Trước khi thông qua Nghị quyết, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.
Giá khởi điểm của một biển số ô tô đưa ra đấu giá là 40 triệu đồng
Theo đó, về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, đa số ý kiến nhất trí ban hành nghị quyết này. Một số ý kiến đề nghị giao Chính phủ hoặc UBTVQH ban hành văn bản thí điểm. UBTVQH thấy rằng, việc cấp quyền sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá là chính sách mới, khác với quy định của luật hiện hành, nên cần trình Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Về phạm vi thí điểm, nhiều ý kiến nhất trí thí điểm trên cả nước. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị thu hẹp phạm vi thí điểm, chỉ nên thực hiện tại một số địa phương.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, dự thảo Nghị quyết đã giới hạn phạm vi nội dung thí điểm với loại biển số đưa ra đấu giá và không giới hạn về phạm vi không gian để đáp ứng nhu cầu của người dân tất cả các địa phương, đảm bảo công bằng về quyền lợi của người dân trên cả nước; đồng thời, khai thác hiệu quả tài sản công là kho số đăng ký ô tô, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước từ đấu giá và là cơ sở để tổng kết, đánh giá, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan khi kết thúc thí điểm để thực hiện ổn định, lâu dài.
Do đó, trên cơ sở ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc. Đối với tên gọi của dự thảo Nghị quyết, một số ý kiến đề nghị sử dụng cụm từ "số đăng ký xe ô tô" thay cho cụm từ "biển số ô tô" trong tên và nội dung của dự thảo Nghị quyết. Nhiều ý kiến nhất trí với Báo cáo thẩm tra đề nghị sửa tên Nghị quyết đảm bảo dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện là "Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô".
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh tên Nghị quyết là: "Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô".
Thay mặt UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cũng giải trình các nội dung cụ thể của dự thảo nghị quyết. Theo đó, về biển số ô tô đưa ra đấu giá, nhiều ý kiến nhất trí với quy định biển số đưa ra đấu giá trong dự thảo Nghị quyết, nhưng đề nghị quy định rõ hơn biển số đưa ra đấu giá, nguyên tắc xác định biển số đưa ra đấu giá, biển số đấu giá không thành. Một số ý kiến đề nghị đấu giá với loại biển số ô tô nền vàng chữ đen.
Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các quy định tại khoản 1 cho ngắn ngọn, nhưng cụ thể, rõ ràng. Về giá khởi điểm, quản lý và sử dụng tiền thu được từ đấu giá, một số ý kiến nhất trí như Tờ trình của Chính phủ quy định mức giá khởi điểm theo vùng.
Nhiều ý kiến đề nghị áp dụng thống nhất trong cả nước một mức giá khởi điểm như nêu trong Báo cáo thẩm tra là 40 triệu đồng. Có ý kiến đề nghị thống nhất một mức giá khởi điểm là: 80 triệu đồng, 50 triệu đồng, 20 triệu đồng hoặc 0 đồng. Ý kiến khác đề nghị giá khởi điểm 200 triệu đồng với biển số rất đẹp.
Về vấn đề này, UBTVQH thấy rằng, chưa có cơ sở để xác định giá khởi điểm đối với từng loại biển số khác nhau, nên không thể xác định, thẩm định được giá trị của mỗi biển số xe, mà giá trị cao hay thấp phụ thuộc vào sở thích của người tham gia đấu giá quyết định.
Tiếp thu ý kiến nhiều đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị Quốc hội quy định một mức giá khởi điểm là 40 triệu đồng thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Sau khi kết thúc thí điểm Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội việc tổng kết, nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp.
Đối với quy định quản lý và sử dụng tiền thu được từ đấu giá biển số ô tô, có ý kiến đề nghị thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước sau khi trừ chi phí thực hiện đấu giá.
Một số ý kiến đề nghị quy định phân bổ ngay trong dự thảo Nghị quyết tỉ lệ phần trăm nộp ngân sách Trung ương, tỉ lệ phần trăm ngân sách địa phương.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật Ngân sách Nhà nước, thì tiền thu được từ đấu giá biển số ô tô không thuộc trường hợp phân chia theo tỉ lệ phần trăm giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.
Để bảo đảm cơ chế sử dụng phù hợp, linh hoạt, đúng quy định của pháp luật, UBTVQH xin Quốc hội cho chỉnh lý nội dung này như quy định tại khoản 4 Điều 3 dự thảo Nghị quyết.
Về quyền, nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số ô tô trúng đấu giá theo xe, một số ý kiến đề nghị bổ sung vào điểm c quy định người trúng đấu giá được giữ lại biển số để gắn sang xe khác trong trường hợp xe hỏng, bị mất, bị thu hồi…; quy định thời hạn phải đăng ký đối với trường hợp bán xe giữ lại biển số trúng đấu giá.
Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nêu rõ, ngoài các nội dung trên, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát tiếp thu, chỉnh lý các nội dung khác có liên quan và chỉnh lý kỹ thuật văn bản và các nội dung bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất, ngắn gọn, dễ nhớ và thuận lợi trong việc thực hiện.
Người trúng đấu giá biển số ô tô có nhiều quyền lợi
Nghị quyết được thông qua đã quy định hình thức, phương thức, trình tự, thủ tục đấu giá biển số ô tô: Hình thức đấu giá là đấu giá trực tuyến; phương thức đấu giá là phương thức trả giá lên; Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đấu giá biển số ô tô.
Quyền của người trúng đấu giá biển số ô tô bao gồm: Được cấp văn bản xác nhận biển số xe trúng đấu giá sau khi nộp đủ số tiền trúng đấu giá; được đăng ký biển số xe trúng đấu giá gắn với ô tô thuộc sở hữu của mình tại cơ quan công an nơi quản lý biển số ô tô trúng đấu giá, hoặc nơi người trúng đấu giá đăng ký thường trú, đặt trụ sở;
Được giữ lại biển số xe trúng đấu giá trong trường hợp xe bị mất, hư hỏng không thể sử dụng được hoặc được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm ô tô bị mất, hư hỏng không thể sử dụng được hoặc được chuyển giao quyền sở hữu; được cấp lại biển số ô tô trúng đấu giá, văn bản xác nhận biển số xe trúng đấu giá khi bị mất, bị mờ, hỏng.
Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có văn bản xác nhận biển số ô tô trúng đấu giá, nếu người trúng đấu giá chết nhưng chưa thực hiện thủ tục đăng ký xe để gắn biển số trúng đấu giá thì biển số ô tô trúng đấu giá được chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe; người thừa kế theo quy định của pháp luật về thừa kế được nhận số tiền người trúng đấu giá đã nộp sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023 và được thực hiện trong 3 năm.
Sau khi hết thời hạn thí điểm, người trúng đấu giá biển số ô tô, người nhận chuyển nhượng, trao đổi, được tặng cho, thừa kế xe gắn biển số trúng đấu giá được tiếp tục thực hiện các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 6 của Nghị quyết này, trừ trường hợp luật, nghị quyết khác của Quốc hội có quy định khác.