Chiều 10/11, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với 465/466 đại biểu tán thành, chiếm 93,37%.
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, cho biết nội dung về mục tiêu tổng quát đã được rà soát khái quát, ngắn gọn, súc tích, tổng quan nhất về mục tiêu năm 2023. Đây là cơ sở để triển khai 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Về các chỉ tiêu báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ việc xây dựng kịch bản tăng trưởng, các chỉ tiêu chủ yếu đã được Chính phủ cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Theo đó, mục tiêu CPI bình quân năm 2023 khoảng 4,5% nhằm thực hiện mục tiêu tổng quát, tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, sát với tình hình thực tiễn và các dự báo trong nước, quốc tế. Bên cạnh đó, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động cơ bản 5%-6% là phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5% và dự báo về tốc độ tăng lực lượng lao động năm 2023.
Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết việc đặt chỉ tiêu ở mức cao thể hiện quyết tâm của Chính phủ, phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu năm 2023.
Trên cơ sở đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị giữ như dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị Chính phủ trong công tác điều hành cần chủ động hơn nữa để có thể đạt được kết quả ở mức cao nhất, linh hoạt, chủ động, phấn đấu vượt các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường được Quốc hội quyết định.
Đối với đề nghị bổ sung một số chỉ tiêu, như tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ xử lý nước thải đô thị đạt trên 20%, tỷ lệ cây xanh trên đầu người, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng việc bổ sung thêm chỉ tiêu vào dự thảo Nghị quyết về kinh tế - xã hội cần được đánh giá kỹ lưỡng bảo đảm nguồn lực tổ chức thực hiện, tính khả thi, đo lường được, thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát, nên Nghị quyết chưa bổ sung các chỉ tiêu này.
Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết dự thảo Nghị quyết đã sửa đổi, bổ sung nội dung về tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu, bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng trong mọi tình huống kiểm soát chặt chẽ lạm phát, điều hành chủ động, linh hoạt công cụ lãi suất, tỷ giá, phù hợp và sát thực với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước; triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng đã bổ sung nội dung về nhiệm vụ, giải pháp khác, như tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài về tài chính, chuyên môn kỹ thuật phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; quan tâm phát triển các bệnh viện, cơ sở y tế ngoài nhà nước để chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân…
“Ngoài ra, tiếp thu nhiều ý kiến đại biểu, dự thảo Nghị quyết được thiết kế ngắn gọn, súc tích, các giải pháp tổng thể đã bao quát các nội dung chi tiết. Mặt khác, một số nội dung cần được tiếp tục đánh giá tác động, do vậy sẽ không bổ sung vào dự thảo Nghị quyết và trong quá trình triển khai sẽ lưu ý Chính phủ quan tâm thực hiện,” Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nói./.
Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 quy định 15 chỉ tiêu chủ yếu, gồm:
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%;
GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 đô la Mỹ (USD);
Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4%- 25,8%;
Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%;
Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5%-6%;
Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,2%;
Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27,5%;
Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.
Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1%-1,5%;
Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt khoảng 12 bác sĩ;
Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt khoảng 32 giường bệnh;
Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,2% dân số;
Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78%;
Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%;
Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%.