Phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước với giao dịch từ 300 triệu đồng?

Huyền Văn
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng chống rửa tiền, quy định đối tượng áp dụng có trách nhiệm báo cáo khi khách hàng thực hiện giao dịch có tổng giá trị từ 300 triệu đồng trở lên.

Luật Phòng chống rửa tiền năm 2022 được Quốc hội khóa XV thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2022 thay thế cho Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012. Trong đó, Khoản 2 Điều 25 Luật Phòng chống rửa tiền năm 2022 quy định: Thủ tướng Chính phủ quyết định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

nlntv-anh-11-1670315235.jpg
Giao dịch ngân hàng (Ảnh minh họa)

Việc xây dựng quyết định nhằm hướng dẫn chi tiết mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo theo quy định, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống rửa tiền; phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về phòng chống rửa tiền mà Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm rửa tiền và công tác phòng chống tội phạm.

Mức giá trị giao dịch phải báo cáo quy định tại dự thảo được giữ nguyên theo Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg là 300.000.000. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), việc giữ nguyên mức giá trị này xuất phát từ những lý do sau:

- Căn cứ vào quá trình triển khai Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg thời gian qua và tình hình kinh tế, xã hội của Việt Nam, việc giữ mức giá trị giao dịch bằng tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt một hoặc nhiều lần trong một ngày của khách hàng là 300.000.000 là phù hợp

Bên cạnh đó, theo khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) thì ngưỡng giá trị giao dịch phải báo cáo được khuyến nghị là 15.000 USD (tương đương 375.000.000 đồng) cao hơn mức quy định tại dự thảo Quyết định. Tuy nhiên, nếu tăng mức giao dịch phải báo cáo lên 400.000.000 thì sẽ cao hơn ngưỡng của giá trị giao dịch phải báo cáo của FATF.

Lâm An ( T/H )