Tìm giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp

Võ Việt
Sáng 25/7, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp cùng Thời báo Ngân hàng và các đơn vị liên quan tổ chức thành công Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp”.

Hội thảo nhằm đi sâu phân tích những lý do khiến cho sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế bị suy giảm, dẫn tới việc các ngân hàng khó giải ngân tín dụng… Đồng thời, đề xuất giải pháp giúp nâng cao năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Hội thảo do Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú và ông Nguyễn Văn Thân - Đại biểu Quốc hội khoá XV, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chủ trì. Hội thảo còn có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế tài chính hàng đầu trong nước và quốc tế, đại diện doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng…

anh-3-hoi-thao-1690344172.jpg
Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết: Nền kinh tế 6 tháng đầu năm phải đối mặt với vô vàn khó khăn thách thức cả từ bên ngoài lẫn nội tại nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với kịch bản đề ra (3,72%)… Tất cả những điều đó đã đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế nói chung, công tác điều hành chính sách tiền tệ nói riêng.

Trong bối cảnh đầy thách thức đó, bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động, kịp thời điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai đồng bộ, tối ưu các công cụ và giải pháp để kiểm soát lạm phát ở mức thấp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô để tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng.

anh-1-hoi-thao-1690344172.jpg
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội thảo

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - cho biết: Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã rất nỗ lực tiết kiệm chi phí hoạt động, sẵn sàng giảm lãi suất san sẻ gánh nặng chi phí lãi vay cho doanh nghiệp, quy trình thủ tục cho vay cũng rút gọn; cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ… Có thể nói việc gì làm được trong khả năng của mình ngành Ngân hàng đều đã thực hiện.

Mặc dù ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng tín dụng 6 tháng có tốc độ tăng thấp hơn so với các năm trước. Tính đến ngày 30/6/2023, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 4,73% so với cuối năm 2022.

Tại hội thảo, các đại biểu đến từ các bộ, cơ quan quản lý, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế và cả các tổ chức tín dụng đã tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân khiến tín dụng tăng thấp.

Theo đó, nguyên nhân lớn nhất là hiện các doanh nghiệp thiếu đơn hàng để sản xuất, trong khi chi phí sản xuất tăng cao khiến hiệu quả hoạt động suy giảm. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động vì thua lỗ, dẫn tới nhu cầu vốn vay giảm.

anh-2-hoi-thao-1690344173.jpg
Các đại biểu tập trung thảo luận về nguyên nhân khiến tín dụng tăng thấp

Trước thực trạng trên, để tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp, ngoài giải pháp, chính sách từ ngành Ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các Bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.

Nguyễn Liên