Những nỗi đau khôn nguôi
Đã gần 4 năm trôi qua, tai nạn lao động vẫn để lại những nỗi ám ảnh và mất mát cả về thể chất lẫn tinh thần đối với anh Trần Văn Bảo (công nhân một Công ty ở Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, Hà Nội).
Gặp anh Bảo tại nhà trọ ở xã Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội trong Tháng Công nhân, Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động, anh kể lại, năm 2018, trong quá trình vệ sinh máy cuốn thép, do sơ suất, trục máy vẫn tiếp tục hoạt động nên cuốn theo cả hai bàn tay của anh vào máy.
Sự cố đã khiến tay anh bị thương nặng, tỷ lệ thương tật 57%. Mặc dù đã được phẫu thuật nối gân, nhưng đến nay đôi bàn tay anh vẫn khó cử động. Thời gian đầu, anh buồn nản, mặc cảm, định trở về quê, từ bỏ cuộc đời công nhân. May mắn được sự hỗ trợ, động viên của Công ty, anh Bảo tiếp tục kiên trì điều trị để ổn định dần sức khỏe.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Tằm (công nhân của Công ty Cổ phần Bê tông và Xây dựng Minh Đức) cũng chưa nguôi mất mát, buồn đau sau gần 2 năm gặp tai nạn lao động. Theo lời kể của chị Tằm, vào thời điểm tháng 8/2020, trong khi đang làm việc, xích xe cẩu bị đứt khiến cho dầm bê tông rơi vào người chị, làm gãy ngang sống lưng, dẫn đến liệt nửa người.
Hội đồng giám định y khoa xác định tỉ lệ tổn thương của chị Tằm là 91%, từ đó, chị không thể tự sinh hoạt hằng ngày, phải nhờ vào sự giúp đỡ của mẹ già, nếp sinh hoạt và cuộc sống hoàn toàn xáo trộn.
Còn với chị Bùi Thị Hiền (công nhân Công ty Cổ Kim khí Thăng Long) thì mặc dù tai nạn lao động xảy đến với chị từ năm 2013, nhưng giờ đây, cứ mỗi lần nghe tin có vụ tai nạn lao động, chị lại liên tưởng đến những ngày đầu mình gặp sự cố và nước mắt cứ thế trào ra, những đau thương mất mát lại dội về nguyên vẹn. “Đó là một buổi làm việc sau bữa ăn ca, tôi trở lại vị trí tại xưởng đột dập.
Trong lúc đưa tay vào lấy hàng, máy bất ngờ dập xuống khiến tay trái bị đứt, nát chỉ còn lại 1 ngón; còn tay phải dập nát. Bác sĩ phải cắt hết cơ co, cơ duỗi của tay phải, đóng vào mấy cái đinh mới cứu được 1 bàn tay cho tôi”, chị Hiền kể. Với tỷ lệ thương tật 51%, sau tai nạn, chị Hiền từng tuyệt vọng, mặc cảm không muốn tiếp xúc với ai.
“Nhiều lúc lẩn thẩn cứ giơ tay ra đếm, rồi lại tự hỏi mình rằng mất đâu mấy ngón tay rồi?”, chị Hiền ngậm ngùi nói. Dù không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng tai nạn này cũng để lại nỗi đau tinh thần, thể chất không bao giờ nguôi đối với chị Hiền. Trải qua quá trình điều trị đầy gian nan, hiện tại chị Hiền đã được công ty hỗ trợ việc làm phù hợp với tình hình sức khỏe.
Cũng một câu chuyện buồn vì tai nạn lao động khác là của chị Trần Thái Hà - công nhân Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội. Gặp chị Hà tại lễ phát động Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động của thành phố Hà Nội mới đây, chị chia sẻ: “Tôi bị tai nạn lao động từ tháng 10/2021 từ đó chân không được lành lặn, đi lại vô cùng khó khăn. Tôi may mắn khi đã nhận được sự quan tâm, động viên kịp thời của Công ty cũng như tổ chức Công đoàn nên cũng phần nào quên đi được những nỗi buồn đau, mặc cảm.
Tai nạn lao động vẫn là rủi ro không ai mong muốn, vì thế tôi mong rằng, trong thời gian tới tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp sẽ quan tâm hơn nữa, có nhiều biện pháp giảm thiểu rủi ro, bảo vệ môi trường làm việc an toàn cho công nhân lao động để đẩy lùi những yếu tố nguy hiểm đối với người lao động”- chị Hà nói.
Hai bên đều thiệt hại
Trên đây chỉ là một vài câu chuyện buồn của những người từng bị tai nạn lao động. Theo các cơ quan chức năng, năm 2021 vừa qua, tai nạn lao động mặc dù có xu hướng giảm nhưng vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, năm 2021, toàn quốc đã xảy ra 6.504 vụ tai nạn lao động làm 6.658 người bị nạn, trong đó có 786 người chết. Dù số lượng giảm hơn so với năm 2020 nhưng vẫn có một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết người và bị thương nhiều người tại các địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nghệ An, Hải Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Hà Nam, Bình Phước.
Các vụ tai nạn chủ yếu xảy ra trong các lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, điện tử. Tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản gần 4 nghìn tỷ đồng và hơn 116 nghìn ngày công.
Tại Hà Nội, báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, qua số liệu thống kê của các địa phương, cơ sở, doanh nghiệp và qua quá trình điều tra tai nạn lao động, năm 2021, trên địa bàn Thành phố xảy ra 275 vụ tai nạn lao động làm 298 người lao động bị nạn.
Các vụ tai nạn chủ yếu vẫn là tai nạn ngã cao, vật rơi từ trên cao trong ngành Xây dựng (chiếm 45,6%), sản xuất lắp ráp cơ khí (chiếm 21%), lắp ráp linh kiện (chiếm 15%), khác (chiếm 16%). Nạn nhân của các vụ tai nạn lao động hầu hết là lao động phổ thông, ký hợp đồng thời hạn dưới 1 tháng, không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc...
Về nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động, theo cơ quan chức năng, chủ yếu vẫn là do vi phạm các tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật, quy trình về an toàn lao động. Một số cơ sở, doanh nghiệp sản xuất chưa quan tâm, tập trung về công tác an toàn vệ sinh lao động đối với người lao động.
Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh không đạt tiêu chuẩn về nhiệt, tiếng ồn, khí hơi độc do sử dụng các thiết bị, máy móc cũ, lạc hậu, không đảm bảo an toàn, các phương tiện bảo hộ lao động còn mang tính hình thức, đối phó.
Cùng với đó, nhận thức của một bộ phận người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn hạn chế, chưa đầy đủ hoặc thiếu kiến thức về an toàn vệ sinh lao động cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động.
Những nguyên nhân trên dẫn đến hậu quả của tai nạn lao động vô cùng nặng nề, không thể đo đếm hết được. Về phía chủ sử dụng lao động, doanh nghiệp sẽ thiệt hại không nhỏ về chi phí y tế, bồi thường, trợ cấp cho người lao động.
Mặt khác, uy tín của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng, hoạt động sản xuất kinh doanh có thể bị gián đoạn. Song thiệt thòi nhất là phía người lao động, họ là những người trực tiếp chịu nỗi đau về thể xác, nguy hiểm tính mạng, sức khỏe và khả năng làm việc.
Cuộc sống gia đình người lao động bị đảo lộn, tài chính kiệt quệ, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần vì chi phí điều trị tai nạn và bệnh tật. Điều này đặt ra yêu cầu bức thiết, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý Nhà nước, sự chung tay của cả người sử dụng lao động và người lao động để tạo lập một môi trường lao động an toàn, hiệu quả.
Chủ động phòng ngừa các nguy cơ rủi ro
Nhận thấy trách nhiệm mang đến sự an toàn cho người lao động, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã có ý thức cao hơn về vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn lao động.
Ông Phạm Hữu Hùng (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Kim khí Thăng Long) cho biết, sau tai nạn của chị Hiền, Công ty đã đánh giá khả năng nguy cơ, khả năng rủi ro dẫn đến mất an toàn lao động, cải tiến kĩ thuật để công nhân được làm việc an toàn. Do vậy các năm tiếp theo, Công ty đã không còn trường hợp đáng tiếc nào xảy ra nữa.
Dưới góc độ chuyên gia, ông Tạ Văn Dưỡng - Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật và Quan hệ lao động Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho rằng, để giảm thiểu tai nạn lao động, các doanh nghiệp phải chủ động phòng ngừa các nguy cơ rủi ro.
Trong đó phải tăng cường công tác tập huấn an toàn cho người lao động, bảo đảm thời gian, điều kiện, chương trình tập huấn phù hợp. Đồng thời, doanh nghiệp phải tăng cường kiểm tra giám sát các lỗi vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân.
“Chỉ khi nào việc tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trở thành thói quen, kỹ năng làm việc, hành vi văn hóa trong doanh nghiệp thì khi đó công tác an toàn lao động mới được bảo đảm”, ông Tạ Văn Dưỡng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tạ Văn Dưỡng, cùng với doanh nghiệp, trách nhiệm của các cơ quan quản lý cần phải sát sao hơn trong việc kiểm tra, thanh tra nhằm nắm bắt việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động của doanh nghiệp đối với người lao động, như: Xây dựng nội quy lao động, thang bảng lương, thành lập tổ chức Công đoàn, xây dựng Thỏa ước lao động, việc ký kết hợp đồng lao động, thực hiện các chính sách về bảo hiểm đối với người lao động, trang bị bảo hộ lao động, chấp hành quy định về sử dụng thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, xây dựng môi trường làm việc tốt cho người lao động.../.