Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để xảy ra thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào; vận hành an toàn, tin cậy hệ thống điện truyền tải

Chiều 13/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm, làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về tình hình sản xuất, kinh doanh; giải quyết các đề xuất để EVN phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cuộc làm việc được tổ chức trực tiếp tại đầu cầu trụ sở của EVN ở Hà Nội và trực tuyến tới 778 điểm cầu tại các đơn vị thành viên của Tập đoàn.

Cùng dự có: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; lãnh đạo các bộ, ngành và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Bảo đảm an ninh năng lượng

Năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt, kịp thời, sáng suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, nhất là trong việc tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, Tập đoàn đã đạt được các kết quả khá toàn diện.

Trong năm, toàn hệ thống của EVN đã sản xuất 280,63 tỷ kWh, tăng 4,56% so với năm 2022; điện thương phẩm đạt 251,25 tỷ kWh, tăng trưởng 3,52%. Đến nay, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống là 80.555MW, đứng đầu khu vực ASEAN.

Giá trị khối lượng đầu tư toàn Tập đoàn năm 2023 đạt 90.997 tỷ đồng, bằng 95,9% kế hoạch. Tập đoàn đã khởi công 146 dự án và hoàn thành 163 dự án lưới điện 110-500kV. Trong đó, đang tích cực triển khai xây dựng đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đi Phố Nối.

thu-tuong-2-1705201470.jpg
 Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Ảnh: TTXVN

Cũng trong năm 2023, EVN và các Tổng công ty Điện lực đã chủ động thu xếp các nguồn vốn để đầu tư cấp điện khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo. Đến nay, tỷ lệ số xã nông thôn đạt tiêu chí số 4 về điện thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới là 94,5%.

Doanh thu toàn Tập đoàn năm 2023 ước đạt 497.000 tỷ đồng; nộp ngân sách khoảng 21.000 tỷ đồng; tổng giá trị tài sản hợp nhất toàn EVN ước tính đến hết năm 2023 là 630.537 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 201.535 tỷ đồng.

Năm 2024, Tập đoàn tập trung bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế; tăng tốc đầu tư xây dựng, đồng thời thực hiện đổi mới quản lý triệt để nâng cao năng suất lao động, tăng hiệu quả hoạt động.

EVN phấn đấu bảo đảm cung ứng điện với sản lượng điện thương phẩm năm 2024 là 262,26 tỷ kWh và sẵn sàng với phương án cao 269,3 tỷ kWh; tiếp tục nâng cao độ tin cậy cung cấp điện; năng suất lao động tăng trên 8%; đầu tư toàn Tập đoàn đạt 101.911 tỷ đồng; bảo đảm cân bằng tài chính, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước....

Sau khi các bộ, ngành, đơn vị liên quan phát biểu đóng góp ý; kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, ngành Điện có vai trò hết sức quan trọng, không thể thiếu trong quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Ngành Điện có tính bao trùm, có ảnh hưởng, tác động đến tất cả các ngành, các cấp và toàn dân. Điện có 5 khâu (gồm nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện) và phụ thuộc và 6 đầu vào (gồm than, dầu, khí, nước, nắng và gió).

Do đó, ngành Điện phải phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị vận hành khoa học, phù hợp với điều kiện đất nước và người dân Việt Nam, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, khó lường, vượt mọi dự báo, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô khiêm tốn, sức chống chịu có hạn, độ mở lớn.

Ghi nhận, biểu dương, chúc mừng những thành tựu của ngành Điện, cảm ơn đóng góp quan trọng của ngành Điện vào kết quả chung khá toàn diện của cả nước trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ một số hạn chế cần rút kinh nghiệm như: Vẫn để xảy ra thiếu điện cục bộ; một số dự án nguồn điện và lưới điện tiến độ triển khai chậm; một số đảng viên, cán bộ, nhân viên của các đơn vị trong Tập đoàn bị kỷ luật, xử lý…

Chỉ rõ nguyên nhân và bài học kinh nghiệm cả trong thành công và hạn chế, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo và toàn thể cán bộ, người lao động EVN trên từng cương vị công tác của mình tự rà soát, đánh giá để rút ra các bài học kinh nghiệm và chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm phát huy những ưu điểm, khắc phục những khó khăn, hạn chế để đạt thành tích tốt hơn nữa trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

thu-tuong-3-1705201470.jpg
 Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan phòng truyền thống của ngành Điện. Ảnh: TTXVN

Tái cấu trúc để Tập đoàn EVN vận hành theo quy luật thị trường

Nhất trí với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của EVN trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tập đoàn chủ động phối hợp với các ngành bảo đảm khả dụng cao nhất của các tổ máy, bảo đảm vận hành ổn định, tin cậy; tính toán nhập khẩu điện phục vụ nhu cầu trong nước; vận hành an toàn, tin cậy hệ thống điện truyền tải, đặc biệt là hệ thống đường dây 500kV Bắc - Nam.

Thủ tướng chỉ đạo năm 2024, EVN phải bảo đảm hoàn thành các dự án lưới điện từ 110-500kV, trong đó tập trung mọi nguồn lực để thi công, phấn đấu hoàn thành đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối.

Về xây dựng, thực hiện các chiến lược trung và dài hạn, Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở các Chiến lược về năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt, EVN phải tập trung hoàn thiện xây dựng và thực hiện tốt chiến lược trung và dài hạn về phát triển về năng lượng, chiến lược, kế hoạch phát triển điện lực phù hợp với xu thế mới, đồng thời xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với các vấn đề đột xuất, bất ngờ; EVN phải đi đầu trong thực hiện chiến lược chuyển dịch năng lượng xanh, sạch, bền vững…

Thủ tướng chỉ rõ các nhóm giải pháp chủ yếu mà EVN cần thực hiện hiệu quả về: Các nhiệm vụ theo các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và các nhiệm vụ cụ thể giao EVN trong năm 2024; xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy và nâng cao chất lượng nhân sự; công tác quản trị của Tập đoàn; các giải pháp về tài chính, đầu tư; giải pháp về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…

Thủ tướng yêu cầu quản trị phải thông minh, tăng cường chuyển đổi số, vừa chống tiêu cực, giảm quy mô bộ máy; trong quản trị phải tiếp tục làm mới các động lực cũ, bổ sung các động lực mới cho sự phát triển như một số vấn đề liên quan chuyển đổi năng lượng sạch; những gì là xu thế thế giới hiện nay thì phải thực hiện; bảo đảm vận hành của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia thật tốt, tránh phụ thuộc vào một đầu mối, tăng cường giám sát, kiểm tra, tăng tính chủ động, tích cực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năm 2024 tiếp tục được dự báo là có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn; EVN đối mặt với khó khăn, thách thức, nhưng cũng đứng trước không ít vận hội, thuận lợi mới để bứt phá phát triển.

Thủ tướng tin tưởng, với truyền thống đoàn kết 70 năm, ngành Điện Việt Nam tiếp tục “Thắp sáng niềm tin”, tìm kiếm các động lực mới của ngành và sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó; kết quả năm 2024 cao hơn năm 2023.