Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giới công - thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công - thương, trong thư, Người nhấn mạnh: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công - thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng”, đồng thời chỉ rõ: “Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công - thương trong công cuộc kiến thiết...”.

Nội dung trên nằm trong bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới công - thương ngày 13/10/1945. Mở đầu thư, Người tỏ lòng vui mừng, hạnh phúc khi công - thương đã đoàn kết làm một: “Được tin giới công - thương đã đoàn kết lại thành Công - Thương Cứu quốc đoàn và gia nhập Mặt trận Việt Minh, tôi rất vui mừng. Hiện nay, Công - Thương Cứu quốc đoàn đang hoạt động làm nhiều việc ích nước lợi dân, tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt”.

chu-tich-ho-chi-minh-noi-ve-doanh-nhan-1-1728440435.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ giới công – thương Hà Nội trong “Tuần lễ Vàng” ngày 18/9/1945 tại Bắc Bộ Phủ

Ngoài việc đánh giá những thành tích đạt được, trong bức thư ngày 13/10 năm ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ những thiếu sót, khuyết điểm cần khắc phục, sửa chữa, đồng thời đề ra những giải pháp giúp xí nghiệp, doanh nghiệp phát triển. Trong bài Hoan nghênh Hội nghị Cán bộ quản lý xí nghiệp trên báo Nhân Dân ngày 9/11/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên những phẩm chất cần có của người đứng đầu xí nghiệp, doanh nghiệp, đó là “phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính. Phải thật sự chống bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí. Phải nâng cao cảnh giác, bảo vệ xí nghiệp. Phải khéo đoàn kết và lãnh đạo công nhân.

Đối với người lao động trong xí nghiệp, doanh nghiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cần phải học nhiều thứ như: chính trị, văn hóa, kỹ thuật, nghiệp vụ. Nhưng ngoài cách học ở trường, ở lớp, học trên sách, báo,... có một cách học rất tốt ai cũng có thể tham gia hằng ngày, đó là cách học tập ngay trong sản xuất, học tập những người, những nhân tố và đơn vị tiên tiến.

Cũng theo vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, người tiên tiến cũng là những người lao động bình thường, nhưng trong tư tưởng, trong phương pháp làm việc của họ, có những điểm tốt có thể giúp cho sản xuất và công tác tiến nhanh, tiến mạnh. Chúng ta phải vì lợi ích chung mà dốc lòng học tập những điểm tốt ấy để cải tiến công tác một cách thường xuyên... Như vậy là làm cho sáng kiến, kinh nghiệm chung ngày càng dồi dào, trình độ tư tưởng, tổ chức, kỹ thuật chung ngày càng nâng cao. Do đó, sản xuất phát triển ngày càng nhanh và vững.

Bức thư chưa đầy 200 chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới công thương Việt Nam cách đây 79 năm không chỉ là văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với giới công - thương, mà còn là sự cổ vũ lớn lao cho giới công - thương vượt qua những khó khăn trước mắt, cùng toàn dân tham gia công cuộc bảo vệ và kiến thiết đất nước trong những năm tháng chiến tranh.

Vai trò của ngành công thương không chỉ được Bác Hồ nhấn mạnh, đề cao trong bức thư năm 1945, trước đó, trong Yêu sách của nhân dân An Nam năm 1919, tại điều thứ ba, nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã đề cập “mở mang kỹ nghệ, lập thành công thương”. 

Có thể thấy, trong suốt chặng hành trình dựng xây đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của giới doanh nhân nói riêng và ngành công thương Việt Nam nói chung. Và thực tế đã chứng minh, trong giai đoạn Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa ra đời đang trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, giới công thương như đầu tàu đã đóng góp của cải, vật chất giúp đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, nhất là trong “Tuần lễ vàng” được phát động từ ngày 17 đến ngày 24/9/1945.

Hương Trà (TH)