Thăng Long - Hà Nội: Những kỷ nguyên vàng son (Phần 1)

Đinh Thảo
Với Thăng Long - Hà Nội, năm 1010 là năm “khai sinh”. Năm ấy, Lý Thái Tổ đã để lại sau lưng cố đô Hoa Lư đồi núi, dễ phòng thủ nhưng khó phát triển, quyết đưa dân tộc “vươn vai Phù Đổng”, xây dựng cơ đồ mới bề thế ở Đại La – nơi thế đất “rồng cuộn hổ ngồi”, công nhiên “Thái Tổ, Thái Tông” cùng thiên hạ, vĩnh viễn giã từ vai trò “Đế vương sơn thành - thạch động”. “Từ giã hoa lau” không dễ, nhưng phải làm.
thang-long-1-1707794996.png
Tượng đài Lý Thái Tổ tại Hà Nội (Ảnh: Internet)

Ra đến Thăng Long, nhà vua cho xây thành trì to lớn, bốn cửa vàng son mà cả ngàn năm sau ta còn thấy, khi khai quật Hoàng thành.

Ở đây, nhà Lý xây dựng bộ luật quốc gia thành văn đầu tiên trong lịch sử nước nhà (“Hình thư” – 1042), phục vụ cho việc xét xử.

Ở đây, nhà Lý cho xây chùa Một Cột (1049), dựng tháp Báo Thiên (1057) và đúc chuông Quy Điền (1080). Tháp và chuông này là 2 trong “Tứ đại khí” Đại Việt (cùng với tượng chùa Quỳnh Lâm và vạc Phổ Minh thuộc đời Trần sau này).

Ở đây, nhà Lý lập Văn miếu (1070) và tổ chức khoa thi đại khoa đầu tiên (Minh kinh bác học – 1072), công nhận vị Trạng nguyên đầu tiên của nước ta (Lê Văn Thịnh).

Từ đây, nhà Lý “phá Tống bình Chiêm”, Lý Thường Kiệt đọc “Tuyên ngôn độc lập” lần thứ nhất: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên phân định tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” (Nước Nam là của vua Nam/ Sách trời đã định, sửa làm sao đây/ Cớ sao xâm phạm đất này/ Giặc nào cũng tự chuốc ngày bại vong - Đỗ Trung Lai tạm dịch).

Từ đây, nhà Lý cho đắp đê Cơ Xá trị thủy sông Hồng (1108). Đó là con đê trước đó chưa từng có ở Bắc Bộ. Nhà Lý cũng đã vẽ - viết “Nam Bắc phân giới địa đồ - 1172” để “văn bản hóa - pháp lý hóa” tuyên ngôn của Lý Thường Kiệt: “Nước Nam là của vua Nam...”.

thang-long-2-1707794996.png
Hoàng thành Thăng Long – di tích gắn với lịch sử vàng son kinh thành Thăng Long – Đông Kinh (Ảnh: hoangthanhthanglong.vn)

Cho đến khi Lý Chiêu Hoàng “bàn giao” ngôi báu cho Trần Thái Tông (1225), cơ đồ nhà Lý đã rất khang trang - Bắc giáp Lưỡng Quảng, Vân Nam; Nam đã vào qua Hoan, Hóa. Rõ ràng, năm 1010 là năm mở đầu kỷ nguyên vàng son thứ nhất của Thăng Long, năm “công bố” Đại Việt (tên nước do nhà Lý đặt) giữa trời đất.

“Tiếp quản” nhà Lý, từ Thăng Long, “sẵn nong sẵn né” lại qua bàn tay thao lược của Trần Thủ Độ - “Đầu tôi chưa rơi xin bệ hạ đừng lo” - nhà Trần mở mang kinh đô, củng cố chính trị - hành chính, phát triển như vũ bão về văn hóa và sức mạnh quân sự, làm nên kỷ nguyên vàng son thứ hai của Đại Việt, của Thăng Long, đến mức cuối Trần, Phạm Sư Mạnh, học trò Chu Văn An, làm quan đến “Nhập nội Hành khiển”, ngắm Thăng Long đã phải thốt lên: “Ngã lai dục thử đề danh bút/ Quản lĩnh xuân giang tác nghiễn trì” (Tới đây, ta muốn vung bút lớn/ Lấy cả sông Hồng làm nghiên xuân – Đỗ Trung Lai tạm dịch).

Kế thừa “Tàng thư các” nhà Lý, nhà Trần cho làm các sách: “Thống chế”, “Lễ nghi”, “Quốc triều thường lễ” (1230), lập “Quốc tử viện – 1336” cho con em của văn quan và tụng quan học, tiếp tục trị thủy sông Hồng và đắp đê Đỉnh Nhĩ (Quai Vạc – 1248) để trị thủy cả hệ thống sông Thái Bình, lập “Quốc học viện” để mở rộng đối tượng nho sinh, mời nho sĩ tài giỏi cả nước đến giảng bài và lập “Giảng võ đường” để đào tạo võ quan (1253). Vua Trần sai Lê Văn Hưu soạn “Đại Việt sử ký” (1272), sai Trương Hán Siêu và Nguyễn Trung Ngạn soạn “Hoàng triều đại điển” và tu soạn “Hình thư” (1341).

Về võ công, nếu nhà Lý rực rỡ bởi hai lần phá Tống (1075 - 1077) và hai lần bình Chiêm (1044 - 1069) với Thái úy Lý Thường Kiệt văn võ song toàn, thì triều Trần sáng chói cùng ba lần “kháng Nguyên” thắng lợi (1258 - 1285 - 1288) với các nhà vua của lòng dân (Hội nghị Diên Hồng - 1285 - là một ví dụ), và đặc biệt là với Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người viết “Hịch tướng sĩ văn” - áng “thiên cổ hùng văn” - cùng “Binh gia diệu lý yếu luận” (Binh thư yếu lược), “Vạn Kiếp tông bí truyền thư”; chủ soái của hai cuộc “kháng Nguyên” cuối, rồi được người đời tôn vinh là “Đức Thánh Trần” cùng lời di huấn bất hủ: “Thời bình phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”.

thang-long-3-1707794996.png
Di sản chùa Một Cột chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa to lớn của dân tộc Việt (Ảnh: hoangthanhthanglong.vn)

Nếu nhà Lý trọng đạo Phật (Lý Thánh Tông đứng đầu Thiền phái Thảo Đường), thì Trần Thái Tông viết “Khóa Hư lục” trong đó có “Tựa Thiền Tông chỉ nam”; Trần Tung viết “Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục”; Trần Nhân Tông sáng lập Thiền phái Trúc lâm (1295) và biến Thiền phái ấy thành Quốc giáo, bằng cách thụ Bồ Tát giới, cho từ Trần Anh Tông trở xuống.

Nếu trước Lý, ta chưa có văn học thành văn thì đến Lý - Trần, thơ ta đã được triều đình cho ấn loát cùng kinh Phật. Có thể nói, đến Lý - Trần, “Văn hóa vật thể” và đặc biệt là “Văn hóa phi vật thể” của chúng ta ngày càng đường bệ. Nếu thời Lý mới có một số ít tác gia vốn là vua quan với thiền sư (chủ yếu là làm thơ Thiền), thì đến thời Trần, chúng ta đã có hàng loạt tác gia lớn như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ - Trần Tung, Trần Nhân Tông, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn, Pháp Loa, Huyền Quang, Lê Văn Hưu... và có “Lưỡng quốc Trạng nguyên” Mạc Đĩnh Chi cùng với cả “chùm sao” “kinh bang tế thế”: Trần Thủ Độ, Lê Phụ Trần, Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng... Công nghiệp và trước tác của họ tỏa ra muôn ngả, thậm chí còn khiến cho cả triều đình phương Bắc cũng phải “ngả mũ”.

(Còn tiếp)

Đỗ Trung Lai