Nồng ấm tình đồng bào Việt nơi đất Thái

Làng Noọng Ôn (xã Xiêng Phin, huyện Mương, tỉnh Udonthani, Thái Lan), nơi ấy mùa thu năm 1928 có một con người đặc biệt của Việt Nam đến và hoạt động cách mạng dưới cái tên Thầu Chín. Nơi ấy giờ đã trở thành khu di tích, là điểm đến không thể thiếu của những người Việt khi đến Thái Lan.
nong-am-tinh-dong-bao-viet-noi-dat-thai-01-1652859916.jpg
Những vật dụng sinh hoạt của Bác Hồ được lưu giữ trong nhà lưu niệm.

Những ngày cuối năm, chúng tôi cũng đến làng Noọng Ôn và cảm nhận được những tình cảm tốt đẹp của những đồng bào trên đất Thái.

Tiếp chúng tôi, Bà Nguyễn Thị Xuân Oanh (68 tuổi) trong nhà lưu niệm về Bác Hồ này cho biết, tất cả những vật dụng trưng bày này đều do những người phụ trách xây dựng tìm kiếm, sưu tầm từ những nhà dân trong vùng khi họ còn giữ lại.

nong-am-tinh-dong-bao-viet-noi-dat-thai-02-1652859916.jpg
Chiếc phản nơi Bác dạy học và tuyên truyền cách mạng cho người Việt tại Thái Lan.

Lúc chúng tôi đến, những kiều bào hân hoan đón chào. Nhiều người thực sự khiến chúng tôi cảm động bởi tình cảm, tiếng nói của nước Việt vẫn hiện hữu nơi này. Từng người, từng người một bắt tay thật chặt, như muốn truyền cho nhau những hơi ấm của quê nhà, truyền cho nhau niềm tin tưởng và cả tình cảm không bao giờ xa cách của máu thịt quê hương.

Trong căn nhà nhỏ, những đồ đạc, dụng cụ lao động thời kỳ Bác sống nơi đây được tìm kiếm, lưu giữ lại và bây giờ để trưng bày, để những thế hệ sau khi tìm đến đây hiểu thêm về cuộc sống của người trong những ngày hoạt động cách mạng đầy khó khăn. Một số đồ dùng được làm mới nhưng hình dáng, chất liệu vẫn giống như gần một thế kỷ trước.

nong-am-tinh-dong-bao-viet-noi-dat-thai-03-1652859916.jpg
Những ngày ở Thái Lan, Bác làm nhiều công việc trong đó có nghề thợ mộc, những đồ nghề của Bác vẫn được lưu giữ tại đây.

Những ngày tháng ở làng Nọng Ôn, Bác Hồ đã được bà con Việt Kiều và nhân dân Thái Lan đùm bọc. Thầu Chín sống và sinh hoạt như mọi người, cùng đào giếng, vỡ đất làm vườn trồng rau, chăn nuôi lợn gà. Tác phong giản dị trong cuộc sống và sinh hoạt của Người đã cổ vũ tinh thần yêu nước trong kiều bào và gây dựng tình cảm thân thiết hơn của nhân dân Thái Lan đối với Bác và cách mạng Việt Nam. Chính vì vậy Nguyễn Ái Quốc đã được bà con người Việt, người Xiêm trong làng, trong xã yêu mến, che chở, giúp đỡ, đùm bọc.

nong-am-tinh-dong-bao-viet-noi-dat-thai-04-1652859916.jpg
Phòng ngủ của Bác tại khu lưu niệm.

Mỗi lần có đoàn du khách từ Việt Nam sang thăm, những kiều bào ở đây lại diện trang phục truyền thống, có mặt ở khu di tích từ rất sớm để đón những người thân của mình. Điều đó đã khiến mọi người vô cùng xúc động. Các đoàn khách không khỏi ngạc nhiên khi bà con Kiều bào đón tiếp rất trang trọng với những tà áo dài truyền thống cùng những ấm nước chè xanh mời khách tới thăm khiến các thành viên trong đoàn cảm thấy ấm áp tình đồng hương, hào hứng giao lưu, nói chuyện, kể về quê hương đất nước với bà con kiều bào.

Nơi bản nhỏ của Thái Lan từng trở thành điểm hoạt động cách mạng của Bác Hồ, và giờ đây nơi ấy lại trở thành điểm cho những người con nước Việt tìm đến nhau vui tình đồng bào.

nong-am-tinh-dong-bao-viet-noi-dat-thai-05-1652859917.jpg
Ngôi nhà nơi Bác ở những ngày làm việc và hoạt động cách mạng tại Thái Lan.

Một ngày ở khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Noọng Ôn, rất nhiều kỷ niệm đã được khơi dậy. Nơi đó không chỉ là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho hệ trẻ và bà con Việt kiều, mà nơi đó còn là nơi để những người con nước Việt tìm đến chia sẻ cùng nhau niềm tự hào về một lãnh tụ, là nơi mọi người quan tâm đến nhau, cùng nhau sống trong tình đồng bào ở nơi đất khách quê người với tinh thần tương thân tương ái, với sự đoàn kết đùm bọc, yêu thương như trong một gia đình.

Nhuận Mẫn – Đức Huấn