Tìm hương vị Tết Việt ở nhà nghệ nhân gốm Tô Thanh Sơn

Dịp Tết, người Việt thường hướng về cội nguồn, tìm đến những giá trị truyền thống. Trong đó, các sản phẩm từ làng gốm Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội luôn thu hút người dân. Nhiều người đến đây mua sắm, cũng có người đến để thưởng thức tinh hoa từ các sản phẩm gốm trong làng.

Dạo này, ngôi nhà "Thuận An Đường" của Nghệ nhân gốm Tô Thanh Sơn rất đông khách, phần lớn là bạn bè của ông. Cũng có những người lạ đến nhưng “trước lạ, sau quen”, qua vài câu hỏi thăm, nói chuyện để cảm nhận được sự chân tình là đã được ông mời vào nhà.

huong-vi-tet-viet-o-nha-nghe-nhan-gom-to-thanh-son-01-1673688953.jpg
Thuận An Đường - ngôi nhà và cũng là không gian văn hóa nổi bật của làng gốm.

Chúng tôi tới “Thuận An Đường” tự nhiên như về nhà mình, có cảm giác gần gũi và thân thiết với những chum vại cùng tượng gốm, bình phong đủ loại,... Vào trong nhà, nghệ nhân mời chúng tôi ngồi xuống bộ ghế tràng kỷ cổ để uống nước chè tươi. Nâng niu chén chè ấm trên tay, ông ngồi im lặng, những ký ức chợt ùa về: “Tôi đã thân thiết với nghề gốm từ nhỏ. Chính những lời ru của mẹ, chính những câu chuyện của cha, của những người làm gốm trong làng đã thôi thúc tình yêu gốm trong tôi. Nghề làm gốm đến với tôi như một lẽ tự nhiên. Có giai đoạn tôi xa làng nhưng rồi cũng quay về làng làm gốm”.

huong-vi-tet-viet-o-nha-nghe-nhan-gom-to-thanh-son-06-1673688953.jpg
Một góc trong không gian trưng bày gốm của nghệ nhân

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào đầu thập niên 80, anh thợ gốm trẻ Tô Thanh Sơn ngày ấy nguyện lập nghiệp và mưu sinh bằng chính nghề của ông cha để lại. Anh tầm sư học đạo, tích lũy kinh nghiệm làm nghề của các bậc cao nhân trong làng. Thế nhưng, việc phải đối diện với thị trường và phương thức làm ăn thời bao cấp không hề dễ dàng đối với người thợ trẻ tuổi, chưa có kinh nghiệm từng trải. Rồi tình cờ, anh chợt nhớ lời người bạn và cũng là người thầy dạy của mình là Giáo sư - Họa sĩ Trần Khánh Chương, có lần khẳng định rằng: “Muốn con đường gốm trở nên bền vững và phát triển, phải được phát huy trên nền tảng gốm truyền thống”. Và rồi, anh thanh niên Tô Thanh Sơn ngày ấy đã đi đúng hướng gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống của gốm Bát Tràng.

huong-vi-tet-viet-o-nha-nghe-nhan-gom-to-thanh-son-03-1673688953.jpg
Nghệ nhân gốm Tô Thanh Sơn chia sẻ về con đường nghề của bản thân

Cốt đất đặc trưng của gốm Bát Tràng được phối tạo nên từ cát và phù sa của dòng sông Hồng. Men gốm được nung ở nhiệt độ tương đối cao từ 1.250 đến 1.320 độ C, tạo nên màu men sâu, đằm, mang đặc thù riêng của dòng gốm cổ. Men nơi đây được chế bằng men gio (trấu), tức là vỏ trấu đốt lên, trộn với bùn đất, vôi bột với một tỉ lệ nhất định rồi nghiền mịn. Cùng với sự am hiểu về văn hóa, lịch sử, Nghệ nhân gốm Tô Thanh Sơn đã khắc họa những giá trị truyền thống trên từng sản phẩm.

huong-vi-tet-viet-o-nha-nghe-nhan-gom-to-thanh-son-05-1673688953.jpg
Chiếc chóe mang tên “Dáng tựa búp Sen”

Tác phẩm “Dáng tựa búp sen” được Nghệ nhân gốm Tô Thanh Sơn thực hiện vào dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010). Hình tượng của chiếc chóe thanh thoát tựa bông sen và toàn bộ bề mặt được khắc bức phù điêu tròn với hình ảnh vua Lý Công Uẩn đọc Chiếu dời đô về Thăng Long. Cùng với đó, phía sau là toàn bộ bức Chiếu dời đô.

Ngắm nhìn thành quả lao động miệt mài, Nghệ nhân Tô Thanh Sơn như thấy cả vết tay mình ẩn trong men gốm: “Trong làng gốm này có rất nhiều sản phẩm. Chính cốt đất, men gio,… đặc trưng đã tạo nên nét đặc sắc của gốm Bát Tràng. Các loại đồ sứ của Bát Tràng trắng, trong, mỏng, tròn,… không thua gì hàng ở Giang Tây - thủ phủ gốm của Trung Quốc. Tuy nhiên, mỗi một thợ gốm sẽ tạo nên sản phẩm mang những nét riêng. Nét riêng đó có độc đáo và giá trị hay không là phụ thuộc vào tay nghề, sự hiểu biết và tâm huyết của người làm” - Nghệ nhân gốm Tô Thanh Sơn chia sẻ.

huong-vi-tet-viet-o-nha-nghe-nhan-gom-to-thanh-son-02-1673688953.jpg
Nghệ nhân Tô Thanh Sơn dạy nghề cho thế hệ trẻ

Anh Nguyễn Trọng Nghĩa (37 tuổi) được nghệ nhân hướng dẫn tận tình về cách tạo hình gốm và cả tư duy thẩm mỹ trên từng sản phẩm. Sau nhiều năm mày mò, anh Nghĩa cũng đã là nghệ nhân gốm, tạo ra những sản phẩm tinh tế. Anh Nghĩa chia sẻ: “Tôi không chỉ được học cách làm gốm mà còn được tôi luyện tình yêu với nghề và trách nhiệm trong việc phát huy giá trị truyền thống trong từng sản phẩm. Thầy Tô Thanh Sơn là tấm gương để tôi học tập và trau dồi kiến thức để tạo nên những sản phẩm gốm chất lượng cao”.

huong-vi-tet-viet-o-nha-nghe-nhan-gom-to-thanh-son-04-1673688953.jpg
Nghệ nhân gốm Nguyễn Trọng Nghĩa giới thiệu một số sản phẩm do chính tay mình làm ra

Những trang sách về nghề gốm, về những giá trị truyền thống trong làng cổ Bát Tràng đang được Nghệ nhân gốm Tô Thanh Sơn cùng các học trò kế thừa và phát huy. Họ miệt mài làm nghề với tâm niệm viết thêm những trang giấy trong cuốn sách ấy, tạo nên tinh hoa và bản sắc riêng của nghề gốm Việt Nam./.

Mạnh Sáu