Phát triển nông nghiệp hữu cơ - Hướng đi cho một tương lai bền vững

Võ Việt
Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống sản xuất nông nghiệp theo quy trình canh tác sạch, không sử dụng phân hóa học và các loại hóa chất phòng trừ sâu bệnh, cỏ dại trong suốt quá trình sản xuất. Các sản phẩm từ sản xuất nông nghiệp hữu cơ rất sạch, an toàn cho người tiêu dùng và góp phần bảo vệ nguồn nước sạch, bảo vệ môi trường sống trong lành.

Nhu cầu về thực phẩm sạch, an toàn ngày càng lớn là động lực thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển mạnh ở nhiều nước trên thế giới hiện nay, trong đó có Việt Nam. Theo Tổ chức Nông lương thế giới (Food and Agriculture Organization of the United Nations gọi tắt là FAO), chỉ cần giảm sử dụng các loại thuốc hóa học phòng trừ sâu bệnh và diệt cỏ dại, sẽ làm giảm được 3 triệu người mỗi năm trên thế giới này không mắc phải các bệnh tật nguy hiểm đến sức khỏe con người, nhất là bệnh ung thư đang gây chết người hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu điều trị.

nogn-nghiep-6-1709735469.jpg
Vùng trồng rau thuỷ canh tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng (Ảnh: Văn Long)

Đối với Việt Nam, lịch sử canh tác hữu cơ đã hình thành từ lâu, song do cơ chế chính sách và thị trường tiêu thụ, khả năng ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất hữu cơ còn hạn chế. Hơn nữa trong thời gian dài, Việt Nam chưa có tổ chức nông nghiệp hữu cơ, mãi đến năm 2012, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam mới ra đời.

Trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ không sử dụng các giống cây trồng biến đổi gen có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Những nơi nào có sản xuất nông nghiệp hữu cơ thì đất đai canh tác ở đó luôn luôn được cải tạo cả về mặt lý tính và hóa tính, đất đai màu mỡ hơn, hàm lượng dinh dưỡng trong đất được bảo toàn tốt hơn, khả năng giữ nước tốt hơn, cây trồng ít bị sâu bệnh hơn và sẽ là một nền sản xuất nông nghiệp bền vững nhất.

nong-nghiep-5-1709735469.jpg
Rau hữu cơ được thị trường chào đón mạnh những năm gần đây (Ảnh: Văn Long)

Những năm gần đây xuất hiện hiện tượng bùng nổ sản phẩm hữu cơ ở nhiều quốc gia khắp các châu lục với việc bán ra các sản phẩm hữu cơ ở châu Âu tăng gấp 2 đến 3 lần so với những năm đầu của thế kỷ 21. Ở Áo, Thụy Sĩ nông nghiệp hữu cơ chiếm 25 - 30% hệ thống sản xuất nông nghiệp. Còn ở Pháp, Mỹ, Nhật Bản và Singapore, tỷ lệ tăng trưởng của nông nghiệp hữu cơ bình quân 25%/năm. Tại châu Á, theo số liệu thống kê về nông nghiệp hữu cơ, cả châu Á có khoảng gần 1 triệu ha đất canh tác nông nghiệp hữu cơ. Một số nước xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nhiều như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Israel, Sri lanka và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, có thể sẽ gặp phải một số khó khăn, như: Người nông dân đã quá quen sử dụng các loại phân bón hóa học bón cho các loại cây trồng vừa nhanh, vừa gọn, vừa dễ thấy cây trồng tốt ngay sau đó lại cho năng suất cao, nên không dễ dàng bỏ không sử dụng các loại phân hóa học để bón cho cây trồng; Chi phí sản xuất ban đầu cao, sau đó mới giảm dần. Do quá trình sử dụng phân hóa kéo dài nhiều năm làm cho đất kém màu mỡ, hàm lượng dinh dưỡng tiềm tàng trong đất kém. Nếu bón phân hữu cơ thay phân hóa học về lâu về dài đất sẽ tốt hơn, mùn trong đất sẽ nhiều hơn, hàm lượng dinh dưỡng tiềm tàng trong đất lớn hơn, đất sẽ tốt hơn, năng suất cây trồng sẽ cao. Nhưng ngay từ 1 - 2 vụ sản xuất đầu tiên dù bón nhiều phân hữu cơ, chi phí sản xuất sẽ cao hơn do năng suất chưa cao ngay mà phải sau đó 1-2 vụ sản xuất chắc chắn năng suất cây trồng sẽ tăng nhanh.

Nguồn phân hữu cơ từ chăn nuôi trâu bò, lợn, gà ở một số địa phương không có nhiều như trước đây, do ruộng đất cơ bản được cơ giới hóa thay cho trâu bò cày kéo như ngày xưa. Vì vậy nhiều gia đình không còn nuôi trâu bò vừa để cày kéo, vừa để lấy phân bón cho cây trồng.

nong-nghiep-4-1709735647.jpg
Những nhà vườn làm nông nghiệp hữu cơ kết hợp với du lịch canh nông (Ảnh: Văn Long)

Hệ thống đánh giá, kiểm định chất lượng để cấp chứng chỉ cho sản phẩm hữu cơ còn quá thiếu, nhất là ở cấp tỉnh hầu như chưa có. Vì vậy khi có vấn đề gì xảy ra hay cần đánh giá kiểm tra chất lượng sản phẩm hữu cơ phải gửi ra một số Trung tâm kiểm nghiệm hoặc Viện khoa học để kiểm tra chất lượng. Do đó những sản phẩm nói là rau quả sạch, lúa gạo sạch, thịt cá sạch được sản xuất ở các địa phương không được người tiêu dùng tin vì thiếu chứng chỉ kiểm định chất lượng.

Trên cơ sở các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, định hướng lớn trong Chiến lược phát triển ngành nông nghiệp và tình hình thực tiễn, đồng thời trong xu thế hội nhập trong kinh tế nông nghiệp, Việt Nam cần có những bước đi mới và có tầm nhìn để chuyển đổi sang hệ thống lương thực thực phẩm xanh, ít phát thải và bền vững thì cần có những giải pháp như sau:

Thứ nhất, đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, từ khâu đầu tư nghiên cứu chọn tạo giống đến quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để có sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đặc biệt là đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế phục vụ trong nước và xuất khẩu.

nong-nghiep-3-1709735469.jpg
Trông rau thuỷ canh trên ống trụ tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng (Ảnh: Văn Long)

Thứ hai, để có nguồn vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh, ngành nông nghiệp cần chú trọng huy động các nguồn lực xã hội, nhất là từ doanh nghiệp cho thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh. Tăng cường hợp tác quốc tế để kêu gọi hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ nhằm đưa nông nghiệp Việt Nam thành hình mẫu về phát triển nông nghiệp xanh, carbon thấp, an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi nông sản toàn cầu.

Thứ ba, về khoa học, công nghệ, cần tập trung nâng cao kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho dân thông qua mạng lưới khuyến nông, giúp dân chủ động trong sản xuất dựa trên những kiến thức của bản thân; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học mới vào sản xuất.

Thứ tư, để giải quyết vấn đề thị trường cho nông dân trong việc tiêu thụ nông sản hàng hóa, các địa phương cần tạo dựng những vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn, được chuẩn hóa với những quy trình canh tác chặt chẽ; đồng thời chuyển đổi số để khớp nối thông tin giữa sản xuất và tiêu thụ, qua đó truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Đây chính là yếu tố hàng đầu để định vị một nền nông nghiệp xanh.

Thứ năm, sản xuất nông nghiệp có tính rủi ro cao do những tác động của các yếu tố thời tiết, khí hậu, vì vậy để giảm thiểu rủi ro, cần có chính sách về bảo hiểm cho nông nghiệp. Đây là một lĩnh vực mới đối với cả nông dân và các tổ chức bảo hiểm, nên Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các tổ chức thực hiện bảo hiểm nông nghiệp.

Minh Hòa