Năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành, nhất là đợt dịch lần thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 tại Việt Nam với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm, buộc chúng ta phải áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch chưa từng có tiền lệ để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận gần 1,7 triệu ca mắc COVID-19; hơn 31.000 người tử vong. Do nhiều địa phương trọng điểm phải giãn cách xã hội, nền kinh tế bị “ngấm đòn COVID-19”, GDP năm 2021 chỉ đạt 2,58%, mức tăng thấp nhất trong thập kỷ qua.
Với quan điểm nhất quán là đặt sức khỏe và tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết, Chính phủ đã ban hành một loạt quyết sách chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch như: Chiến lược vaccine; tiếp cận toàn dân, lấy xã phường làm pháo đài; điều động lực lượng quân đội, công an vào hỗ trợ các tỉnh phía nam; từ chính sách “không COVID-19” chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19…
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế… từ đầu tháng 10/2021 chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, từng bước mở cửa trở lại. Nhờ đó, kinh tế đất nước từ mức tăng trưởng âm trong quý III (-6,02%) đã khởi sắc trong quý IV (+5,22%) với nhiều điểm sáng. Tăng trưởng năm 2021 ước chỉ đạt 2,58% nhưng theo đánh giá của Tổng cục Thống kê thì đây vẫn là một thành công lớn của nước ta trong việc phòng chống dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh.
Hôm nay (4/1), Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức Tọa đàm: “Nhìn lại 2021 - Những chuyển hướng chiến lược” để cùng các nhà quản lý, cũng là các chuyên gia trong các lĩnh vực y tế, kinh tế, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, phân tích, đánh giá đầy đủ hơn, toàn diện hơn về những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện các quyết sách của Chính phủ về chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch trong năm 2021, qua đó có thêm cơ sở, niềm tin và kỳ vọng vào sự trở lại của nền kinh tế đất nước trong năm mới - năm 2022.
Tham dự Tọa đàm, có các vị khách mời:
- TS. Nguyễn Sĩ Dũng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
- Ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao;
- Ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế;
- Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam.
Cuộc Tọa đàm do TS. Nguyễn Sĩ Dũng điều phối toàn bộ nội dung, được phát trực tiếp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Báo Điện tử Chính phủ và fanpage Thông tin Chính phủ.
CHUYỂN HƯỚNG CHỐNG DỊCH: Chậm hay chín muồi?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Theo tôi, dù hiện nay tỉ lệ F0 tăng nhưng hoàn toàn có thể nói chắc chắn rồi chúng ta sẽ khống chế được dịch bệnh. Bởi vì không có chuyện cơ sở y tế của chúng ta quá tải, không có chuyện hoảng loạn trong dân chúng, kinh tế hoạt động bình thường, giao lưu hàng hoá bình thường… Chúng ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng khi chuyển hướng chiến lược, để phục hồi nền kinh tế phát triển tiếp.
Nhìn lại chúng ta thấy trong năm 2020, chúng ta đã làm rất tốt việc chống dịch, nhưng năm 2021, biến chủng Delta đã làm thay đổi tất cả.
Có nhiều ý kiến cho rằng tình thế thay đổi nhưng chúng ta chậm thay đổi, ví dụ chúng ta vẫn sử dụng những biện pháp cứng nhắc khi dịch đã bùng phát ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, dồn F1, F0 vào các khu cách ly tập trung dẫn đến quá tải trong hệ thống điều trị ở tất cả các tuyến… Chiến lược xét nghiệm rộng và nhiều cũng còn có những ý kiến băn khoăn về hiệu quả, cân đối giữa hiệu quả và chi phí...
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên có thể đưa ra một so sánh giữa các biện pháp của Việt Nam so với các nước trong năm 2021, nhất là về điều kiện chống dịch của chúng ta so với các nước và hiệu quả như thế nào?
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Dịch COVID-19 xuất hiện ở nước ta là một bệnh truyền nhiễm mới nổi, chúng ta vừa nghiên cứu vừa đưa những giải pháp, biện pháp phù hợp, hiệu quả cho đất nước ta. Với tinh thần như vậy, mỗi giai đoạn chúng ta nghiên cứu, kể cả kinh nghiệm của các nước và thực tế công tác phòng chống dịch của chúng ta, để đưa ra những giải pháp phù hợp cao nhất.
Ngay từ đầu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra chiến lược với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”. Căn cứ vào tình hình thực tế, Chính phủ điều chỉnh phương thức chống dịch phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, nhất là ở đợt dịch lần thứ tư. Chúng ta đã lấy mỗi xã phường là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ. Tôi cho rằng đây là điều chỉnh đúng thời điểm, phù hợp với thực tiễn. Kết quả, với những biện pháp phù hợp ở từng giai đoạn, từng địa phương, chúng ta khẳng định rằng Việt Nam cơ bản khống chế được dịch với biến chủng Delta.
Cùng với đó, chúng ta đưa ra những giải pháp theo tình hình đất nước và theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, tham khảo kinh nghiệm của các nước. Khi xuất hiện biến chủng Delta, chúng ta tiếp tục nghiên cứu và phân loại, điều chỉnh hợp lý từ sớm, từ xa để giảm thiểu từ bệnh nhân nhẹ sang bệnh nhân nặng, giảm thiểu tỉ lệ tử vong. Chúng ta tổ chức phân tầng điều chỉnh, tiếp nhận điều trị bệnh nhân từ nhẹ đến nặng dưới sự hỗ trợ của chuyên môn phân tầng. Chúng ta đã huy động được sự tham gia của lực lượng y tế ở tất cả các tầng, chúng ta thiết lập các trạm y tế lưu động, công lập, tư nhân, hỗ trợ từ xa cho người nhiễm… giảm tỉ lệ lây nhiễm, giảm tỉ lệ chuyển từ bệnh nhân nhẹ sang nặng.
Vai trò trung tâm chủ thể của người dân cũng được khẳng định mạnh mẽ, chung sức, đóng góp sức lực, cơ sở vật chất cùng các cấp chính quyền để chúng ta đẩy lùi các đợt dịch. Như vậy, căn cứ vào thực tiễn, chúng ta đã đưa ra những biện pháp linh hoạt, cụ thể, tuỳ tính chất của từng giai đoạn, từng địa phương, chúng ta đã thành công trong công tác phòng, chống dịch.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Giai đoạn đầu chúng ta chống dịch theo phương châm Zero COVID, đó là mô thức chống dịch giúp chúng ta thành công trong năm 2020. Có ý kiến cho rằng chúng ta dùng mô thức cũ trong tình hình mới không hiệu quả, cứng nhắc, tạo những hệ lụy. Tôi thấy ý kiến đó chúng ta cần nói đi nói lại ở chỗ, ta dùng cái đó khi chúng ta là nước tiêm chủng ít nhất. Nếu chúng ta đưa ra phương châm sức khỏe người dân là trên hết, là quý giá nhất thì chúng ta phải có những biện pháp cực kỳ mạnh để không lây lan và không ảnh hưởng sức khỏe người dân. Nếu tiêm đầy đủ, phủ rộng rồi thì có thể hành xử theo cách khác. Khi dịch bùng phát thì thực tế chúng ta mới có những lô đầu tiên về, lúc đó mới bắt bầu khởi động chiến dịch vaccine, ngoại giao vaccine và tất cả. Và khi có vaccine để tiêm, chúng ta là một trong những nước tiêm vaccine nhanh và nhiều nhất thế giới. Rõ ràng, chuyển hướng chiến lược đã mang lại thành công. Thứ trưởng Tuyên nghĩ sao về nhận định cho rằng có thể chúng ta chuyển hướng chậm hay đó là lúc chín muồi nhất, không thể sớm hơn??
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Chúng tôi khẳng định thời điểm chuyển chiến lược là hết sức phù hợp. Như chúng tôi phân tích, đây là bệnh truyền nhiễm mới nổi, ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo chúng ta vừa làm vừa nghiên cứu, vừa đưa ra giải pháp phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, bệnh truyền nhiễm do virus thì biện pháp phòng chống dịch hiệu quả nhất là tiêm vaccine. Ngay từ đầu, khi dịch COVID-19 bùng phát, các nước trên thế giới và Việt Nam đã và đang rất tích cực nghiên cứu, tìm tòi đưa ra vaccine phòng, chống dịch. Trong quá trình chúng ta tìm tòi như vậy, để ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng, giảm thiểu khả năng lây nhiễm, khả năng chuyển từ bệnh nhân nhẹ sang bệnh nhân nặng, chúng ta sử dụng chiến lược Zero COVID. Tôi cho rằng thời điểm đó chúng ta sử dụng chiến lược này là hoàn toàn phù hợp.
Đến khi chúng ta tổ chức tiêm vaccine với độ bao phủ cao nhất, chúng ta cũng đồng thời bắt đầu chuyển hướng, ý thức của người dân bắt đầu nâng lên. Theo dự báo của WHO, trong năm 2021-2022, chúng ta chưa thể kiểm soát được hết tình hình dịch có nguy cơ bùng phát. Thực tế đã xuất hiện chủng mới Omicron. Nhưng chúng ta đã bao phủ vaccine đạt tỉ lệ mũi 1 cho người trưởng thành trên 99%, mũi 2 cho người trưởng thành trên 90%. Như vậy độ bao phủ vaccine của chúng ta đảm bảo đạt miễn dịch cộng đồng.
Tôi cho rằng, đến thời điểm Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển hướng từ Zero COVID sang thích ứng an toàn, linh hoạt là đúng với tình hình phòng chống dịch của chúng ta. Đến nay, Chiến lược này là phù hợp và đang mang lại hiệu quả cho cả hai lĩnh vực vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Đứng về khía cạnh ngoại giao, anh Nguyễn Minh Vũ có thể chia sẻ thêm về điều này không?
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ: Tôi chia sẻ một ý rất quan trọng của anh Tuyên, đó là không có giải pháp chung, đồng nhất chống dịch cho tất cả các nước hay tại một nước cũng không có giải pháp chung cho các tỉnh mà phải tùy thuộc điều kiện của từng nơi. Chính vì vậy, nhìn lại công tác phòng chống dịch xuyên suốt của nước ta, có 3 điểm nổi bật:
Một là chúng ta cũng học hỏi kinh nghiệm chống dịch từ các nước, đặc biệt là các giải pháp phổ biến. Để chống dịch, quan trọng là phải có vaccine và thuốc điều trị.
Thứ hai là chúng ta phải dựa vào các đặc điểm, điều kiện rất đặc thù, cụ thể. Chúng ta cũng có một số lợi thế trong công tác phòng chống dịch, ví dụ như hệ thống chính trị của chúng ta bảo đảm sự chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất trên toàn quốc; tinh thần cộng đồng, tương thân tương ái đã giúp chúng ta có những giải pháp dựa vào cộng đồng rất tốt.
Thứ ba, chúng tôi cho rằng rất quan trọng là, đại dịch này chưa có tiền lệ và các giải pháp đưa ra là để thử nghiệm, có sự điều chỉnh linh hoạt.
Có thể nói rằng, đến nay suốt gần 2 năm chống dịch, chúng ta có thể rút ra nguyên tắc hết sức quan trọng về phòng chống dịch COVID-19, đó là: Y tế là trụ cột; kinh tế là cơ sở; ổn định an ninh, xã hội là trọng yếu, thường xuyên; công nghệ, dữ liệu là vấn đề then chốt; vaccine, thuốc điều trị, ý thức cộng đồng là tiên quyết và sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất.
Có thể nói công thức phòng chống dịch của chúng ta có 6 nguyên tắc này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ khái quát lại và đã đưa ra trong một số hội nghị.
Đây là ý rất quan trọng để khẳng định rằng chúng ta chuyển trạng thái có chậm không. Thời điểm chúng ta có quyết định sống chung với dịch bệnh, đó là khi chúng ta có đủ nguồn vaccine, có đủ điều kiện về dịch tễ để chúng ta tự tin bước vào giai đoạn bình thường mới vừa sản xuất, vừa chống dịch, vừa bảo đảm sức khỏe của người dân. Chúng tôi cho rằng, đây là phương án vừa kịp thời, vừa đúng lúc.
KHÔNG BAN BỐ TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP: Đề nghị cân não - quyết định anh minh
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Anh Tuyên, anh Vũ và bản thân tôi cũng khẳng định rằng chúng ta chuyển là đúng lúc. Chúng ta hội đủ các điều kiện để chuyển chứ không phải là một ý kiến chủ quan. Trước hết là tỉ lệ tiêm đủ vaccine, tiếp đến là năng lực của ngành y tế, nữa là phương thức điều trị và thuốc. Đấy là những yếu tố tiên quyết để chúng ta chuyển. Như vậy là đúng lúc, hội đủ điều kiện để chuyển.
Khi chúng ta đã có độ lùi xa và bây giờ tình hình khá ổn định, nhưng nhìn lại lúc cam go nhất, thời điểm quân đội và các lực lượng phải vào miền nam, khi đó một loạt địa phương phía nam đề nghị ban bố tình trạng khẩn cấp. Thủ tướng Chính phủ cùng với các vị lãnh đạo đã cân nhắc không lựa chọn phương án này mà cử lực lượng quân đội, công an vào, đặc biệt là lực lượng quân đội, để trợ giúp chống dịch cũng như là nhiều công tác khác để bảo đảm đời sống, an sinh xã hội, ổn định về trật tự.
Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, là người trực tiếp triển khai nhiệm vụ này. Anh đánh giá như thế nào về phương án đưa quân đội vào? So sánh với phương án ban bố tính trạng khẩn cấp, phương án nào hiệu quả hơn? Vì có vẻ nhiều người vẫn nói rằng tại sao lại không cân nhắc phương án ban bố tình trạng khẩn cấp?
Trung tướng Ngô Minh Tiến: Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam diễn biến phức tạp, biến chủng Delta lây lan rất nhanh và sâu trong cộng đồng, đặc biệt là số ca tử vong ngày càng tăng nhanh. Đối với TP. Hồ Chí Minh với trên 10 triệu dân và các tỉnh phía nam, quả là khó khăn, cho nên các địa phương phía nam có đề nghị Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, áp dụng các biện pháp theo luật định nhằm kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam.
Theo tôi đây là đề nghị hết sức cân não, không chỉ cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ mà còn cho các cơ quan, bộ, ngành, chức năng.
Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ nhận thấy có mấy vấn đề cần phải quan tâm, sau nhiều lần họp và làm việc trực tiếp với các địa phương, nhất là các chuyên gia, các cơ quan quản lý nhà nước về công tác phòng chống dịch, và thực tế trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, cụ thể:
Thứ nhất, nếu áp dụng Chỉ thị 16 tăng cường trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam thì sẽ rất khó khăn cho công tác kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, bởi với thành phố đông dân như thế, không có lực lượng nào bảo đảm được việc giãn cách xã hội, phường giãn cách phường, nhà giãn cách nhà.
Vấn đề thứ hai là bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là nhu yếu phẩm cho người dân.
Thứ ba là hệ thống y tế của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam không đủ sức để bảo đảm phân tầng điều trị và giải quyết các vấn đề về xét nghiệm và chữa trị cho các bệnh nhân theo phân tầng điều trị như hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tôi thấy đề nghị của các địa phương cũng có lý do của họ. Bên cạnh đó, nếu như áp dụng các biện pháp khẩn cấp để kiểm soát dịch bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, tình cảm của người dân lúc bấy giờ. Chưa kể đến tác động xấu đến dư luận của khu vực và quốc tế. Theo tôi, nếu ta ban bố tình trạng khẩn cấp thì các thế lực thù địch sẽ lợi dụng xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch.
Trên cơ sở cân nhắc và phân tích các yếu tố, sự tham mưu của Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng, bám sát vào mục tiêu đặt ra, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, Thủ tướng đã ra quyết định rất kịp thời, sáng suốt, quyết đoán, tức là sử dụng một lực lượng có lựa chọn, chủ yếu là y tế, quân đội, công an để chi viện cho các tỉnh phía nam tham gia phòng chống dịch. Với tinh thần chống dịch như chống giặc, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành, chức năng, nòng cốt là Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã điều động một lực lượng, phương tiện lớn chưa từng có kể từ sau chiến tranh.
Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, tất cả các lực lượng đều hăng hái lên đường chi viện cho miền Nam với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Đây chính là quyết định có tính bước ngoặt để sau đó, chỉ trong một thời gian ngắn (3 tháng), chúng ta đã từng bước kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam.
Như các chuyên gia đánh giá, trong tình huống tương tự, kể cả với các nước văn minh, có tiềm lực kinh tế, y tế, nguồn lực vaccine... thông thường phải mất từ 6 đến 9 tháng mới kiểm soát được tình hình.
Chúng tôi đã tổng kết rút kinh nghiệm và rút ra 8 bài học, trong đó quyết định không áp dụng tình trạng khẩn cấp nhưng thực tế áp dụng những biện pháp còn mạnh hơn khẩn cấp mà vẫn đạt thành công, cả về chính trị, kinh tế, kiểm soát dịch bệnh. Đây là quyết sách sáng suốt, thành công trong công tác chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi chia sẻ ý kiến của anh Tiến. Có một vấn đề về pháp lý nữa, chứ không phải chỉ là chuyện anh muốn áp dụng hay không. Thực chất là ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh lây nhiễm có quy định trong luật nhưng khi ban bố xong rồi, nếu áp dụng các biện pháp hạn chế quyền con người, hạn chế đi lại thì chúng ta áp dụng theo pháp lệnh. Hiến pháp năm 2013 của ta quy định là liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân thì phải quy định trong luật. Đó là bế tắc về mặt pháp lý. Thành thử khi chúng ta nhìn ra, thì thấy việc không lựa chọn phương án ban bố tình trạng khẩn cấp không chỉ là cách xử lý anh minh về chính trị để không gây tình trạng bất ổn về mặt tâm lý, nhưng về mặt pháp lý, ta cũng tính phương án rất chặt. Có vấn đề pháp lý như vậy, chứ không phải đơn giản như một số ý kiến.
Tôi rất cảm động hình ảnh quân đội mang tro đến từng nhà. Đối với đời sống tâm linh của người Việt, nó thiêng liêng lắm. Nhưng không chỉ chuyện ấy, mà còn cả chuyện phẩm giá của con người được tôn trọng, dịch bệnh là như vậy, khốn đốn là như vậy nhưng sự tôn trọng tối đa phẩm giá của con người, có quân lệnh để thực hiện những việc như vậy. Tôi nghĩ rằng quân đội đã làm được việc xao xuyến lòng người, gắn kết dân tộc lại với nhau. Trong thời gian ở trong kia, trực tiếp với cuộc chiến cam go, Trung tướng Ngô Minh Tiến thấy điều gì để lại ấn tượng sân sắc nhất?
Trung tướng Ngô Minh Tiến: Thành công của chỉ đạo công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam cho chúng tôi rất nhiều bài học kinh nghiệm quý.
Kinh nghiệm thứ nhất là sự chỉ đạo xuyên suốt từ Ban Chấp hành Trung ương đến Chính phủ và các bộ, ngành chức năng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, đặc biệt là sự ủng hộ rất quan trọng của các doanh nghiệp –tự nguyện và đóng góp một nguồn lực rất lớn cho công tác này, chứ không chỉ là Bộ Y tế, các bộ ngành chức năng cung cấp đủ các vật tư, trang thiết bị y tế.
Thứ hai là sự đồng lòng. Tôi muốn lật lại ý của anh Dũng vừa rồi. Tôi đã nghiên cứu khi có rất nhiều ý kiến hỏi tôi tại sao không ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh để hạn chế quyền con người, quyền công dân theo luật định. Mình không áp dụng biện pháp khẩn cấp, nhưng mình vẫn thành công bởi tôi cho rằng, ý Đảng lòng dân gặp nhau. Tất cả những việc làm vừa rồi khi chúng tôi đi tuyên truyền, người dân rất ủng hộ, chính là xuất phát từ mục tiêu nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta, là đặt tình mạng, sức khỏe của người dân trên hết, trước hết. Tất cả các biện pháp áp dụng để kiểm soát dịch, mặc dù có hạn chế ở quyền con người, quyền công dân thì người dân thấy mục đích này không phải vì chính quyền, Nhà nước, hệ thống chính trị mà trước hết vì người dân. Cho nên người dân đồng lòng ủng hộ. Tôi cho rằng nếu không có người dân đồng lòng ủng hộ với những quyết sách của Chính phủ, sự chỉ đạo của các bộ, ngành chức năng, thì sẽ không thể thành công trong cuộc chống dịch vừa rồi.
Ấn tượng thứ hai của tôi có lẽ là trực tiếp hơn ba tháng đi từng khu phố, đến từng người dân, chúng tôi mới cảm nhận được một điều là lòng yêu nước, sự đoàn kết của dân tộc Việt Nam, mỗi lúc khó khăn thì muôn người như một tập trung cho mục tiêu cao cả nhất. Lúc ấy không kể phân biệt giàu nghèo, không kể là người ở TP. Hồ Chí Minh hay các tỉnh, đều có lòng nhân ái tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Có rất nhiều người trực tiếp đóng góp phần của mình, có những cá nhân ủng hộ hàng nghìn tấn gạo. Những cái đó rất là quý. Lòng tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn là một truyền thống của dân tộc mà tôi cho rằng vừa rồi đã thể hiện rất sinh động ở TP. Hồ Chí Minh, địa bàn các tỉnh phía nam.
Thứ ba, tôi ấn tượng với sự chỉ đạo thống nhất của các bộ ngành chức năng và sự phối hợp có hiệu quả của hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống chính trị cơ sở. Tất cả các cơ quan ban ngành đoàn thể vào cuộc, không kể mình làm gì, miễn huy động là làm. Vừa F0 xong lại tình nguyện ra làm, và đều vì mục tiêu chung.
Và vấn đề cuối cùng, gốc của mọi vấn đề, là bất luận trong công việc gì, nếu như đặt lợi ích của người dân, tính mạng, sức khỏe của người dân lên và người dân đồng tình ủng hộ, thì khó khăn nào chúng ta cũng thành công chứ không chỉ trong phòng chống dịch. Thông qua phòng chống dịch vừa rồi, mỗi ngành sẽ có một kinh nghiệm riêng. Theo tôi có rất nhiều kinh nghiệm xuất phát từ truyền thống của dân tộc. Bộ đội chúng tôi được đón nhận sự yêu thương, tạo điều kiện giúp đỡ từ nhân dân, giúp chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vừa rồi chúng tôi làm việc ở trong Nam, khi chia tay, hoàn thành nhiệm vụ về, thì đúng là “đi nhân dân nhớ, ở nhân dân thương” nên rất lưu luyến. Điều đó góp phần làm tỏa sáng hình ảnh “Anh bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.
NGHỊ QUYẾT 128: Xoay chuyển cả cục diện
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Có thể nói, nếu coi COVID-19 là kẻ thù thì lực lượng quân đội chính là những người anh hùng, là lực lượng tuyến đầu đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống nhân dân. Khi việc tiêm vaccine đã bao phủ, Chính phủ thay đổi chiến lược chống dịch bằng Nghị quyết 128. Đây có thể coi là một chiến lược rất mạnh mẽ của Chính phủ. Xin hỏi Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, anh nhận định về việc tác động của Nghị quyết 128 đến kinh tế như thế nào?
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương: Tôi rất đồng tình với những ý kiến của 3 diễn giả vừa trình bày. Cá nhân tôi thấy rằng, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 có ý nghĩa rất quan trọng cả trong chống dịch và phát triển kinh tế.
Có thể nói, Nghị quyết 128 đã làm xoay chuyển cả cục diện, cả trong công tác chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội. Trong thời gian cả năm 2020 và 2021, từ đợt dịch đầu tiên đến đợt dịch thứ 3, thứ 4 bùng phát, những chiến lược chống dịch mà Chính phủ đưa ra phù hợp và hiệu quả với từng giai đoạn chống dịch. Vậy thì thời điểm Nghị quyết 128 mà Chính phủ đưa ra đã chín muồi chưa? Tôi cho rằng, Nghị quyết 128 ra đời rất phù hợp, không thể sớm hơn và cũng không thể muộn hơn vì phụ thuộc vào mức độ tiêm chủng, mức độ bao phủ vaccine trên toàn quốc. Với tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ thì việc tiêm vaccine cho nhân dân chính là đưa cho nhân dân vũ khí chống giặc. Bên cạnh đó, Nghị quyết 128 cũng không nên muộn hơn bởi quyết sách này của Chính phủ đã đáp ứng được sự mong mỏi của nhân dân khi họ phải trải qua quãng thời gian rất dài giãn cách xã hội do đợt dịch lần thứ 4 bùng phát. Về kinh tế, tôi cho rằng Nghị quyết 128 có ý nghĩa then chốt trong việc đảo chiều kết quả kinh tế năm 2021. Nhờ có Nghị quyết 128 chúng ta mới có sự tăng trưởng kinh tế như hiện nay.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Rõ ràng Nghị quyết 128 là một bước tạo đà quan trọng cho các hoạt động phục hồi kinh tế- xã hội nhưng chúng ta cũng phải chấp nhận là số F0 trong cộng đồng sẽ tăng lên. Chúng ta nên ứng xử với thực tế này như thế nào để không lơ là, chủ quan nhưng cũng không hoang mang, hốt hoảng?
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ: Việc chúng ta ban hành rất kịp thời Nghị quyết 128 đánh dấu chuyển trạng thái rất phù hợp với xu hướng ngày càng phổ biến trên thế giới. Đa số các nước phải chấp nhận sống chung với đại dịch, vừa sản xuất, vừa xây dựng kinh tế, vừa chống dịch. Đây là những quyết sách dựa trên cơ sở thực tiễn khi chúng ta đã có tỉ lệ phủ vaccine nhất định. Theo kinh nghiệm quốc tế, nước nào có tỉ lệ phủ vaccine trên 60% thì có thể mở cửa từng bước theo giai đoạn và cách chống dịch trong điều kiện đã có đủ vaccine cũng sẽ khác. Nếu phát hiện F0 thì chúng ta chỉ cách ly diện hẹp. Chúng ta đã tham khảo, thích ứng và tiếp thu theo kinh nghiệm quốc tế nhưng vẫn tôn trọng kinh nghiệm thực tế của Việt Nam.
Tôi cho rằng chúng ta chuyển trạng thái qua Nghị quyết 128 là một sự thay đổi và là quyết định thay đổi khó khăn. Tôi cho rằng quản lý sự thay đổi đó cũng là một thách thức lớn, chúng ta mở ra cũng xác định, chấp nhận có rủi ro nhất định, khi giao lưu, tiếp xúc nhiều. Quá trình hiện nay là quản lý sự thay đổi ấy, chúng ta phải làm tốt để đảm bảo nội dung, mục đích của Nghị quyết 128 được thực hiện nhất quán. Nghị quyết 128 là một nghị quyết mở cho các địa phương, doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng là một nghị quyết tiếp tục điều chỉnh theo thực tế cuộc sống đặt ra.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Mở cửa giao lưu tương tác nhiều thì COVID sẽ tăng lên, đây là thực tế. Mà thực tế đó là chúng ta phải quản trị. Nhưng chúng ta quản trị như thế nào và hành xử như thế nào trong bối cảnh chúng ta chấp nhận sống chung COVID và phục hồi kinh tế xã hội? Ngành y tế đóng vai trò quan trọng nhất trong việc quản trị này, ý kiến của anh Đỗ Xuân Tuyên như thế nào?
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Nghị quyết 128 ra đời là một quyết định mạnh mẽ trên cơ sở khoa học mà Chính phủ đưa ra, phù hợp với tình hình thực tế của nước ta. Tại sao tôi nói như vậy? Bởi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, tham khảo hướng dẫn của WHO. Các nhà khoa học nhận định dịch COVID-19 chưa được kiểm soát trong năm 2021-2022 và có thể xuất hiện biến chủng mới. Thực tế đã xuất hiện biến chủng Omicron. Chúng ta tham khảo kinh nghiệm hơn 40 nước trên thế giới. Nhiều quốc gia thay đổi quan điểm ứng phó với dịch từ cố gắng dập tắt không có ca F0, chúng ta hay gọi là Zero COVID, sang sống chung an toàn và cho thấy có hiệu quả.
Qua thực tiễn, kết quả công tác phòng chống dịch đồng thời đến thời điểm chúng ta ban hành Nghị quyết thì độ bao phủ vaccine của chúng ta trên 70%. Cùng với cơ sở đó, khi chúng tôi xây dựng dự thảo Nghị quyết, chúng tôi tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo với các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, thậm chí lấy ý kiến của doanh nghiệp để kịp thời tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với nghiên cứu tham khảo các nước trên thế giới, WHO, các chuyên gia, chúng tôi đánh giá và thực hiện thí điểm ở Bình Dương, Bắc Ninh. Chúng tôi thấy rằng việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 đảm bảo khoa học, thực tiễn. Khi Nghị quyết 128 ra đời đã được nhân dân cả nước đón nhận. Như Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo là chúng ta thích ứng linh hoạt an toàn hiệu quả, nhưng đồng thời không được lơ là chủ quan mất cảnh giác, không nóng vội trong công tác phòng, chống dịch, vừa làm vừa nghiên cứu đưa ra giải pháp phòng chống dịch phù hợp với điều kiện thực tế của chúng ta. Muốn như vậy, trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương phải thống nhất nhất quán với quan điểm chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp đưa ra trong Nghị quyết 128. Những địa phương, đơn vị nào triển khai thực hiện ở mức độ cao hơn các giải pháp đưa ra trong Nghị quyết thì Ban Chỉ đạo của địa phương đó phải báo cáo với Ban Chỉ đạo Trung ương, báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để quyết định biện pháp cho phù hợp, đảm bảo thống nhất các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo. Các tỉnh chủ động đánh giá nguy cơ mức độ dịch để triển khai các giải pháp phù hợp hiệu quả với từng địa phương, từng cá nhân. Các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan cũng phải xây dựng các phương án phòng chống dịch từng cấp độ, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đưa ra các giải pháp đảm bảo đồng bộ vừa sản xuất kinh doanh phòng chống dịch.
Đặc biệt đối với người dân, cần thực hiện tốt 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế, như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, khai báo y tế, không tụ tập đông người. Khi xuất hiện triệu chứng nghi ngờ, người dân cần báo với y tế cơ sở và chủ động tìm hiểu thông tin để chúng ta có giải pháp hiệu quả cho mình. Với mục tiêu thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả, Bộ Y tế, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia đã có những giải pháp, đặc biệt là điều chỉnh về điều trị F0. Trước đây, tất cả F0 đưa đi điều trị ở cơ sở y tế, giờ F0 thể nhẹ không triệu chúng thì chúng tôi có hướng dẫn điều trị ở nhà, đương nhiên có sự theo dõi chặt chẽ của y tế cơ sở, khi có diễn biến nặng bất thường báo ngay y tế cơ sở, chúng tôi sẵn sàng có lực lượng đến thăm khám, đưa đến cơ sở điều trị. Trước đây, F1 đưa đi cách ly tập trung, giờ F1 chúng tôi theo dõi tại nhà có giám sát chặt chẽ của y tế cơ sở. Đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, trước đây, chúng tôi hướng dẫn đưa đi cách ly tập trung 14 ngày, thực hiện xét nghiệm theo hướng dẫn. Hiện nay chúng tôi có hướng dẫn mới là tất cả những người được nhập cảnh vào Việt Nam nếu tiêm đủ 2 mũi vaccine và trước khi lên máy bay vào Việt Nam và xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72h thì theo dõi tại nhà trong vòng 3 ngày, không được tiếp xúc với xung quanh. Xét nghiệm 1 lần PCR nếu tiếp tục âm tính thì theo dõi sức khỏe cho đến hết 14 ngày. Trong 14 ngày có diễn biến bất thường thì sẽ báo y tế cơ sở và chính quyền địa phương.
Cùng với đó, chúng tôi có hướng dẫn rất cụ thể phòng, chống dịch đối với chuyên gia nhập cảnh làm việc ở nước ta dưới 14 ngày.
Tôi cho rằng Bộ Y tế, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia, đã đưa ra những hướng dẫn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Đây là chúng ta cụ thể hóa từng bước.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Anh Đỗ Xuân Tuyên nói quản trị việc sống chung với dịch COVID-19 là rất rõ, từ các giải pháp chúng ta để F0 không phát bệnh được điều trị tại nhà, mới đây, Bộ Y tế định nghĩa lại F1 rất rõ, thu hẹp lại F1. Như vậy chúng ta mới có thể sống chung được. Vậy nhờ Nghị quyết này, quả thực có sự chuyển biến rất lớn cho nền kinh tế bởi vì quý III chúng ta tăng trưởng âm trên 6% nhưng sang quý IV thì dương trở lại và tổng cả năm chúng ta vẫn tăng trưởng dương. Đấy là một thành tựu rất lớn. Anh Trần Quốc Phương có thể phân tích cho độc giả tác động về kinh tế của Nghị quyết 128 đã đảo chiều phát triển kinh tế như thế nào?
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương: Chúng ta thấy rằng ngay từ năm 2020 và năm 2021, rất nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài đã đề cập đến mô hình phục hồi theo hình chữ V hay hình chữ U để mô tả khả năng một nền kinh tế có thể quay lại sau khi chịu tác động của dịch COVID-19.
Phải nói rằng nhờ việc ban hành Nghị quyết 128, qua rà soát về số liệu GDP theo quý của năm 2021, có thể thấy rằng diễn biến từ quý II, III và IV, mô hình phục hồi đúng là hình chữ V. Chúng ta có thể thấy được mức giảm của quý III rất sâu, hơn -6% nhưng đến quý IV đã phục hồi trở lại hơn 5,22%. Mô hình phục hồi này cũng cho thấy sức bật của nền kinh tế nước ta rất khả quan, chỉ cần có điều kiện cụ thể để các hoạt động kinh tế quay trở lại là lập tức sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Rà soát qua mấy động lực tăng trưởng kinh tế, chúng ta có thể mô tả khái quát:
Thứ nhất trong lĩnh vực nông nghiệp: Trong năm 2020 và năm 2021, ngành nông nghiệp luôn là trụ đỡ. Thực tế trong cả quá trình chịu tác động của đại dịch COVID-19, lĩnh vực nông nghiệp luôn cố gắng duy trì ở mức hợp lý, tạo sự chống đỡ khá ổn định cho nền kinh tế.
Thứ hai là công nghiệp: Chúng ta thấy rằng công nghiệp là lĩnh vực chủ chốt, động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế. Trong đợt dịch đầu năm, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến trung tâm công nghiệp phía bắc như tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương. Tuy nhiên đến đợt dịch thứ 4, khu vực trọng tâm nhất về công nghiệp đã bị COVID-19 xâm nhập, chủng Delta tàn phá ghê gớm khiến động lực tăng trưởng công nghiệp quý III giảm rất sâu.
Thứ ba là dịch vụ: Đây là lĩnh vực gặp khó khăn, lĩnh vực chịu tác động lâu nhất và sâu nhất tới sự phát triển và tăng trưởng. Qua rà soát thấy rằng, cuối năm 2020 cũng như các tháng đầu năm 2021, tăng trưởng dịch vụ luôn luôn ở mức thấp, có quý âm. Lý do rất nhiều ngành dịch vụ chúng ta không triển khai được do ảnh hưởng của COVID-19. Nhưng sau khi áp dụng Nghị quyết 128, tăng trưởng của khu vực dịch vụ đã có sự khởi sắc và tăng trưởng khu vực này trong quý III đã đạt 5,42%.
Qua đó cho thấy ý nghĩa rất quan trọng và tích cực của Nghị quyết 128 tác động đến phát triển kinh tế xã hội của nước ta. Cụ thể, trong cái mũ chung là 'Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19' hay nói cách khác, khi chúng ta có một mô hình kiểm soát dịch bệnh tốt và hiệu quả thì tất cả các hoạt động kinh tế, xã hội và sinh hoạt của người dân đều tức khắc có điều kiện để phục hồi, thậm chí phục hồi một cách mạnh mẽ.
KHÔNG LĨNH VỰC NÀO "BỊ BỎ RƠI"
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Chúng ta thấy kinh tế thì như vậy, bật trở lại theo hình chữ “V” rất nhanh. Dự đoán năm tới chúng ta cũng có bước phát triển nhanh nếu như chúng ta khống chế được dịch bệnh . Năm vừa qua, trọng tâm là phòng chống dịch nhưng thực chất Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng quan tâm đến rất nhiều các lĩnh vực khác. Chúng ta thấy, các dự án cơ sở hạ tầng được thúc đẩy rất nhanh, trật tự an toàn xã hội, ngoại giao, quốc phòng, an ninh được bảo đảm rất tốt. Nhìn về tổng thể ta có thể thấy không có một lĩnh vực nào bị bỏ rơi. Đánh giá chung về quốc phòng, an ninh trong năm 2021, Trung tướng Ngô Minh Tiến có nhận định thế nào?
Trung tướng Ngô Minh Tiến: Bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự cạnh tranh giữa các nước lớn, vấn đề Biển Đông và bảo về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đặt ra trong năm 2021 khác biệt so với năm 2020.
Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tập trung thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch, kiểm soát dịch, đặc biệt khi dịch bùng phát lần 3 và lần thứ 4 vừa qua. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong năm 2021 vẫn là ưu tiên cơ bản, hàng đầu. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã nắm chắc, dự báo đúng tình hình thế giới và khu vực, để tham mưu, đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị có đối sách hợp lý để giải quyết, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, ngăn chặn, đẩy lùi các xung đột có thể xảy ra, đặc biệt là kiểm soát trên không, trên biển, biên giới, biển đảo, đất liền, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.
Năm 2021, Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và đã hoàn thành nhiệm vụ kép, vừa hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa hoàn thành nhiệm vụ tham gia phòng, chống dịch, huấn luyện, diễn tập sẵn sàng chiến đấu.
Thứ hai là suốt từ đợt đầu dịch COVID-19 cho đến nay, quân đội vẫn duy trì trên 2.000 tổ, chốt kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới trên bộ, trên biển để ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép cùng với nguy cơ mang theo nguồn bệnh xâm nhập.
Thứ ba là hiện nay, không phải nhiệm vụ đã kết thúc sau khi TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam trở lại trạng thái bình thường mới và chúng ta thực hiện Nghị quyết 128. Hiện chúng tôi vẫn duy trì các lực lượng y, bác sĩ tăng cường cho TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là các tỉnh miền Tây, để tham gia các tổ y tế lưu động, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm phòng vaccine... Các địa phương cũng yêu cầu lực lượng ở lại sau Tết Nguyên đán 2022.
Thứ tư là 3 chức năng của quân đội - đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất làm kinh tế - quân đội đều hoàn thành xuất sắc. Điển hình như Tổng Công ty Tân Cảng TP. Hồ Chí Minh, giữa tâm dịch vẫn duy trì sản xuất với quy mô trên 8.000 lao động, với mức thu nhập trên 30 triệu đồng/tháng và đóng góp rất lớn cho TP. Hồ Chí Minh.
CHIẾN LƯỢC VACCINE: 3 mũi giáp công
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Trong bối cảnh Việt Nam tiếp cận vaccine muộn hơn so với nhiều nước, Chính phủ đã ban hành và thực thi chiến lược vaccine với “3 mũi giáp công”: Ngoại giao vaccine + quỹ vaccine và “thần tốc tiêm chủng diện rộng vaccine phòng COVID-19, xin Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho biết đôi nét về kết quả nổi bật, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện chiến lược ngoại giao vaccine?
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ: Tôi cho rằng mặc dù chúng ta đã và đang trải qua đại dịch COVID-19 lần này, nhưng chúng ta cũng cảm thấy rất khích lệ rằng Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng lĩnh vực đối ngoại. Sau Đại hội XIII, chúng ta đã triển khai một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, trên cơ sở ba trụ cột đối ngoại đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Và năm nay chúng ta cũng được khích lệ khi lần đầu tiên, người đứng đầu hệ thống chính trị của chúng ta đã chủ trị một hội nghị toàn quốc khẳng định vai trò tiên phong của đối ngoại trong giữ vững môi trường hòa bình ổn định, huy động các nguồn lực để phát triển cũng như nâng cao vị thế, uy tín của đất nước ta.
Trên thực tế, mặc dù tác động của đại dịch COVID như vậy, nhưng các hoạt động đối ngoại được triển khai hết sức năng động, tích cực và tập trung vào các đối tác song phương cũng như trên các diễn đàn đa phương. Chúng ta có khoảng hơn một trăm cuộc điện đàm trực tuyến giữa các nhà lãnh đạo ta với các đối tác nước ngoài. Và các nhà lãnh đạo cấp cao của chúng ta cũng đã tham gia khoảng mười hai diễn đàn đa phương cấp cao. Trong những tháng gần đây, đặc biệt sau khi chúng ta đã kiểm soát đại dịch, chúng ta đã tổ chức các hoạt động đối ngoại, đón trực tiếp cũng như đi ra nước ngoài trực tiếp. Chúng ta đón được ba đoàn cấp cao sang thăm Việt Nam và chúng ta cũng tổ chức thăm cấp cao chín nước.
Chúng tôi thấy rằng hoạt động đối ngoại đó góp phần rất quan trọng. Thứ nhất, như anh Dũng vừa nói, chúng ta đã triển khai một việc hết sức quan trọng của ngành đối ngoại năm nay – thực hiện công tác ngoại giao vaccine. Thực tế cho đến nay, chúng ta đã tiếp cận được 190 triệu liều vaccine, trong số đó có khoảng 68 triệu liều vaccine là các đối tác tài trợ cho chúng ta. Ngoài ra chúng ta còn mua thương mại rất nhiều. Trong bối cảnh nguồn cung vaccine rất khó khăn và cạnh tranh trong tiếp cận vaccine diễn ra rất gay gắt, nhất là trong lúc dịch bùng phát như vậy, kết quả đó có ý nghĩa rất thiết thực để chúng ta có độ phủ vaccine.
Thứ hai, chúng tôi thấy thông qua các hoạt động ngoại giao, đối ngoại trực tiếp và trực tuyến trên các kênh khác nhau, kênh Đảng, kênh Nhà nước, kênh Quốc hội và kể cả đối ngoại quốc phòng, công an, chúng ta đã khơi thông được các hoạt động hợp tác trên thực tế rất tích cực, góp phần rất quan trọng để tạo thuận lợi cho quá trình sống chung với COVID-19. Chuyển trạng thái sang một trạng thái bình thường mới, chúng ta rất cần thúc đẩy hợp tác về thương mại, đầu tư, đặc biệt là kinh tế. Chính vì vậy, trong lúc dịch, với sự quyết tâm triển khai các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là ngoại giao phục vụ phát triển, các hoạt động hợp tác về kinh tế đối ngoại, chúng ta cũng đã phát huy rất tốt. Ví dụ về xuất khẩu, chúng ta xuất sang thị trường Mỹ tăng 22%, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng 16%, sang thị trường Liên minh châu Âu tăng 12%. Và chúng ta cũng đã tranh thủ một khối lượng lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài, rồi kiều hối về Việt Nam, góp phần tích cực cho quá trình phục hồi kinh tế của đất nước.
Điểm thứ ba là với hoạt động rất tích cực, chủ động, có trọng tâm, trọng điểm của chúng ta trên các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương như vậy, chúng ta đã thực sự kiểm soát được dịch bệnh và sẵn sàng quay trở lại một cuộc sống mới, vẫn giao lưu, hợp tác ngoại giao bình thường trở lại.
Điều đó tạo cho chúng ta uy tín trên trường quốc tế về khả năng thích ứng và quản lý những tình huống khó khăn của chúng ta. Tôi thấy rằng các hoạt động đối ngoại như vậy đã được triển khai hết sức toàn diện và đem lại những hiệu quả hết sức thiết thực trong giai đoạn bình thường mới.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Xin hỏi nhận định của Bộ Y tế về Chiến lược vaccine của chúng ta đang đối mặt vấn đề gì và thời gian tới chúng ta sẽ chủ động về nguồn vaccine như thế nào?
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Về nguồn vaccine, vừa rồi Bộ Ngoại giao đã chia sẻ thông tin khá đầy đủ. Tôi muốn chia sẻ thêm một số vấn đề về Chiến lược tiêm phủ vaccine từ thời gian đầu.
Thời điểm khi dịch COVID-19 bùng phát, việc tiếp cận nguồn vaccine rất khó khăn. Lúc đó chỉ có một vài nước trên thế giới sản xuất vaccine và đưa vào thử nghiệm, cuối năm 2020, vaccine Astra, Pfizer mới xuất hiện. Lúc đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã rất quyết liệt về Chiến lược tiêm vaccine. Không chỉ có Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an... vào cuộc mà các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng tích cực trong ngoại giao vaccine. Nhờ vậy, đến nay, chúng ta đã nhận về Việt Nam tổng số hơn 190 triệu liều vaccine. Tổng dân số bao phủ tiêm mũi 1 vaccine gần 74%. Theo các nhà tài trợ, các tổ chức, đơn vị, các chính phủ nước ngoài đã cam kết tài trợ cho Việt Nam, nhà cung cấp vaccine (đã được Bộ Y tế ký hợp đồng cung cấp vaccine cho Việt Nam), tổng số nguồn vaccine cung ứng và cả nguồn tài trợ cho Việt Nam trên 227 triệu liều.
Kế hoạch tiêm vaccine năm 2022, Bộ Y tế đã triển khai tiêm bổ sung cho những đối tượng có nguy cơ như bị nhiễm HIV, suy thận, viêm gan B, xơ gan... mũi 3 sau khi đạt thời gian cần thiết (sau mũi 2). Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi, báo cáo Chính phủ. Khi được Chính phủ cho phép, Bộ Y tế sẽ làm việc với nhà cung ứng để làm sao chúng ta có đủ vaccine sớm nhất tiêm cho trẻ em.
Về khả năng cung ứng vaccine, nhu cầu tiêm trong năm 2022 chủ yếu tiêm mũi bổ sung, mũi 3 nhắc lại và tiêm cho trẻ em cùng nguồn vaccine mà COVAX phân phối thêm cho Việt Nam trong quý I thì lượng vaccine tiêm cho người trưởng thành Việt Nam đã đủ. Chúng ta đang tiếp cận nguồn vaccine tiêm cho trẻ em.
Để thực hiện tiêm cho các đối tượng nêu trên, Bộ Y tế cho rằng cần có sự phối hợp của người dân, đặc biệt là các phụ huynh sẵn sàng đưa trẻ em đi tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trước khi tiêm, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cặn kẽ làm sao tiêm hiệu quả nhất.
Tôi cho rằng, với tốc độ tiêm chủng như hiện nay và việc tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại, chắc chắn chiến lược mà Chính phủ đưa ra "thích ứng an toàn, hiệu quả", tiếp tục thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, chúng ta sẽ thành công trong công tác chống dịch và phát triển kinh tế trong thời gian tới.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Chung sống an toàn với COVID-19 có vai trò rất quan trọng của chính quyền cơ sở. Tôi cho rằng một thành công nữa của chúng ta là đã triển khai rất hiệu quả chiến lược lấy xã phường làm pháo đài bằng việc củng cố y tế cơ sở, lập ra các đội y tế lưu động để giúp người dân tiếp cận chăm sóc y tế nhanh nhất. Anh đánh giá công tác này thế nào thưa Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên?
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất coi trọng vai trò của y tế cơ sở. Chính phủ đã chỉ đạo “chống dịch như chống giặc” và mỗi người dân là một chiến sĩ.
Cùng với đó, chúng ta chỉ đạo thành lập các tổ COVID cộng đồng – thực chất là cánh tay nối dài của chính quyền cơ sở, để “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, rà soát đối tượng đi từ vùng dịch về, đối tượng có nguy cơ lây bệnh để đưa vào diện theo dõi, giám sát.
Sau này, theo diễn biến của từng vùng dịch, ở từng thời điểm khác nhau, vai trò của y tế cơ sở vẫn được chúng ta tiếp tục duy trì tổ COVID cộng đồng, thành lập trạm y tế cơ sở, phát huy năng lực, khả năng của mình, hình thành các trạm y tế lưu động để người dân không bị bỏ lại phía sau về chăm sóc sức khoẻ cũng như hướng dẫn người dân phòng chống dịch.
Cùng với đó, chính quyền cơ sở đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình, từng cá nhân để phát hiện sớm đối tượng từ vùng có dịch trở về địa phương, khu phố của mình, có những giải pháp phù hợp. Chính quyền cơ sở đã cùng các tổ chức chính trị, các lực lượng tăng cường của Trung ương như quân đội, công an, đoàn thanh niên làm tốt công tác an sinh xã hội, các điểm lưu động ở các khu phong toả tại thôn, khu phố… Giờ chúng ta tiến hành cách ly tại nhà, chính quyền cơ sở lại cùng các tổ chức đoàn thể làm tốt an sinh xã hội, làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ cho F0, F1 tại nhà. Như vậy, vai trò của y tế cơ sở rất quan trọng trong phòng chống dịch và chính quyền cơ sở phát huy được vai trò thì công tác phòng chống dịch sẽ ngày càng duy trì tốt.
CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ: Nhân tố quyết định
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Tất cả những thành tựu chúng ta đạt được có một yếu tố là sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Từ chiến lược vaccine, quỹ vaccine và ngoại giao vaccine, đến chiến dịch tiêm chủng toàn dân. Rồi đổi mới mô hình phòng chống dịch từ Zero COVID sang chung sống an toàn với COVID. Chúng ta thấy đằng sau đó là sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Tôi cho rằng, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ là một trong những nhân tố mang tính chất quyết định cho những thành tựu mà chúng ta đã đạt được cho đến ngày hôm nay, ở đây, trong năm vừa qua. Tôi muốn xin ý kiến đánh giá về vai trò và tầm quan trọng của công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm qua như thế nào. Có lẽ về kinh tế xã hội bao trùm, xin ý kiến anh Trần Quốc Phương?
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương: Tôi hoàn toàn đồng tình nhất trí với nhận định của anh Dũng về vai trò hết sức quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2021, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch COVID. Trước tiên là như vậy, sau đó là đến các công việc khác của Chính phủ như phát triển kinh tế xã hội, chỉ đạo điều hành, bảo đảm an sinh, kiểm soát vĩ mô...
Tôi có thể khái quát bằng 5 cụm từ hết sức cô đọng mô tả về kết quả của công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ.
Trước tiên là Chủ động. Trong năm 2021, không chỉ sự chủ động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà còn công tác tham mưu của bộ, ngành với Chính phủ cũng rất chủ động.
Từ thứ hai là Quyết liệt. Chúng ta đã thấy, các cuộc họp chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và kết luận của Thủ tướng cho thấy sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ. Hay điển hình trong lĩnh vực kinh tế, trong giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ cũng rất quyết liệt.
Từ thứ ba là Chính xác. Tất cả các chính sách, quyết sách, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra đều phù hợp với bối cảnh tình hình cụ thể với tùng thời điểm trong năm 2021, điển hình là Nghị quyết 128 mà chúng ta vừa bàn xong.
Từ thứ tư là Kịp thời. Chính phủ luôn luôn chú trọng theo dõi, bám sát diễn biến tình hình, kịp thời đưa ra chính sách điều chỉnh hợp lý tùy theo bối cảnh cụ thể.
Từ cuối cùng là Hiệu quả. Chúng ta có thể thấy được các kết quả trong phòng, chống dịch COVID-19 cũng như trong phát triển kinh tế xã hội.
Sắp tới đây Chính phủ họp phiên cuối năm. Nhìn lại 12 tháng của năm 2021 thì thấy được rằng năm 2021 là năm khó khăn thách thức hơn rất nhiều so với năm 2020 nhưng cái chúng ta đạt được trong thời điểm hiện nay là rất tích cực. Có thể thấy rằng trong bối cảnh khó khăn rất nhiều lần mà chúng ta đạt được như vậy đã là thành quả lớn hơn rất nhiều so với năm 2020. Cũng giống như tôi muốn so sánh với trận cầu bóng đá. Nếu như đội tuyển của chúng ta thắng 4-0 chúng ta thấy bình thường. Nhưng với một đối thủ nặng ký, chúng ta thua trước 2 bàn, rồi gỡ hòa và thắng được thì còn xúc động hơn rất nhiều.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ: Ở góc độ Bộ Ngoại giao, một trong những cơ quan tham gia ngoại giao vaccine, nằm trong tổng thể chung chiến lược vaccine trên cơ sở 3 mũi giáp công, đó là vấn đề tiêm chủng quy mô lớn, quỹ vaccine, trong đó có ngoại giao vaccine, chúng tôi thấy rằng ngoại giao vaccine, chiến lược vaccine cũng là một trong những điểm sáng của Chính phủ trong thời gian qua. Trước đó, Chính phủ đã lập Tổ công tác về ngoại giao vaccine và chỉ đạo quyết liệt hoạt động triển khai ngoại giao vaccine. Tôi xin bổ sung 3 từ khóa nữa:
Thứ nhất là Nhạy bén với sự thay đổi. Trong thế giới bất định và tình hình luôn thay đổi thì Chính phủ đã lắng nghe thực tiễn, lắng nghe người dân, lắng nghe sự thay đổi bên ngoài để có sự điều chỉnh kịp thời.
Thứ hai là Nhịp nhàng trong phối hợp giữa các bộ ngành, giữa các thành viên của Tổ công tác cũng như nhịp nhàng trong triển khai thông suốt từ Trung ương xuống địa phương.
Thứ ba, tôi cho là rất quan trọng, đó là tất cả câu chuyện chúng ta nói đều liên quan đến người dân, doanh nghiệp, nhiều bộ ngành và nhiều cấp khác nhau thì Đồng thuận là rất quan trọng trong triển khai những quyết sách thời gian vừa qua.
Trong ngoại giao vaccine, Chính phủ bảo đảm yếu tố xây dựng đồng thuận giữa các ngành, các cấp, giữa Trung ương đến địa phương để chúng ta có tầm nhìn chung, có kế hoạch tập trung triển khai, phối hợp rất nhịp nhàng, hiệu quả, cho thấy đồng thuận rất quan trọng.
Trung tướng Ngô Minh Tiến: Chúng tôi ấn tượng đối với công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2021 là “Sâu sát, cụ thể, quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả”. Đó là hình ảnh Thủ tướng đi cơ sở với chiếc áo đẫm mồ hôi vào tâm dịch. Quyết liệt là Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, được sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ban, ngành chức năng và các địa phương, những ý kiến của Thủ tướng đều chuyển tải các thông điệp đến tận cơ sở. Hiệu quả thì như các đồng chí đã nói về thành quả của năm 2021. Toàn diện thể hiện ở chỗ không chỉ về kinh tế mà còn ở chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Tôi chỉ chia sẻ 8 từ, trong năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đặc biệt lĩnh vực về y tế, là “Chủ động, linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả”.
KỲ VỌNG NHÂM DẦN 2022: Đất nước ta, dân tộc ta sẽ vươn lên như hổ!
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Chúng ta vừa bước vào Năm mới 2022 được mấy ngày và chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, chúng ta sẽ đón Tết Nhâm Dần. Ở thời khắc rất ý nghĩa này, các vị khách mời có thể chia sẻ suy nghĩ và nhận định về triển vọng năm 2022 cũng như các năm tiếp theo được không?
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ: Tôi có một sự lạc quan thận trọng cho 2022. Vì chúng ta nhìn rộng ra khu vực và thế giới thì có ba xu hướng, có thể nói là không đảo ngược và đang tiến triển. Thứ nhất là phục hồi kinh tế và nhất là trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương của chúng ta, các đối tác chiến lược toàn diện, các đối tác chúng ta ký FTA đều đang trong quá trình phục hồi ở mức độ khác nhau. Tuy còn rủi ro, còn sự không đồng đều nhưng đều đang trong quá trình phục hồi kinh tế. Chúng ta cũng đang trong quá trình, như anh Phương nói là hình chữ V. Tôi hy vọng chúng ta đang đúng xu thế, không bị lỡ nhịp.
Thứ hai là xu hướng sống chung với đại dịch COVID, cả với chủng mới Omicron rất phức tạp. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nhận thấy sự quyết tâm và không nao núng của rất nhiều nước trong việc sống chung với đại dịch COVID này để bắt vào một giai đoạn bình thường mới trở lại.
Xu hướng thứ ba là với tác động của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 rồi đại dịch COVID, chúng ta thấy rằng các xu hướng nói đến lâu nay đang định hình dần, ví dụ như xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số mà chúng ta cũng đã tham gia rất tích cực vào xu hướng này trong các diễn đàn đa phương và đang trong qua trình nội luật hóa nhiều nội dung. Chúng tôi hy vọng rằng quá trình này mở ra cơ hội cho chúng ta, những vận hội mới trong thời gian tới.
Với ba xu hướng đang diễn ra như vậy, chúng ta thấy rằng chúng ta không bị lỡ nhịp, thậm chí chúng ta đang bắt nhịp rất chính xác ba xu hướng này. Và chúng tôi hy vọng một cách thận trọng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn của các bộ ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp, chúng ta sẽ đồng lòng, tận dụng tốt những cơ hội đang mở ra từ ba xu hướng đó để góp phần giúp đất nước phục hồi nhanh, phát triển kinh tế xã hội ổn định, bền vững và tiếp tục thành công trong quá trình chống lại đại dịch COVID-19. Tôi cũng hy vọng phát biểu gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới rằng đại dịch COVID-19, kể cả với chủng mới Omicron, có thể là khởi đầu của sự chấm dứt đại dịch này. Nếu điều đó xảy ra, chúng tôi sẽ bỏ từ thận trọng đi. Rất hy vọng nhưng tất nhiên chúng ta cũng phải thận trọng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức đang ở phía trước.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Năm 2022 tôi cho rằng có 5 nội dung chính:
Thứ nhất, chúng ta vẫn thực hiện "mục tiêu kép", vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Thứ hai, khi chúng ta làm tốt "mục tiêu kép" thì kinh tế đất nước chắc chắn sẽ phát triển.
Thứ ba, vấn đề an sinh xã hội. Vừa rồi các Nghị quyết của Quốc hội nói rất rõ về vấn đề an sinh xã hội cần được chú trọng.
Thứ tư, quốc phòng an ninh được giữ vững.
Thứ năm, dịch bệnh tiếp tục được khống chế.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương: Tôi có niềm tin rất mạnh mẽ nhưng có cơ sở là năm 2022 nền kinh tế của chúng ta thực sự phục hồi nhanh, phục hồi hiệu quả, mạnh mẽ và nhanh chóng quay lại quỹ đạo phát triển bền vững mà Đảng và Nhà nước ta đã xác định con đường đi của đất nước và nền kinh tế tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Trải qua năm 2020, 2021, chúng ta đã đúc rút được rất nhiều bài học kinh nghiệm, chúng ta sẽ có động lực mới, sức sống mới cho sự phát triển. Chúng ta có sự đoàn kết, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị, luôn luôn sẵn sàng vào cuộc trước những khó khăn. Chúng ta có tinh thần dân tộc rất cao trong bối cảnh COVID-19 vừa qua. Những khó khăn lớn như vậy chúng ta đã vượt qua được, không có lẽ gì những khó khăn trước mắt chúng ta không thể vượt qua. Chúng ta vẫn giữ được những nền tảng cơ bản, nền tảng tốt để phục hồi kinh tế nhanh, phát triển bền vững trong bối cảnh ổn định kinh tế-xã hội, khống chế được lạm phát. Năng lực nội tại của nền kinh tế chúng ta vẫn còn duy trì được để quay lại quỹ đạo phát triển nhanh và bền vững trong năm 2022.
Trung tướng Ngô Minh Tiến: Tôi cũng đồng tình chia sẻ với kỳ vọng của các đồng chí đã nói trước. Đối với tôi, từ những khó khăn thách thức và thành tựu năm 2021, tôi tin tưởng năm 2022 đất nước ta sẽ tiếp tục phát triển đạt được thành tựu toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh. Đối với tôi, kỳ vọng năm 2022 sẽ tốt hơn năm 2021.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi cũng chia sẻ niềm tin hy vọng của bốn diễn giả ở đây. Tôi tin rằng năm Nhâm Dần, đất nước ta, dân tộc ta sẽ vươn lên như hổ!
Thưa quý vị!
Việc Chính phủ ban hành và triển khai kịp thời một loạt chính sách mang tính chuyển hướng chiến lược trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, nhất là Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 đã góp phần quan trọng trong khống chế dịch bệnh, khôi phục sản xuất và thúc đẩy thị trường, từng bước tạo niềm tin cho các doanh nghiệp.
Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I/2022 với 81,7% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý IV/2021.
Cùng với những ý kiến phân tích của các nhà quản lý, cũng là các chuyên gia trong các lĩnh vực, y tế, kinh tế, ngoại giao, quốc phòng, an ninh vừa chia sẻ, chúng ta có cơ sở để tin tưởng và kỳ vọng vào sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế đất nước trong năm tới, đưa đất nước vững bước vượt qua đại dịch, tiến về phía trước, tiến tới phồn vinh./.
Nhóm PV