Làng thêu Quất Động - Nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam

Chỉ bằng một cây kim, một sợi chỉ, một miếng vải người thợ thêu Quất Động có thể làm ra những mảng hoa văn mềm mại, đan xen kỳ lạ không nghệ thuật nào làm được.
lang-theu-quat-dong-7-16639955372421129607307-1683770337.jpg
Nghề thêu truyền thống mang đậm tâm hồn người Việt

Làng Quất Động, huyện Thường Tín, nổi tiếng với nghề thêu ren có từ thế kỷ 17. Theo ghi chép ở đình Ngũ Xã Quất Động và đền Tú Thị Hà Nội, ông tổ nghề thêu Quất Động cũng như nghề thêu chung của ba miền Bắc-Trung-Nam là tiến sĩ Lê Công Hành, tên thật là Trần Quốc Khái. Ông sinh ngày 12 tháng Giêng âm lịch năm 1606 tại làng Quất Động, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam.

Năm 1637, khoa Đinh Sửu niên hiệu Dương Hòa thứ ba đời vua Lê Thần Tông, ông đỗ tiến sĩ và làm quan dưới triều Lê. Năm 1646, ông đi sứ nhà Minh. Trong thời gian này, ông đã học được cách thêu lọng của người Trung Quốc rồi về dạy lại cho người dân quê hương. Cảm ân đức của tiến sĩ, nhiều nơi lấy ngày mất của ông (12 tháng Sáu âm lịch năm 1961) làm ngày giỗ tổ nghề thêu. Ở Quất Động nghề thêu bằng phương pháp thủ công vẫn là nghề chủ yếu sau nghề nông và cung cấp công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Người Quất Động rất yêu nghề thêu, những lúc nghỉ ngơi hay nông nhàn đều ngồi thêu ren. Nhà nào cũng có khung thêu. Nhiều gia đình có tới dăm, bảy đời làm nghề này. Từ nhỏ, các bé gái đã được cha mẹ cho những chiếc khung thêu hình tròn xinh xắn, mấy cái đê, kim khâu, vải vụn và kéo con để tỷ mẩn học thêu. Lớn lên, nhiều người đã trở thành thợ thêu chuyên nghiệp, nghệ nhân tầm cỡ.

Khi xem các nghệ nhân thêu Quất Động, nhiều người phải thán phục nghề thêu Quất Động là một nghệ thuật tuyệt vời, biết biến những chất liệu đơn giản và dễ tìm ai cũng có, và chỉ bằng một cây kim, một sợi chỉ, một miếng vải cho ra những mảng hoa văn mềm mại, đan xen kỳ lạ không nghệ thuật nào làm được.

Theo các nghệ nhân thì ai cũng có thể đến với nghề thêu nếu yêu thêu và trận trọng nghề thêu. Để thêu cần phải có ít nhất một bộ khung thêu bằng tre hoặc gỗ hình chữ nhật, với hai thanh dọc cố định cỡ vải và hai thanh ngang điều chỉnh khổ vải bằng chốt. Một số tấm vải bông hoặc lụa để căng trên khung thêu và buộc mép vào thành khung, vải căng phải phẳng mặt nếu không khi thêu các mũi chỉ sẽ không đều. Chỉ thêu là sợi tơ tằm nhuộm màu, với một số đồ thờ cúng dùng thêm chỉ thêu kim tuyến màu vàng và ngân tuyến ánh bạc.

Đầu tiên phải vẽ phác thảo trên vải bằng bút chì nhằm định hướng sau này sẽ thêu cái gì, nhưng trong quá trình thêu có thể tùy ý ngẫu tác theo cảm hứng và ngoại cảnh. Tùy đề tài, chủng loại mà sản phẩm thêu sẽ có ít hay nhiều màu sắc. Những đồ dân dụng hàng ngày như chăn, màn, gối, nệm, khăn, áo cô dâu thường dùng chỉ trắng. Tranh thủy mặc hay chủ đề đơn giản dùng màu đơn sắc như xanh lơ, xanh nước biển, hồng nhạt... Đa số tranh dân gian do cần phản ánh sự sinh động, đa dạng nên màu sắc rực rỡ hơn và nhiều khi hội đủ năm màu dương, lam, đỏ, tím, vàng.

lang-theu-quat-dong-5-16639952929521145003387-1683770314.jpg
Một tác phẩm của làng nghề Quất Động

Họa tiết thường là những cây cỏ, con vật đẹp, quý hiếm như tùng, trúc, cúc, mai, lan, đào, hải đường, mẫu đơn, ong, bướm, rồng phượng, hổ báo, rùa hạc, oanh, yến... cùng cảnh dân dã như đàn gà vịt, lợn, bò; người làm đồng, cấy cày, sàng sảy, đánh cá, dệt vải; cây đa, bến nước, con thuyền, danh lam thắng cảnh như chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn, đình Hồng Thái, quần thể kiến trúc Cố đô Huế, vịnh Hạ Long... và cảnh tây phương như rừng lá đỏ, suối thác với bầy chim thú bay nhảy...

Kỹ thuật thêu gồm thêu nối đầu, chăng chặn, đâm xô, thụt lùi, bó bạt, đột, thắt gút, khốn vảy, độn nổi, kim tuyến... trong đó thêu độn nổi và kim tuyến công phu nhất, đòi hỏi sợi chỉ phải kín, thẳng; đường lượn mềm mại, hình khối rõ nét, hình thức phải cân đối, sáng tươi, gần gũi với cuộc sống...

Để thêu đẹp, cuốn hút thì ngoài yếu tố kỹ thuật, những hiểu biết căn bản, những người thợ thêu Quất Động còn có một tâm hồn nhạy cảm, bao dung, kiên trì thì mới miêu tả được vẻ đẹp tinh tế, phóng thoáng của cảnh vật. Ở họ còn có đôi bàn tay khéo léo, với độ cảm nhận phi thường ở đầu ngón tay cùng ánh mắt tinh nhanh dễ dàng phân biệt từng đường kim, mũi chỉ, phối hợp màu sắc, hình mảng linh hoạt cũng như khả năng hình dung trước được kết quả. Mỗi cử động của họ đều nhanh, gọn, nhẹ nhàng. Cũng vì vậy, vẻ đẹp của các cô gái bên khung thêu luôn hớp hồn du khách.

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, một làng nghề thêu tranh như Quất Động phát triển được không phải là chuyện dễ dàng. Để làm được điều đó, Quất Động đã biết cách kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố truyền thống với hiện đại, làm hồi sinh một dòng tranh nổi tiếng, một làng nghề tưởng chừng như chỉ còn trong những câu chuyện huyền thoại.

TW Hội Khoa học Phát triển nguồn Nhân lực - Nhân tài Việt Nam sưu tầm