Tham dự Hội thảo có Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch danh dự Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia; ông Trần Anh Tuấn – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; ông Phạm Ngọc Sinh – Trưởng ban điều hành Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh; PGS.TS Vũ Thị Phương Anh – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Quảng Nam.
Quảng Nam được đánh giá là một địa phương dẫn đầu về hợp tác, liên kết trong xây dựng hệ sinh thái Khởi nghiệp sáng tạo. Tỉnh đã đặt kế khoạch 5 năm (2025-2030) sẽ xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp mở, kết nối mạnh mẽ mạng lưới chuyên gia, cố vấn, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia, quốc tế. Để hoàn thành sứ mệnh này, lãnh đạo tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới. “Hợp tác, kết nối phát triển mạnh mẽ mạng lưới tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Hợp tác phát triển mạng lưới cố vấn, chuyên gia khởi nghiệp toàn quốc. Đẩy mạnh tăng cường công tác hỗ trợ doanh nghiệp. Khuyến khích, vận động kêu gọi cộng đồng doanh nhân. Chủ động phối hợp tích cực đăng cai tổ chức các sự kiện”.
Bên cạnh đó, Quảng Nam cũng chú trọng đào tạo cho các đối tượng các đơn vị khởi nghiệp, tổ chức các khóa đào tạo cho các chuyên gia, giảng viên nguồn (TOT) KNST. Các lớp tập huấn kỹ năng, kiến thức cho doanh nghiệp, hội viên, đoàn viên, thanh niên, học sinh sinh viên( HSSV) và cộng đồng khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng rất được chú trọng và quan tâm. Tỉnh còn tích cực tham gia vào Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo ở các địa phương khác như: Huế, Bình Định, Đắk Lắk, Bến Tre, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc,… Với tinh thần cầu thị để học hỏi kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái địa phương.
Để có ý tưởng KNST, đặc biệt là HSSV phụ thuộc vào nhiều nhân tố khách quan và chủ quan tác động đến ý tưởng và hiệu quả khởi nghiệp, trước hết phải dựa vào nền tảng trình độ học vấn, trình độ chuyên môn. Nhận thức được yêu cầu này, trong những năm qua Trường Cao đẳng Quảng Nam không ngừng thực hiện nhiều giải pháp mang tính chiến lược, nhằm hỗ trợ HSSV phát huy ý tưởng KNST và nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.
Phát biểu báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Vũ Thị Phương Anh nói: “Hội thảo là một trong những sự kiện nằm trong chuỗi các sự kiện của Ngày hội KNST tỉnh Quảng Nam lần thứ IV – Techfest 2023, mong muốn truyền cảm hứng cho HSSV Trường Cao đẳng Quảng Nam nói riêng và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước nói chung về hoạt động khởi nghiệp. Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu Đề án khởi nghiệp của Chính phủ, phát động phong trào khởi nghiệp sáng tạo tỉnh đến năm 2030. Tạo lập văn hóa khởi nghiệp, phát huy truyền thống canh tân, đổi mới, khát vọng vươn lên làm giàu, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bền vững”.
Theo ông Phạm Ngọc Sinh, “Quảng Nam là tỉnh đầu tiên và duy nhất sáng tạo thành lập Ban điều hành KNST. Quảng Nam là địa phương duy nhất xác lập mô hình Khởi nghiệp tích hợp các đề án 844, đề án 939, đề án 1665, đề án hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp và sáng tạo trong hỗ trợ nông dân khởi nghiệp”. Với hoài bão, tiên phong và khát vọng tiền nhân, KNĐMST Quảng Nam kế thừa tiền đam mê, sáng tạo, tâm huyết, dấn thân, dám nghĩ dám làm, bứt phá nâng tầm sản phẩm địa phương và lan tỏa mạnh mẽ tinh thần, văn hóa khởi nghiệp, định hình thương hiệu “Quảng Nam – vùng đất mở cho khởi nghiệp sáng tạo”, tạo nên giá trị độc đáo và những đặc trưng riêng có.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc đã đưa ra những ý kiến nhận định xung quoanh vấn đề liên kết doanh nghiệp gắn với phát triển giáo dục nghề nghiệp, cùng với định hướng áp dụng KNST đối với thế hệ HSSV trong tình hình mới như hiện nay. Theo ông, “tính chuyên nghiệp ở khả năng đổi mới sáng tạo phải tích hợp tất cả ở những nội dung – khởi nghiệp sáng tạo, liên kết doanh nghiệp, phát triển giáo dục nghề nghiệp. Tôi đề nghị trong thời gian tới Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia cùng với các trường Đại học, Cao đẳng, các trường dạy nghề trong cả nước xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Xây dựng nên một hệ giáo trình trong từng bài giảng”.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cùng tham gia thảo luận chung về các vấn đề: nâng cao năng lực cạnh tranh cho HSSV thông qua mô hình giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, gắn kết đào tạo và sử dụng lao động từ những yếu tố nên tảng, thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp, tăng cường kết nối cung-cầu, ứng dụng công nghệ số,...