Thăng Long - Hà Nội: Những kỷ nguyên vàng son (Phần 2 và hết)

Đinh Thảo
Với Thăng Long - Hà Nội, năm 1010 là năm “khai sinh”. Năm ấy, Lý Thái Tổ đã để lại sau lưng cố đô Hoa Lư đồi núi, dễ phòng thủ nhưng khó phát triển, quyết đưa dân tộc “vươn vai Phù Đổng”, xây dựng cơ đồ mới bề thế ở Đại La – nơi thế đất “rồng cuộn hổ ngồi”, công nhiên “Thái Tổ, Thái Tông” cùng thiên hạ, vĩnh viễn giã từ vai trò “Đế vương sơn thành - thạch động”. “Từ giã hoa lau” không dễ, nhưng phải làm.
thang-long-4-1707881341.png
Cột cờ Hà Nội – “chứng nhân” lịch sử hào hùng của Thủ đô (Ảnh: Internet)

Đi về phương Nam, nếu Lý vào đến Hoan - Hóa, thì Trần kiêm Ô - Lý. Thế rồi “Bãi bể hóa nương dâu”, Thăng Long “chợt” biến thành Đông Đô khi Hồ Quý Ly ép vua Trần dời kinh vào Tây Đô (An Tôn, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa - 1397).

Rồi Thăng Long lại “chợt” thành ra Đông Quan suốt 20 năm, từ khi Minh diệt Hồ (1407) cho đến khi Lê Lợi lập “Hội thề Đông Quan” cho Vương Thông được quy hàng (1427). Lê Thái Tổ lấy lại nước, khôi phục quốc hiệu Đại Việt và gọi Thăng Long là Đông Kinh, Tây Đô là Tây Kinh. Ở Thăng Long - Đông Kinh ấy, Lê Thái Tổ sai Nguyễn Trãi viết “Bình Ngô đại cáo” (1428), một áng “thiên cổ hùng văn” nữa, thường được coi là “Tuyên ngôn độc lập” lần thứ hai của Đại Việt. Người dâng “Bình Ngô sách” ngày mới dựng cờ nghĩa giờ lại được viết “Bình Ngô đại cáo” sau ngày thắng lợi. Lê Thái Tổ quả là người có “con mắt xanh”, vừa ban cho Nguyễn Trãi một vinh dự vô song, vừa dùng được một cây đại bút cho việc trọng của triều đình.Cũng tại đây, vua Lê sai Phan Phu Tiên soạn “Đại Việt sử ký” (1455), chép tiếp từ Trần Thái Tông đến khi quân Minh rút về nước (“Đại Việt sử ký” của Lê Văn Hưu đời trước chỉ chép từ Triệu Đà cho tới Lý Chiêu Hoàng). Cũng từ đây, Lê Thánh Tông “lấy nước Hồng Hà” rửa oan cho Nguyễn Trãi (1464) và thân làm tướng đánh Chiêm Thành (1471), lập thừa tuyên Quảng Nam với vệ Thăng Hoa.

Tại đây, Ngô Sĩ Liên hoàn thành và dâng vua bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” 15 quyển, chép từ thời Hồng Bàng cho đến Lê Thái Tổ (1479).

Tại đây, Thân Nhân Trung, Quách Đình Bảo, Đỗ Nhuận, Đào Cửu, Đàm Văn Lễ soạn sách “Thiên Nam dư hạ tập” 100 quyển, trong đó có bộ “Luật Hồng Đức”, bộ luật hoàn chỉnh nhất trong các vương triều Việt đến lúc đó (1483).

Tại đây, Lê Thánh Tông cho lập bản đồ toàn Việt - “Hồng Đức bản đồ” - tập bản đồ đầy đủ đầu tiên ở nước ta (1490).

Lịch sử cho ta thấy, Thăng Long, đến Lê Thánh Tông, đã trở thành kinh đô hùng mạnh của một nước Đại Việt kỷ cương, cường thịnh bậc nhất trong nền quân chủ Việt Nam, từ chính trị, kinh tế, quân sự đến văn hóa. Đây là kỷ nguyên vàng son thứ ba của Thăng Long.

Rồi Thăng Long Lê - Mạc, Thăng Long Lê - Trịnh hỗn độn qua đi. Thăng Long Trịnh - Nguyễn phân tranh chỉ còn là cái bóng của vàng son Bắc Hà!

Trải bao thăng trầm, Thăng Long lấy lại hào quang của mình, với việc Quang Trung Nguyễn Huệ thần tốc đập tan 29 vạn quân Thanh (1789) - “Đánh cho nó biết nước Nam này có chủ”. Cái vầng hào quang cuối cùng ấy của Thăng Long quân chủ, của Quang Trung “Áo vải cờ đào”, tiếc thay, đã không thể dài lâu! Quang Trung mất, Nguyễn Ánh thắng (1802), Phú Xuân (Huế) trở thành kinh đô Đại Nam và đến Minh Mệnh, Thăng Long chỉ còn là “Tỉnh Hà Nội”...Mặc tất cả những điều ấy, giữa hỗn độn, Thăng Long vẫn được thấy “Nam dược thần hiệu”, “Hồng Nghĩa giác y thư”của Tuệ Tĩnh. Cảnh quanh Hồ Tây - Thăng Long vẫn được Nguyễn Huy Lượng “làm quan to từ triều Lê sang Nguyễn” tả rằng: “Dư nghìn mẫu nước trời lẫn sắc/ Trải bốn bên hoa cỏ nhiều mùa/... Vẻ hoa lẫn dấu cờ năm thức/ Mặt nước in bóng giáo ba ngù/... Lễ nhạc ấy nghìn thu ít thấy/ Phong cảnh này mấy thuở nào so”.

Và, Nguyễn Văn Siêu vẫn “phải” viết về sông Hồng: “Suốt dòng xa, lửa nghìn xóm lập lòe bên khói sóng/ Chật bến gần, buồm gấm tựa rừng lên đợi hải hành” (Đỗ Trung Lai tạm dịch). Và, Cao Bá Quát, bên sông Hồng, vẫn “phải” viết: “Ngó Bắc, núi cao liền châu thổ/ Nhìn Nam, trời lớn cuốn ngàn mây/ Rốn Rồng, thành quách vươn uy tráng/ Sóng tựa hoa đào vạn sắc bay (Đỗ Trung Lai tạm dịch). Đặc biệt, đến đây thì chữ Nôm ta đã phát triển tới đỉnh cao nhất, với “Truyện Kiều” bất hủ của Nguyễn Du... Những “Long mạch”, “Tuệ mạch”, “Thi mạch” Thăng Long chẳng bao giờ ngừng! Chính nó làm nên cốt cách Thăng Long.

Rồi An Nam thuộc Pháp. Hơi kiếm thần Hồ Gươm đành “náu trong sao Ngưu, sao Đẩu” suốt trăm năm!

Để kết thúc gần trăm năm thực dân Pháp đô hộ nước ta, hãy nhớ về năm 1890!

Năm 1890, một vĩ nhân tương lai “Trăm năm may ra mới xuất hiện một lần” chào đời, sau này là Người - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 1945, Người cùng Đảng của mình và toàn dân giành chính quyền, phục quốc và Hà Nội trở thành Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiếp nối hào quang bao đời Thăng Long Đại Việt. Ngày 2/9 năm ấy, Người công bố “Tuyên ngôn độc lập”, bằng văn bản chính thức, trước quốc dân đồng bào và thế giới, sau hai bản “Tuyên ngôn độc lập” huyền thoại của Lý Thường Kiệt và Nguyễn Trãi, mở ra kỷ nguyên vàng son nữa cho Thăng Long - Hà Nội.

Hà Nội cũng là nơi đón nhận bản Hiến pháp đầu tiên của nền Cộng hòa (1946). Năm ấy, Hà Nội cũng là nơi phát đi lời hiệu triệu “Toàn quốc kháng chiến”, để lại “Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng” (Chính Hữu) và 9 năm sau, Hà Nội đón bộ đội Cụ Hồ về tiếp quản - “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về” (Văn Cao); “Năm cửa ô xòe năm móng rồng/ Đoàn quân về nhấp nhô như sóng” (Tạ Hữu Yên-Nguyễn Thành)...

Và rồi, mùa xuân 1975, cuộc Cách mạng Dân tộc Dân chủ Nhân dân do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, tổ chức và lãnh đạo cùng với Đảng của mình, đã hoàn toàn thắng lợi, Việt Nam hoàn toàn thống nhất.

thang-long-5-1707881341.png
Nét cổ kính của tháp rùa hồ Gươm - Hồ Hoàn Kiếm - “trái tim” Thủ đô (Ảnh: Internet)

Nhìn lại bối cảnh lịch sử khi Người được sinh ra và nhìn “cơ đồ” Người để lại, không cần phải sâu sắc lắm cũng thấy ngay rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng dân tộc, một vĩ nhân trong các vĩ nhân. Người đã thuộc về “Thế giới người hiền”, không chỉ của dân ta mà còn là của nhân loại. Người cùng Ðảng của mình dẫn cả dân tộc làm cách mạng, vừa giành lại được nước, dựng nên một chính thể - chế độ mới, vừa thống nhất giang sơn và đưa nhân dân từ phận “vong quốc nô” trở thành chủ nhân của đất nước. Sự nghiệp của Người còn có ảnh hưởng sâu sắc đến sự tiến bộ của thế giới hiện đại. Có Người, nước Việt nói chung và Thăng Long - Hà Nội nói riêng, lại có một kỷ nguyên vàng son nữa.

Đỗ Trung Lai