Chương trình được tổ chức nhằm hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp hiểu rõ tầm quan trọng của kiến thức phòng vệ thương mại để tránh các rủi ro trong bối cảnh thị trường trong nước và quốc tế đang có nhiều biến động không thuận lợi.
Dự khai mạc và chỉ đạo lớp tập huấn có ông Nguyễn Sỹ Dũng - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ Doanh nghiệp (Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương – Bộ Công Thương); ông Nguyễn Trọng Hiếu - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Đà Nẵng; Diễn giả chương trình: Thạc sĩ Phùng Gia Đức - Phó Trưởng phòng Phòng Xử lý phòng vệ nước ngoài (Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương); cùng dự còn có đại diện Lãnh đạo các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố là hội viên Hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng.
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, ông Nguyễn Sỹ Dũng - Lãnh đạo Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương nhấn mạnh: “Biện pháp phòng vệ thương mại gồm 3 biện pháp chính là chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Ngoài ra, các nước có thể áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại khi chứng minh được hàng hóa, nguyên liệu từ nước đang bị áp thuế được xuất khẩu, gia công thêm ở một nước thứ ba với giá trị gia tăng không đáng kể. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động chưa ổn định, chưa nắm vững kiến thức pháp luật, những hiệp định, rào cản trong giao dịch thương mại điện tử quốc tế. Vì vậy, đây là cơ hội tập huấn hữu ích, trao đổi thông tin để doanh nghiệp nắm vững hơn các kỹ thuật đàm phán, giao dịch thương mại; điều này có ý nghĩa rất lớn cho sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa”.
Tại lớp tập huấn, các đại biểu được anh Nguyễn Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Đà Nẵng chỉ sẻ một số kinh nghiệm trong công tác phòng vệ thương mại, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp tập trung nghiên cứu về các nội dung liên quan đến buổi tập huấn để áp dụng trong quá trình vận hành doanh nghiệp, tránh rủi ro không đáng có do thiếu kiến thức về công tác phòng vệ thương mại.
Cũng tại hội nghị, diễn giả, Thạc sĩ Phùng Gia Đức - Phó Trưởng phòng, Phòng Xử lý phòng vệ nước ngoài (Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương) đã truyền đạt tổng quan về công tác phòng vệ thương mại; các nội dung cụ thể như chống bán phá giá; chống trợ cấp; tự vệ; Pháp luật phòng vệ Thương mại của Việt Nam; các điều kiện để áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại; các nguyên tắc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại,…
Thông qua tập huấn giúp các doanh nghiệp sản xuất nội địa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Đồng thời, doanh nghiệp hiểu thêm, nghiên cứu các văn bản pháp lý phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến xuất xứ hàng hóa, nhất là hàng hóa lưu thông trong nước,... nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về phòng vệ thương mại; từ đó, giúp các doanh nghiệp hiểu, trang bị công cụ, kỹ năng cơ bản để tháo gỡ khó khăn trong quá trình vận hành doanh nghiệp, bảo đảm sự phát triển ổn định cho chính doanh nghiệp mình.