Thời kỳ đầu cuộc chiến tranh Đàng Trong - Đàng Ngoài

Trong công cuộc đại phá quân xâm lược Mãn Thanh, bảo vệ nền độc lập của đất nước, chiến công của quân dân Thăng Long phối hợp với nghĩa quân Tây Sơn là sự kiện tiêu biểu, nổi bật. Thời kỳ đấu chiến tranh lúc này gần với sự kiện nghĩa quân Tây Sơn rút từ Tam Điệp. Song, nếu nhìn xuyên suốt có thể thấy, chiến công ấy là sự tiếp nối tất yếu của sự phát triển tư tưởng quân sự của nghĩa quân Tây Sơn.
con-song-nao-duoc-lay-lam-ranh-gioi-chia-cat-giua-dang-trong-va-dang-ngoai-2-1682503879.jpg
Giữa thế kỷ XVII, đất nước bị chia thành Đàng Trong - Đàng Ngoài

Đó là sự phát triển từ khẩu hiệu đấu tranh ban đầu “lấy của cải của bọn quan lại và nhà giàu phân phát cho dân nghèo”, “tưới mưa dầm khi hạn, kéo cùng dân xa chốn lầm than” đến chủ trương kết hợp đánh thù trong giặc ngoài. Đó cũng là cơ sở góp phần khẳng định phong trào Tây Sơn đã kết hợp chặt chẽ giữa cứu nước với cứu dân, đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ trọng đại: một là, tiến công các tập đoàn phong kiến ở cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài; hai là, dũng cảm đánh giặc ngoại xâm. Bởi vậy, phong trào Tây Sơn đã dần dần lôi cuốn được đông đảo dân chúng cả nước tham gia.

Từ giữa thế kỷ XVII, qua nhiều cuộc hỗn chiến lớn không phân thắng bại, tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn chấp nhận giảng hòa, lấy sông Gianh làm giới tuyến chia đôi nước Đại Việt, biến mỗi miền thành một giang sơn mà các nhà chép sử gọi là cục diện Đàng Trong và Đàng Ngoài. Chúa Nguyễn ở phía nam và chúa Trịnh ở phía bắc, vua Lê chỉ ngồi trên ngai vàng làm vua. Các tập đoàn phong kiến đua nhau bóc lột nhân dân.

Xã hội rối loạn, mâu thuẫn giai cấp phát triển dẫn đến sự bùng nổ các phong trào khởi nghĩa nông dân. Tuy trên phạm vi cả nước, nền kinh tế, văn hóa vẫn có bước phát triển nhất định, nhiều thành thị, thương cảng ra đời, thúc đẩy quan hệ buôn bán trong và ngoài nước, những cảnh chia cắt và nội chiến triền miên đã kìm hãm thế nước và gây hậu quả tai hại cho đời sống nhân dân.

Đặc biệt, nửa cuối thế kỷ XVIII nước Đại Việt hoàn toàn rơi vào tình trạng loạn lạc, rối ren, thối nát, kỷ cương đảo lộn. Ở Bắc Hà, triều Lê - triều đại của một thời chói lọi võ công và văn trị, vua sáng tôi hiền đã qua - nay chỉ còn một ông vua “rũ áo khoanh tay” không lo việc nước. Trên đất Thăng Long tồn tại chính thể “vua Lê - chúa Trịnh”. Một triều đình mà có hai chủ, trong đó, vua Lê là hư vị, thực chất là bù nhìn. Mọi quyền hành tập trung ở Phủ chúa. Các chúa Trịnh sa đọa, dâm ác, lộng quyền, tuỳ tiện phế lập ngôi vua. Binh lính trong kinh một thời có công được trọng dụng này trở thành kiểu binh vì vua chúa đều do họ dựng lên.

Bọn hoạn quan thì “cùng đồng đảng lộng quyền, các quan đình thần kế tiếp nhau người bị giết, người bị phạt, người nào cũng nơm nớp lo sợ không bảo toàn được thân mình”. Người dân Bắc Hà khổ cực hơn bao giờ hết, phải chịu sưu cao thuế nặng, lao dịch liên miền, đinh tán, điền hoang, xóm làng phiêu dạt. Hệ tư tưởng Nho giáo bị rạn vỡ, thuyết chính danh không còn linh nghiệm, “vua không ra vua, tôi không ra tôi, cương thường đảo lộn”.

Trong bối cảnh ấy, cuộc đấu tranh giữa hai giai cấp địa chủ phong kiến và nông dân bùng nổ khắp nơi. Làn sóng khởi nghĩa nông dân dâng cao khắp Đàng Ngoài, rồi lan vào Đàng Trong mà đỉnh cao là phong trào khởi nghĩa Tây Sơn từ năm 1771. Sau khi lật đổ chính quyền chúa Nguyễn, đánh tan 5 vạn quân Xiêm xâm lược ở phía nam, mùa Hè 1786, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy được lệnh tiến công ra Bắc nhằm giải phóng Thuận Hóa.

Nghĩa quân nhanh chóng hạ thành Phủ Xuân, tiến ra sông Gianh. Tại đây, Nguyễn Huệ đã có một quyết định táo bạo, có ý nghĩa lịch sử lớn lao: thừa thắng tiến ra Đàng Ngoài lật đổ chế độ chúa Trịnh. Quyết định sáng suốt đó phù hợp với yêu cầu phát triển của phong trào Tây Sơn, đồng thời đáp ứng ý chí mạnh mẽ và nguyện vọng cháy bỏng của nhân dân về thống nhất đất nước.

nhung-mat-toi-cua-quan-tay-son-1682504142.jpg
Phong trào Tây Sơn đã xóa bỏ tình trạng chia cắt Đàng Trong - Đàng Ngoài

Từ sông Gianh, một mặt Nguyễn Huệ cho người báo tin thắng trận với Nguyễn Nhạc, mặt khác ra lệnh tiếp tục tiến công ra Bắc với danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh”. Với sức mạnh vĩ đại của phong trào quần chúng được dân chúng Bắc Hà ủng hộ, quân Tây Sơn đã nhanh chóng đập tan được lực lượng quân sự của họ Trịnh. Nền thống trị của chúa Trịnh đã ngự trị ở Thăng Long gần hai trăm năm bị lật nhào.

Bằng cuộc tiến công thắng lợi, phong trào Tây Sơn đã kiểm soát cả nước, xóa bỏ tình trạng chia cắt Đàng Trong - Đàng Ngoài kéo dài trên hai thế kỷ, đặt cơ sở để lập lại nền thống nhất đất nước. Nguyễn Huệ bấy giờ mới 33 tuổi, là người anh hùng có công khôi phục quốc gia thống nhất, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và yêu cầu hết sức cấp bách của xã hội. Đây cũng là tiền tố quan trọng tạo cơ sở để quân Tây Sơn nhân danh lực lượng vũ trang nhà nước tiến hành cuộc chiến tranh chống xâm lược Mãn Thanh về sau.

Ngày 21 tháng 7 năm 1786, Nguyễn Huệ vào Thăng Long ra lệnh chiêu an, lập lại trật tự ở Bắc Hà. Nguyễn Huệ yết kiến vua Lê Hiển Tông, chính thức làm lễ triều chính ở điện Kính Thiên, tuyên bố tôn thờ nhà Lê. Vua Lê phong Nguyễn Huệ Ià Nguyên soái Phù chính Dực vũ Uy Quốc công và gả công chúa Ngọc Hân cho ngài. Ít lâu sau, Lê Hiến Tông từ trần, cháu là Lê Chiêu Thống nối ngôi. 

Sau 11 năm khởi nghĩa, phong trào nông dân Tây Sơn đã lần lượt đánh đổ ách thống trị của các thể lực phong kiến Nguyễn - Trịnh và vua quan nhà Lê, thống nhất đất nước dưới một chính quyền tiến bộ. Tuy vậy, ở Bắc Hà, giới quý tộc phong kiến Lê - Trịnh bị đánh đổ nhưng vẫn ra sức nhóm họp lực lượng để chống lại chính quyền Tây Sơn. Do ảnh hưởng còn nặng nề của ý thức hệ phong kiến, cho đến nửa cuối những năm 1780 (thế kỷ XVIII), dân tình ở Bắc Hà vẫn chưa đoạn tuyệt hán với nhà Lê và chưa hoàn toàn ngả hẳn về phía quân khởi nghĩa Tây Sơn.

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến