Nữ dược sĩ dân tộc Chăm góp sức bảo tồn nét đẹp truyền thống

Lương Đàm
Ngoài vai trò là nhân viên ở Trạm Y tế xã, chị Wa Hi Da Bi Vi (37 tuổi, dân tộc Chăm, ngụ xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) còn được biết đến là người truyền cảm hứng góp phần bảo tồn nét văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.
duoc-si-171223-1702777934.jpg
Chị Wa Hi Da Bi Vi là một trong những người nhận được sự tín nhiệm cao của cộng đồng.

Nhiều năm qua, chị Vi đã duy trì Đội múa dân tộc Chăm và đồng hành cùng các bạn trẻ để góp phần bảo tồn những điệu múa Chăm, đưa những điệu múa này đến với mọi người thông qua các lễ hội, sự kiện trên địa bàn.

Chị Vi cho biết, cứ mỗi buổi tối cuối tuần, chị lại cùng khoảng 20 em thiếu niên trong xóm tập trung về Nhà văn hóa dân tộc Chăm để tập luyện. Thời gian đầu, nhiều em thấy khó, không tập trung vào các điệu múa được nên nản chí và từ bỏ. Nhưng với sự kiên trì, nhẫn nại, chị Vi đã thuyết phục các em quay trở lại luyện tập.

Em Pha Ti Hah (14 tuổi, dân tộc Chăm, ngụ xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) cho biết "khi mới tập luyện, cơ thể em còn cứng nhắc, khó hòa nhập được với điệu múa, nhưng cô Vi đã kiên nhẫn, chỉ bảo tận tình và cùng em luyện tập; đến nay em đã có thể múa thành thạo nhiều điệu múa của dân tộc mình. Cô Vi chính là người truyền cảm hứng cho em và các thành viên trong nhóm để chúng em thêm yêu điệu múa này".

Theo chị Vi, vì những điệu múa của đồng bào Chăm đã có từ xa xưa, nên để những điệu múa đúng, chuẩn, ngoài việc truyền lại những gì đã được dạy, chị luôn chủ động học hỏi thêm từ những phụ nữ cao tuổi, có kinh nghiệm trong xóm. Bên cạnh đó, chị còn tự sáng tác nhiều điệu múa mới mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm để đội múa tập luyện và trình diễn. Điều này được mọi người trong cộng đồng rất ủng hộ.

“Điểm đặc biệt nhất của các điệu múa Chăm là múa tay, múa khăn, là sự uyển chuyển của cơ thể. Tôi mong muốn các bạn trẻ có thể học và lưu giữ được những điệu múa này góp phần bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của người Chăm trong bối cảnh hội nhập kinh tế như hiện nay”, chị Vi chia sẻ.

duoc-si2-171223-1702777934.jpg
Chị Wa Hi Da Bi Vi tuyên truyền phòng chống bệnh tay chân miệng cho đồng bào dân tộc Chăm tại xã Xuân Hưng (Xuân Lộc, Đồng Nai). 

Để giữ niềm đam mê cho các bạn trẻ, mỗi khi ở địa phương tổ chức lễ hội hay sự kiện, chị Vi luôn chủ động đăng ký cho đội múa biểu diễn các bài múa truyền thống của dân tộc Chăm. Đến nay, thành viên trong đội múa thường xuyên góp mặt ở những chương trình văn nghệ của địa phương.

Ngoài ra, trong các dịp lễ hội hay khi tham gia các chương trình tuyên dương, khen thưởng, chị Vi luôn tự hào khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của dân tộc Chăm và cũng vận động các thành viên mặc trang phục của dân tộc mình. Thông qua việc này, chị Vi muốn truyền thông điệp đến các em nhỏ người Chăm hãy luôn tự hào về trang phục của dân tộc mình. Đó là nét đẹp riêng có của mỗi dân tộc, cần được bảo vệ, gìn giữ.

Đang là dược sĩ công tác tại Trạm Y tế xã Xuân Hưng và là Phó Bí thư Chi bộ ấp 4, chị Vi luôn nhận được sự tín nhiệm của người dân trong cộng đồng. Với trách nhiệm trong công việc, chị đã tư vấn, động viên bà con trong khu vực chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.

Chị Vi cho biết, trong quá trình làm việc, chị nhận thấy còn rất nhiều bà con khi mắc bệnh thường chủ quan, tự ý đi ra hiệu thuốc mua thuốc về uống mà không đi khám khiến bệnh trở nặng, nguy hiểm. Vì vậy chị đã kiên trì tư vấn cho bà con những dấu hiệu nhận biết nhiều loại bệnh cũng như tác hại của việc tự ý điều trị bệnh ở nhà để bà con chủ động đi khám và chăm sóc sức khỏe.

Bác sĩ Bùi Thị Kim Oanh, Trưởng trạm Y tế xã Xuân Hưng cho biết, Wa Hi Da Bi Vi đã có gần 14 năm công tác tại Trạm, là người rất nhiệt tình, năng nổ trong công việc. Với việc thường xuyên tiếp xúc, gần gũi người dân trong xã, Vi đã giúp bà con nhận biết được tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe, lưu tâm đến việc giữ gìn vệ sinh môi trường trong gia đình và khu vực xung quanh nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh.

Ngoài ra, chị Vi rất quan tâm đến công tác khuyến học. Tại khu vực chị sinh sống thường do điều kiện kinh tế khó khăn nên nhiều trẻ em chỉ được học để biết mặt chữ rồi nghỉ học phụ cha mẹ làm nông hoặc đi làm phụ giúp gia đình. Chị Vi đã kiên trì gặp gỡ phụ huynh các em để chia sẻ những câu chuyện của chính mình và khuyên họ nên cố gắng cho con được tiếp tục đến trường. Nhờ vậy đến nay, việc học của các em nhỏ ngày càng được quan tâm và đã có những em đang học ngành Y, nhiều em tham gia các chương trình đào tạo nghề.

duoc-si3-171223-1702777934.jpg
Chị Wa Hi Da Bi Vi (áo hồng) hướng dẫn các em gái điệu múa Chăm. 

Bà Trịnh Thị Ngọc Thúy, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hưng cho biết, Wa Hi Da Bi Vi là đảng viên rất gương mẫu tại địa phương. Ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, Vi còn tham gia rất nhiệt tình những hoạt động góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Chăm. Cụ thể, Vi đã xây dựng và dẫn dắt rất tốt đội múa dân tộc Chăm, thường xuyên tham gia các hội thi do tỉnh, huyện, xã tổ chức và đạt nhiều giải cao, góp phần gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của người Chăm. Nhờ đó, thế hệ trẻ của xã Xuân Hưng ngày càng hiểu rõ và lưu giữ được những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.

Với những đóng góp trên, mới đây, chị Wa Hi Da Bi Vi đã được UBND tỉnh Đồng Nai tặng Bằng khen người dân tộc thiểu số tiêu biểu toàn tỉnh.