Học nghề là thất bại hay là cánh cổng mở ra cơ hội nghề nghiệp sớm?

Hiện nhiều phụ huynh, học sinh vẫn cho rằng việc thi đỗ và học tập tại một trường THPT công lập sau khi học xong THCS là “thuận theo tự nhiên”, nếu không sẽ coi như thất bại, mà lại không biết rằng, cánh cổng trường nghề - nơi chịu biết bao định kiến cũng là nơi mở ra rất nhiều cơ hội nghề nghiệp sớm cho các em học sinh.

Đây là câu chuyện có thật về cậu học trò mà chúng tôi - đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên Trung tâm GDNN-GDTX tỉnh Bắc Ninh được tiếp xúc. Chuyện kể ngày này 3 năm về trước, cũng như bao ngày đầu tuần khác, chúng tôi được phân công nhiệm vụ về các trường THCS để tư vấn nghề nghiệp cho các em học sinh, lần này là một ngôi trường trên địa bàn Thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. 

Buổi tư vấn nghề nghiệp không chỉ có sự tham gia của các em học sinh, mà có cả các bậc phụ huynh. Thời điểm ấy, với bậc làm cha, làm mẹ, khái niệm “học nghề” sau khi tốt nghiệp THCS chỉ dành cho những em học sinh nghịch ngợm, kết quả học tập kém và không có khả năng thi đỗ vào một trường THPT công lập như ý muốn. Thậm chí, còn có ý kiến cho rằng “Con khi đã học xong THCS phải thi vào trường THPT công lập, nếu không sẽ coi như là thất bại”. Có thể thấy, quan điểm này đã hằn sâu trong suy nghĩ của rất nhiều người. 

hoc-nghe-1-1728442389.jpg
Buổi tư vấn hướng nghiệp cho các em học sinh THCS trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

Buổi tư vấn hướng nghiệp diễn ra trong không khí sôi nổi, hào hứng, rất nhiều học sinh đưa ra các câu hỏi khác nhau nhờ thầy cô giải đáp. Chương trình kết thúc, chúng tôi ấn tượng và nhớ mãi hình ảnh một em học sinh nhỏ nhắn, trắng trẻo thư sinh từ xa xa chạy đến chúng tôi hỏi: “Cô ơi, em chọn được nghề rồi. Cảm ơn các cô nhiều ạ!”. Câu nói đến từ một cậu học trò vừa được tư vấn nghề nghiệp khiến chúng tôi ấm lòng, bởi chúng tôi đã giúp các em xác định được giá trị bản thân, xác định được nghề nghiệp mình yêu thích và muốn theo đuổi. 

Và thật bất ngờ một năm sau chúng tôi lại gặp cậu học trò thư sinh ấy, em tâm sự với tôi rằng: “Mỗi người đều có lựa chọn riêng cho tương lai của mình, với em lựa chọn học nghề là lựa chọn hợp lí, vì thế em đã nộp hồ sơ xét tuyển vào Trung tâm GDNN – GDTX tỉnh Bắc Ninh”. Tôi cười và động viên em: “Cô tin vào sự lựa chọn của em, chắc chắn em sẽ thành công”.
 
Suốt 3 năm học tập tại trường, em luôn đạt thành tích học tập tốt, cả 3 năm liền giành được học bổng nghề rất cao. Không chỉ vậy, em còn là học sinh đạt giải Học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử; là học sinh tiêu biểu trong mọi phong trào của nhà trường; là một con người đầy đam mê. Tham gia kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2024 với số điểm khá cao, đỗ vào nhiều trường đại học trên toàn quốc nhưng cậu học trò thư sinh năm ấy không lựa chọn đi theo con đường như bao người vẫn chọn, thay vào đó, cậu tiếp tục đi học để nâng cao tay nghề mà bản thân đã chọn ban đầu.

hoc-nghe-2-1728442389.jpg
Cậu học trò thư sinh năm ấy giờ đã trưởng thành và đạt nhiều thành tích cao trong học tập

Đó là kết quả của một buổi tư vấn nghề nghiệp thành công của chúng tôi tại TX Quế Võ vài năm trước. Nhìn thấy những điều đó thì nguồn cảm hứng và động lực của chúng tôi lại được nhân lên. Chúng tôi biết rằng với học sinh THCS, câu hỏi chọn nghề gì luôn là vấn đề nhiều em trăn trở. Bởi đây là thời điểm các em đứng trước nhiều lựa chọn và dù chọn con đường nào thì cũng tác động rất lớn đến phát triển bản thân sau này. Vì vậy, tư vấn hướng nghiệp có vai trò quan trọng giúp cho học sinh nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp, chọn được nghề phù hợp với bản thân và nhu cầu của xã hội. Khi định hướng nghề nghiệp, học sinh sẽ cần xác định được một số yếu tố quan trọng đó là sở thích, đam mê, tính cách, năng lực, nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, thực tế vẫn có không ít học sinh kể cả đến khi sắp tốt nghiệp phổ thông vẫn không biết mình thích nghề nào? Hợp với ngành nào? Vì vậy, các hoạt động hướng nghiệp và trải nghiệm nghề nghiệp từ sớm sẽ giúp ích cho các em rất nhiều.

Hiểu được điều đó, Trung tâm GDNN-GDTX tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức buổi chuyên đề hướng nghiệp (do phòng Giáo dục Hướng Nghiệp - Nghề PT của Trung tâm triển khai) đến các trường THCS trên địa bàn để tư vấn cho các bạn học sinh. Một trong những mục tiêu giáo dục của Trung tâm là đào tạo theo định hướng nghề nghiệp. Nếu làm tốt hướng nghiệp ngay từ trong trường THCS sẽ góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, làm trái ngành trái nghề. Còn với chính bản thân mỗi em học sinh, việc định hướng nghề nghiệp sớm cũng giúp các em có lộ trình học tập đúng đắn và tự tin vào lựa chọn của mình, cũng như có lợi thế cạnh tranh hơn trên thị trường nhân lực. Chúng tôi cũng mong rằng những thế hệ sau này sẽ hiểu rõ nhận thức tốt để có thể chọn cho mình một nghề phù hợp để cùng thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Hương Trà