Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Hằng - Người truyền lửa đam mê nghiên cứu và bào chế thuốc Nam

Huyền Văn
Việt Nam có hệ thiên nhiên sinh thái phong phú và đa dạng về các loại cây dược liệu, trong đó có nhiều loài dược liệu được xếp vào danh sách quý hiếm trên thế giới như: sâm ngọc linh, sâm vũ diệp, tam thất hoang, bách hợp, thông đỏ, vàng đắng... Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Hằng, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam đã tận dụng nguồn dược liệu phong phú trong nước triển khai các nghiên cứu nhằm tạo ra nhiều bài thuốc phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

PV Tạp chí điện tử Nhân lực Nhân tài Việt đã có cuộc trò chuyện và chia sẻ với Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Hằng hầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Hằng, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam về vấn đề này.

PV: Đã hơn 30 năm Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Hằng nghiên cứu thuốc nam của dân tộc. Cụ thể, việc nghiên cứu đó được tiến hành theo công đoạn nào?

Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Hằng: Việt Nam có nguồn thuốc, nguồn dược liệu từ các loại cây, khoáng vật,… rất là phong phú. Để chúng ta tìm hiểu về một vị thuốc nam hay là một bài thuốc được kết hợp từ các vị thuốc thì trước hết phải nghiên cứu thực nghiệm. Thực nghiệm tức là ta phải xác định thành phần và tác dụng của vị thuốc, bài thuốc. Khi tìm được tác dụng chính của thuốc thì mới đưa vào trong thực tế. Từ nghiên cứu thực nghiệm đến nghiên cứu thực tế là cả một quá trình. Nhiều khi kết quả của nghiên cứu thực nghiệm và thực tế khác nhau.

nlntv-namy3-1668788188.jpg
Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Hằng (Ảnh: do nhân vật cung cấp)

Chúng ta biết rằng thuốc nam từ xưa đến giờ được sử dung theo kinh nghiệm, nhiều bài thuốc được dùng theo cách truyền tai nhau. Mỗi vùng miền, dân tộc lại sử dụng loại thuốc khác nhau, kể cả cùng loại thuốc thì cách sử dụng cũng không giống nhau. Nhưng bây giờ chúng ta phải chứng minh mọi thứ liên quan đến thuốc bằng nghiên cứu và khoa học.

PV: Được biết, thầy thuốc chuyên nghiên cứu các loại thuốc đặc trị bệnh xương khớp, tiêu hóa và mới nghiên cứu thêm thuốc điều trị bệnh ung thư. Bà có thể chia sẻ rõ hơn về những công trình nghiên cứu này?

Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Hằng: Có nhiều vị dược liệu bình thường chúng ta bỏ đi nhưng trong Đông y lại là một vị thuốc. Ví dụ: hạt của quả vải (lệ chi hạch) có tác dụng hành khí, chữa đau bụng. Tôi cũng đã nghiên cứu loại hạt này và nhận thấy nó có tác dụng hạ đường huyết. Không những thế, lệ chi hạch còn chống được di chứng tắc mạch của bệnh tiểu đường. Ngoài ra, xạ đen, bán chi liên hay vị bạch hoa xà thiền thảo cũng đã được nghiên cứu trong việc điều trị ung thư. Thời gian qua, tôi cũng dùng cho rất nhiều bệnh nhân ung thư để kiểm nghiệm tác dụng.

Đã nói về nghiên cứu thì không đơn giản. Đòi hỏi nhà nghiên cứu phải rất say mê, kiên trì. Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam là nơi đào tạo, nghiên cứu nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bởi vì nghiên cứu trên lâm sàng liên quan đến trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người nên chúng ta cần có đầy đủ trang thiết bị, hóa chất, dược liệu,… Nhưng không phải cơ sở nào cũng có sẵn mọi thứ đó.

nlntv-namy-1668788289.jpg
Nghiên cứu thuốc nam là quá trình “Lao tâm khổ tứ” (Ảnh do nhân vật cung cấp)

PV: Thưa thầy thuốc! So với ngày xưa, thì việc nghiên cứu bây giờ có điều gì khác biệt?

Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Hằng: Trong nghiên cứu bây giờ chúng ta phải áp dụng khoa học và phải có các phương tiện. Chúng ta phải dùng khoa học để chứng minh, để soi sáng y học cổ truyền, đưa ra những con số cụ thể. Đặc biệt, trong nghiên cứu phương pháp, thuốc chữa bệnh phải có sự kết hợp Đông - Tây y. Bao giờ cũng phải có một nghiên cứu thuần Đông y và thuần Tây y. Sau đó, người nghiên cứu sẽ so sánh xem kết quả nghiên cứu nào tốt hơn. Bài thuốc đó tốt hoặc không tốt ở mức nào.

PV: Như Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Hằng vừa chia sẻ, nghiên cứu thuốc nam rất gian nan. Nhưng hơn 30 năm nay, bà vẫn đam mê với công việc ấy. Động lực nào để thầy thuốc gắn bó với việc nghiên cứu lâu như vậy?

Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Hằng: Tôi được sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm thuốc. Từ nhỏ, tôi đã chứng kiến rất nhiều người bị bệnh nên mình hiểu sâu sắc nỗi khổ của bệnh nhân. Vì vậy, sau khi học phổ thông xong, tôi đăng ký thi vào ngành y học cổ truyền luôn. Trong trường y tôi đọc được tác phẩm “Nam dược trị Nam nhân” của cụ Tuệ Tĩnh và tôi thấy: “Ôi! Ngày xưa cụ đã dùng các bài thuốc nam rất là đơn giản, 1 vị, 2 vị thôi mà toàn là những dược liệu gần gũi với cuộc sống của mình nhưng công hiệu chữa bệnh rất tốt”.

nlntv-namy2-1668788339.jpg
Là một người thầy, tôi ý thức được trách của mình là truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho học trò. (Ảnh: do nhân vật cung cấp)

Khi đi thực tế rồi, tôi thấy đúng như một câu nói “Nam đánh giặc, Bắc lập công”. Thuốc nam có một tác dụng rất tốt trong việc chữa bệnh cấp tính. “Bắc lập công” tức là sau khi ta uống thuốc nam rồi thì chúng ta mới dùng thuốc bắc để bồi bổ, nâng cao sức khỏe. Đó là những lý do thôi thúc tôi đi theo ngành Đông y và đặc biệt tìm hiểu về thuốc nam. Sau đó, rất may mắn tôi được về Học viện y Dược học cổ truyền Việt Nam học tập và làm việc. Đây là nơi để tôi thừa kế, đưa các công trình nghiên cứu vào cứu chữa bệnh nhân.

PV: Ngọn lửa đam mê trong việc phát huy y học dân tộc của Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Hằng không chỉ được thể hiện ở phòng nghiên cứu mà còn qua những bài học trên giảng đường. Chúng ta có thể gọi đó là “Một vai hai gánh”. Cũng là nhà giáo nhưng là nhà giáo trong ngành y thì sẽ đặc biệt hơn?

Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Hằng: Nghề của mình là nghề truyền đạt rồi chữa bệnh. Tôi được công tác trong môi trường đào tạo ra các thầy thuốc y học cổ truyền cho đất nước. Đã có rất nhiều em thành đạt khi theo hướng y học cổ truyền. Đặc biệt, nhiều học trò đã quay lại cùng tôi tìm kiếm dược liệu và nghiên cứu. Là một người thầy, tôi ý thức được trách của mình là truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho học trò.

Khi lên lớp tôi thường nói với các em rằng học y học cổ truyền rất là khó vì nó có những lý luận riêng. Chúng ta vẫn nói đùa với nhau rằng “Âm, dương mù mịt, ngũ hành lung tung”. Ta phải vào lối mù mịt ấy để tìm được đường sáng. Tôi mong các em sẽ tiếp nối con đường nghiên cứu đó và sẽ giỏi, thành công hơn tôi và những người đi trước. Bởi vì xã hội đang phát triển và kéo theo rất nhiều điều kiện tốt cho việc nghiên cứu. Tôi cũng luôn hi vọng các em tiếp nối con đường nghiên cứu thuốc nam và ứng dựng nghiên cứu của bản thân, của những người đi trước vào thực tế thành công, góp phần nâng cao chất lượng chữa bệnh trong hệ thống y tế

Xin cảm ơn!

 Nguyễn Thị Hà