Những lưu ý để giảm biến chứng khi dịch sốt xuất huyết vào cao điểm

Đây là giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết ở miền Bắc, đã xuất hiện các ca biến chứng, trở nặng và tử vong.
nlntv-sot-xuat-huyet-1661609013.jpeg
Ảnh minh hoạ Internet

Khi theo dõi sốt xuất huyết, cần lưu ý điều gì?

Theo TS.BS Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, miền Bắc đang trong giai đoạn cao điểm của dịch sốt xuất huyết.

Tuy nhiên, hiện vẫn có bộ phận người dân còn nhầm lẫn giữa cúm và sốt xuất huyết hay sốt xuất huyết với Covid-19, do đó khi vào viện đã trong tình trạng nguy kịch. Trong bối cảnh dịch chồng dịch như hiện nay, người dân khi có bất kỳ triệu chứng như sốt, ho, đau mỏi người thì nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán.

Các ca sốt xuất huyết tăng cao so đầu tháng 8, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị gần 30 ca, trong đó có nhiều ca nặng.

Tuần trước, khoa tiếp nhận 4 bệnh nhân nặng, trong đó một ca tử vong sau khi chuyển viện, 3 ca đã thoát nguy kịch và chuyển điều trị tại khoa khác.

Được biết, ca tử vong là nam thanh niên vào viện ở ngày thứ 6 của bệnh. Khi được chuyển vào khoa Cấp cứu, bệnh nhân đã có dấu hiệu suy hô hấp, xuất huyết trong cơ, thoát dịch, rối loạn chuyển máu nặng, suy đa tạng. Dù đã đặt ống nội khí quản, thở máy nhưng bệnh nhân tiên lượng nguy kịch, chuyển viện khác và tử vong sau đó.

Hiện khoa đang điều trị 2 ca sốt xuất huyết có địa chỉ ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng nguy kịch, phải lọc máu, thở máy, trong đó một ca có tiên lượng dè dặt.

Biểu hiện sốt xuất huyết thường trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, các triệu chứng bệnh thường rất khó phân biệt với các loại sốt virus thông thường, thường biểu hiện sốt cao, đột ngột 39 – 40 o C trong 1 hoặc 2 ngày đầu.

Sau đó bệnh chuyển sang giai đoạn 2, tức từ ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7 kể từ khi bị sốt, các triệu chứng nặng của bệnh bắt đầu được nhận thấy như xuất huyết dưới da (ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong của cánh tay, bụng, đùi), chảy máu cam, chảy máu chân răng, thậm chí xuất huyết nội tạng (đái máu hoặc rong kinh, kinh nguyệt kéo dài ở phụ nữ).

Bệnh chuyển sang giai đoạn 3, đó là giai đoạn hồi phục (người bệnh hết sốt và thể trạng bắt đầu tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động bắt đầu ổn định và người bệnh đi tiểu nhiều, các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường). Tuy vậy, những bệnh nhân nặng, từ giai đoạn này sẽ xuất hiện biến chứng diễn tiến rất khó lường.

Chính vì vậy, BS. Hùng lưu ý sốt xuất huyết Dengue diễn biến nặng thường bắt đầu từ ngày thứ 4, 5 trở đi, không phải thấy hết sốt mà chủ quan.

Lưu ý truyền nước và thuốc hạ sốt với bệnh nhân sốt xuất huyết

Theo BS. Hùng, lựa chọn tốt nhất để điều trị các triệu chứng đau đầu, hạ sốt là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10-15 mg/kg/lần, tức là người 40kg uống 1 viên 500mg/lần còn người trên 70kg uống 2 viên/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ, tổng liều không vượt quá 60 mg/kg/24h.

Tuyệt đối không được sử dụng aspirin, ibuprofen để điều trị sốt xuất huyết do thuốc làm trầm trọng thêm tình trạng chảy máu, tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày, đe dọa đến tính mạng.

Về vấn đề bù dịch cho bệnh nhân sốt xuất huyết, lưu ý việc bù đủ lượng dịch cơ thể rất cần nhưng bằng dịch nào, theo cách nào cho đúng và an toàn cần ý kiến bác sĩ.

Những ngày đầu việc truyền dịch là không cần thiết, nếu bệnh nhân còn ăn uống được thì nên bù dịch bằng đường ăn uống tự nhiên. Bệnh nhân có thể uống oresol, nước hoa quả, nước lọc. Không phải cứ có chẩn đoán sốt xuất huyết là phải truyền dịch mà phải đúng chỉ định của thầy thuốc, đặc biệt không nên tự truyền dịch tại nhà.

Lúc truyền dịch phải kiểm soát các bệnh lý khác của người bệnh như tim mạch, huyết áp, hô hấp,... Từ ngày thứ 6 của bệnh (giai đoạn tái hấp thu và hồi phục) nếu truyền nhiều dịch sẽ gây nhiều biến chứng như suy tim, phù phổi cấp...

Huyền Anh(TH)