Bác Hồ và bức thư lịch sử tạo ra ngày Doanh nhân Việt Nam

Ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chi Minh đã có bức thư dài 200 chữ gửi giới công - thương Việt Nam. Trong thư, người nhấn mạnh và đề cao vai trò của giới công - thương, coi họ là nòng cốt để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng. Về sau, ngày 13/10 cũng được chọn là ngày Doanh nhân Việt Nam.
lich-su-y-nghia-ngay-doanh-nhan-viet-nam-1-1728440697.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công nhân tại một nhà máy dệt

Ngày 13/10/1945, sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới Công Thương Việt Nam. Trong thư, Người viết: "Hiện nay, Công thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích lợi quốc dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng.

Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng. Vậy, tôi mong giới công thương nỗ lực khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập công thương cứu quốc đoàn, cùng đem vốn vào làm công cuộc ích quốc lợi dân".

Với ý nghĩa lịch sử đó, ngày 20/9/2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg về Ngày Doanh nhân Việt Nam, lấy ngày 13 tháng 10 hàng năm là “Ngày doanh nhân Việt Nam”, quy định việc tổ chức ngày Doanh nhân Việt Nam hàng năm phải thiết thực, tiết kiệm, có hiệu quả, tránh hình thức, bảo đảm các yêu cầu: giáo dục truyền thống yêu nước, tự cường, chủ động sáng tạo của đội ngũ doanh nhân, động viên phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, nâng cao kỷ luật, đạo đức, văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp, doanh nhân.

Đồng thời, biểu dương khen thưởng bằng các hình thức thích hợp đối với các doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh giỏi, thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tâm huyết, tình cảm và sự quan tâm đặc biệt cho giới doanh nhân Việt Nam, coi giới công thương là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Công thương cứu quốc đoàn - tổ chức của giới doanh nhân là một thành viên của hệ thống chính trị của đất nước.

Đến nay, những lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị, Đảng và Nhà nước ta luôn có chiến lược xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hương Trà (TH)