá nặng 30 tấn, chỉ lắp ghép đá bằng ngõng, mộng được tính toán rất kỹ lưỡng, chỉ sử dụng thêm keo kết dính truyền thống là mật mía, vôi… Đây cũng chính là sự “kỳ vĩ” của tòa nhà này.
 
Nói về chữ “kỳ” thứ ba trong “kỳ tích”, có lẽ để xây dựng lên một tòa nhà đá “kỳ công” và “kỳ vĩ” đó chính là một “kỳ tích” không phải ai cũng làm được. Được biết, toà nhà đá này thuộc sở hữu của ông Lương Văn Quang - một nghệ nhân đời thứ 12 trong dòng họ làm đá nổi tiếng tại Ninh Bình. Ông Quang cho biết ban đầu ông thuê nhiều kiến trúc sư thiết kế tòa nhà, song không bản vẽ nào đáp ứng được tiêu chí đề ra nên quyết định "vừa làm vừa vẽ" theo kinh nghiệm và trí sáng tạo của bản thân cùng những nghệ nhân lành nghề ở làng đá truyền thống Ninh Vân.

Đến với toà nhà đá Ninh Bình, du khách như chìm vào trong một không gian văn hóa lịch sử độc đáo. Bởi nơi đây bài trí nhiều tác phẩm nghệ thuật mang đậm nét văn hoá truyền thống dân tộc như: Hình tượng vua Đinh Bộ Lĩnh cưỡi trâu, phất cờ lau tập trận, dấy binh khởi nghĩa dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn lập nên nhà nước Đại Cồ Việt sau nghìn năm Bắc thuộc; hay hình tượng văn hóa Trống đồng, chim lạc;... trên vòm trần 8 vòng ở tầng 2. Đây cũng chính là điểm nhấn của tòa nhà, còn có tên gọi là “Vòm trần Lịch sử Văn hóa Việt Nam”, vẽ các họa tiết hoa văn nói lên lịch sử của Việt Nam từ thời Đông Sơn đến thời Nguyễn.

toa-nha-da-ninh-binh-2-1728442657.jpg
“Vòm trần Lịch sử Văn hoá Việt Nam” tại toà nhà đá Ninh Bình

Trong một nhận xét về lâu đài đặc biệt này, nhà sử học Lê Văn Lan bày tỏ: “Tôi có thể đặt cho tòa nhà này 3 chữ kỳ: “Kỳ công - Kỳ vĩ - Kỳ tích”. Phải nói rằng, tòa nhà này như một di sản vô giá để lại cho đời sau. Ông mong muốn đây sẽ trở thành một bảo tàng lịch sử văn hoá Việt Nam để giới thiệu cho thế hệ trẻ và du khách nước ngoài về lịch sử Việt Nam, hiểu rõ hơn về mảnh đất, con người “dòng giống Tiên - Rồng”. 

Huyền Anh - Hương Trà