Nền kinh tế xanh là một khuôn khổ kinh tế lồng ghép các vấn đề về môi trường và tính bền vững vào tăng trưởng kinh tế. Nó nhằm mục đích tạo ra sự phát triển kinh tế và tạo việc làm đồng thời đảm bảo con người không làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên của hành tinh – vốn rất cần thiết cho sự sống còn của chúng ta. Cách tiếp cận này tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro môi trường và sự khan hiếm sinh thái.
Ở Việt Nam, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển kinh tế bền vững nói riêng đã được đề cập đến từ khá sớm. Ðảng, Nhà nước rất quan tâm thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Qua đó, ban hành nhiều chính sách định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư, chú trọng thu hút các dự án chất lượng cao. Quan điểm của Đảng, Nhà nước ở Việt Nam về kinh tế xanh hiện nay tập trung vào các vấn đề trong tâm như sau: về kinh tế, về môi trường và về xã hội.
Những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động và văn bản chỉ đạo điều hành về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường, trong đó văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định chủ trương “phát triển nhanh và bền vững” và phát triển kinh tế xanh: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.
Về thời cơ trong yêu cầu chuyển đổi theo định hướng phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam, đây là những yếu tố thuận lợi mang lại cả khách quan và chủ quan khi Việt Nam phát triển theo định hướng kinh tế xanh.
Với lợi thế nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa, có nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, năng lượng gió phong phú, sinh vật tăng trưởng nhanh là lợi thế sẵn có cho Việt Nam tham gia vào các chương trình mục tiêu thiên niên kỷ để hướng tới xây dựng một “nền kinh tế xanh” phát triển bền vững.
Mặt khác khi tham gia trong chuỗi phát triển kinh tế xanh của đất nước, yêu cầu các doanh nghiệp phải nâng cao nhận thức và xanh hóa các quy trình sản xuất trong quá trình phát triển mà doanh nghiệp đang tiến hành. Xanh hóa quy trình sản xuất sẽ trở thành nhu cầu tự thân của nhiều doanh nghiệp Việt Nam, phù hợp với xu hướng chung trên thế giới. Xanh hóa không có nghĩa là phải thay đổi dây chuyền sản xuất, nhiều khi chỉ cần doanh nghiệp có ý thức về việc áp dụng thêm các tiêu chí xanh trong chuỗi hoạt động của mình, điều chỉnh cách vận hành sản xuất, tăng tái sử dụng nguyên vật liệu, nước thải. Trong nhiều trường hợp, việc xanh hóa còn mang lại hiệu quả kinh tế cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Khi tham gia và chuỗi chiến lước định hướng kinh tế xanh, để đạt được mục tiêu Đảng, Nhà nước phải đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp cận và áp dụng mô hình nông nghiệp xanh, phát triển công nghiệp xanh, đầu tư vào năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường xanh. Các Chính sách, quy định mới được ban hành ngày một nhiều và tạo ra hành lang pháp lý, cũng như quy định ngày một chặt chẽ, logic và phù hợp hơn với thực tiễn, vơi yêu cầu về các chỉ số pháp lý, chỉ số xanh theo quy định của Liên Hợp quốc trên tất cả các lĩnh vực của sản xuất kinh tế.
Cơ hội rất lớn nữa cho Việt Nam khi tham gia vào quá trình phát triển kinh tế xanh đó là sự phát triển toàn diện nền kinh tế xanh, trong đó ngoài hành lang pháp lý được hoàn thiện, ngoài quy trình sản xuất của doanh nghiệp được xanh hóa, nên nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn ngày càng được quan tâm, chú trọng…thì đó là vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Muốn thực hiện thành công trong chiến lược chuyển đổi nền kinh tế theo định hướng kinh tế xanh, yếu tố mấu chốt và quyết định đó là nhân lực, trước hết là nguồn nhân lực ngày càng được chuẩn hóa và nâng cao chất lượng, nhận thức và am hiểu về vận hành nền kinh tế xanh, từ đó dần dần góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng nền kinh tế xanh của đất nước.
Ngoài ra, khi bàn về thời cơ trong quá trình chuyển đổi theo định hướng phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam mang lại đó chính là sự phát triển về khoa học công nghệ và sự ứng dụng công nghệ tiên tiến vào trong quá trình sản xuất. Chúng ta sẽ loại bỏ được những công nghệ cổ hủ, lạc hậu, công nghệ kém phát triển và tác động có hại đến môi trường. Điều này là một cơ hội lớn cho chúng ta có những quyết định táo bạo trong việc cập nhật công nghệ, tiên tiến, hiện đại trên thế giới vừa đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường xanh, vừa đảm bảo yêu cầu trong quá trình sản xuất kinh doanh là mang lại hiệu quả, năng suất cao, tăng nhanh doanh thu cũng như thúc đẩy nhanh hơn quá trình phát triển kinh tế của đất nước.
Về thách thức hay những khó khăn trong quá trình chuyển đổi theo định hướng phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam
Trước hết, thách thức chúng ta phải nhìn nhận một cách trung thực nhất đó là: nhận thức, hiểu biết về kinh tế xanh còn khá mới mẻ, chưa thống nhất, thiếu đầy đủ và đồng thuận; công nghệ sản xuất trong nước vẫn còn lạc hậu, tiêu hao năng lượng lớn; tích lũy quốc gia ở ngưỡng nước thoát khỏi ngường nghèo cộng chính sách còn chưa rõ ràng nên việc cơ cấu kinh tế xanh cũng là thách thức không nhỏ cộng với việc thiếu đồng bộ và quy mô nhỏ lẻ trong chiến lược, quy hoạch phát triển theo hướng xanh…
Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp ở nước ta hiện nay, việc chuyển đổi và áp dụng các tiêu chí xanh đối với quy trình sản xuất của mỗi doanh nghiệp chính là thay đổi thói quen và nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người đối với việc bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, vốn và công nghệ cũng là thách thức lớn khi cần phải thay đổi cả dây chuyền sản xuất để đáp ứng và ứng dụng các tiêu chí xanh trong hoạt động của doanh nghiệp. Trong một số lĩnh vực như sản xuất tại làng nghề truyền thống, để chuyển đổi cả dây chuyền sản xuất lạc hậu, cũ kỹ với tư duy cố hữu sẽ khó khăn về vấn đề vốn, mặt bằng sản xuất. Để phát triển ngành công nghiệp xanh, cần có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước, đặc biệt là cho một số ngành kinh tế, hoặc một số thành phần kinh tế cần phải có công nghệ mới và vốn đầu tư. Và thách thức lớn nhất đặt ra lúc này chính là nguồn vốn.
Hơn nữa, những rào cản về môi trường, khí hậu trong thương mại quốc tế đã và sẽ được áp dụng ngày càng nhiều trên thế giới. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, nếu quá trình chuyển đổi xanh diễn ra càng chậm, doanh nghiệp càng mất đi cơ hội gia tăng xuất khẩu. Các quốc gia trên thế giới đã và sẽ đưa ra những rào cản về môi trường, về khí hậu.
Một thách thức lớn nữa trong quá trình chuyển đổi kinh tế xanh theo định hướng ở nước ta, đó là vướng mắc trong hệ thống pháp luật. Bởi đa số các quy định các yếu tố về mặt pháp lý vẫn còn đang trong thời kỳ chuyển đổi chưa đồng bộ, chưa thật phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và hướng tới tăng trưởng xanh. Hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý còn chia cắt chưa phù hợp với sự phát triển trong liên kết hội nhập, cần có những chỉnh sửa rất mạnh mẽ. Tài nguyên thiên nhiên bị suy thoái nghiêm trọng, một phần bị hủy hoại chính do phương thức tăng trưởng còn nặng theo chiều rộng, sử dụng năng lượng hóa thạch là nguyên liệu đầu vào, trong khi trình độ sử dụng công nghệ mới để giảm tiêu hao vật chất còn thấp, nhân lực chất lượng cao, am hiểu về kinh tế xanh còn quá thiếu thốn, dẫn đến việc hoạch định các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xanh ở nước ta còn nhiều bất cập và gặp nhiều vướng mắc trong quá trình xây dựng, tổ chức và triển khai.
Tóm lại, yêu cầu chuyển đổi theo định hướng phát triển nền kinh tế xanh ở Việt Nam hiện nay là tất yếu trong quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Để quá trình này diễn ra một cách bền vững và hiệu quả bên cạnh sự nhất quán trong các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì cần có sự tham gia chung tay của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và sự tham gia tích cực, chủ động của doanh nghiệp các lĩnh vực trên cả nước. Bên cạnh nhìn nhận, đánh giá và nắm bắt thời cơ, chúng ta cũng phải phân tích và đánh giá các mặt khó khăn, thách thức để đề ra các giải pháp hiệu quả nhất, thúc đẩy tiến trình xanh hóa, phát triển bền vững, toàn diện nền kinh tế của đất nước. Đưa Việt Nam nhanh chóng xây dựng được nền kinh tế xanh bền vững cùng với các quốc gia khác trên thế giới./.