Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà - “Ông tổ” ngành sơn Việt Nam

Nếu như Bạch Thái Bưởi được mệnh danh là “ông tổ” ngành Hàng hải, thì doanh nhân Nguyễn Sơn Hà chính là “ông tổ” ngành sơn Việt Nam. Ông còn được biết đến là một trong “tứ đại gia” đất Việt những năm thế kỷ XX (cùng với các doanh nhân Bạch Thái Bưởi, Trương Văn Bền, Trịnh Văn Bô).
nguyen-son-ha-1-1728440201.jpg
“Ông tổ” ngành sơn Việt Nam – Nguyễn Sơn Hà

Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà sinh năm 1894, tại huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay là huyện Quốc Oai, Hà Nội). Sinh ra trong một gia đình có 7 anh em, từ nhỏ ông đã được học cả chữ Nho, chữ Quốc Ngữ. Sau này lớn lên, ông xin làm phụ bàn giấy cho một hãng buôn của Pháp, nhưng vì lương thấp nên đã bỏ sang làm cho hãng sơn dầu Sauvage Cottu ở Hải Phòng. Đây cũng là thời điểm đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời của “ông tổ” nghề sơn Việt.

Dù làm ở hãng sơn Pháp nhưng ông Nguyễn Sơn Hà không ngừng nung nấu ý chí tạo dựng một hãng sơn dầu của riêng người Việt Nam. Năm 1917, khi đã nắm giữ được những công nghệ của ngành sản xuất sơn, ông gom góp số tiền ít ỏi của mình để mở một cửa hiệu nhỏ chuyên nhận việc quét sơn, kẻ biển, quét vôi ve nhà cửa. 

Bên cạnh công việc nhận làm thuê, ông còn mày mò, nghiên cứu chế tạo loại sơn riêng. Và “trời không phụ lòng người”, sau nhiều lần thất bại, doanh nhân Nguyễn Sơn Hà đã thành công với mẻ sơn mới, lấy tên là “Resistanco” (tiếng Pháp có nghĩa là “bền chặt”). Sơn Resistanco không chỉ chinh phục được người tiêu dùng Việt, mà còn vượt biên giới sang Phnom Penh, Viên Chăn, Xiêm hay Pháp. Khi loại sơn “bền chặt” này được ưu chuộng đến mức làm không đủ bán, thừa thắng xông lên, ông Sơn Hà đã cho thành lập một hãng sơn và lấy tên là Gecko.

cly1cdnvn-2024-05-29-vnf-nguyen-son-ha-1728704300.jpg
 

Ông Nguyễn Sơn Hà hướng dẫn bí quyết làm sơn cho kỹ thuật viên Sở Công nghiệp Hà Nội.

Không chỉ là một doanh nhân giàu có nức tiếng thời bấy giờ, Nguyễn Sơn Hà còn là một nhà tư sản có lòng yêu nước sâu sắc. Năm 1945, khi Chính phủ phát động “Tuần lễ vàng”, doanh nhân Nguyễn Sơn Hà đã rất tích cực đóng góp tiền vàng và vận động các nhà tư sản khác và nhân dân mọi tầng lớp tham gia. 

Bên cạnh đó, “ông tổ” ngành sơn cũng tham gia tích cực các hoạt động của Hội Trí tri, Hội ánh sáng, thành lập Ban Cứu tế, Chi Hội Truyền Bá quốc ngữ; từng đấu tranh với Pháp, Nhật đòi mở kho tấm cám để cứu đói. Ông cũng chính là người đứng ra lập trường Dục Anh tại số nhà 46, phố Lạch Tray để nuôi dạy các em bé mồ côi. 

Hương Trà (TH)