Những doanh nghiệp xuất khẩu sống khỏe giữa 'bão' COVID-19, xăng dầu

Bất chấp khó khăn do dịch COVID-19, giá xăng dầu leo thang, nhiều doanh nghiệp vẫn đạt kết quả sản xuất, kinh doanh ấn tượng trong hơn 2 tháng đầu năm.

Đang nuôi kỳ vọng phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện "bình thường mới", doanh nghiệp lại hứng "cú đấm bồi" khi đại dịch COVID-19 bùng phát và giá xăng dầu tăng dữ dội do tình hình chiến sự căng thẳng giữa Nga - Ukraine. Nhưng khi bị khó khăn bủa vây, không ít doanh nghiệp đã chủ động tìm lối thoát để không chỉ trụ vững mà còn "sống khỏe".

Cũng như các doanh nghiệp khác, sau Tết Nguyên đán, Công ty cổ phần thủy sản Cafatex (Xã Tân Phú Thạnh, Huyện Châu Thành A, Tỉnh Hậu Giang) liên tiếp hứng chịu khó khăn khi 1/3 trong số hơn 700 lao động mắc COVID-19, phải nghỉ việc, cùng với đó là giá nguyên liệu đầu vào, xăng dầu, logistics tăng cao.

Theo ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty, khó khăn lớn nhất là việc book container, book tàu vận chuyển do giá tăng hơn 20% so với trước. Tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine khiến các chuyến hàng đi châu Âu, Mỹ phải qua các cảng trung gian, gây khó cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Có lúc book được container, tàu nhưng có lúc không book được, doanh nghiệp phải chờ cả tuần, 10 ngày, thậm chí cả tháng. Nhiều container xuất đi thì lỗ do giá container tăng lên, buộc sau đó doanh nghiệp phải chào hàng theo giá mới", ông Kịch nói.

nlntv-che-bien-ca-tra-xuat-khau-15080319-1647088242.jpg
Một doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh minh họa)

Không để thất bại đến giữa lúc đang nỗ lực phục hồi, ông Kịch cùng lãnh đạo công ty vạch mọi phương hướng ứng phó. "Làm doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu thì phải chủ động mọi phương án, kịch bản, trong đó có cả những kịch bản xấu nhất là thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, biến động giá cả thị trường…Đây là những điều kiện khách quan bất khả kháng đối với tất cả các quốc gia, doanh nghiệp và người dân chứ không của riêng ai. Vì thế, bất cứ doanh nghiệp nào khi setup quá trình hoạt động đều phải đặt ra. Mỗi doanh nghiệp phải chủ động, tích cực, không phụ thuộc hay đổ lỗi cho hoàn cảnh thì mới sẵn sàng vượt qua được khủng hoảng. Không thể mãi trông chờ vào thể chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước", ông Kịch chia sẻ thêm.

Phương án được Cafatex tính đến đó là thu hẹp sản xuất. Hiện doanh nghiệp giảm 200 công nhân, nhưng  năng suất của người lao động tăng cao gần gấp rưỡi, thu nhập của người lao động cũng tăng 2-3 triệu đồng, đạt từ 7 đến 12 triệu/người/tháng.

Theo ông Kịch, nếu chủ động thì sẽ có cách ứng phó. Ví như giá cả đầu vào tăng cao thì hàng hóa xuất khẩu cũng tăng tương ứng; Dịch bệnh thì có biện pháp tăng thời gian làm việc để công nhân, người lao động hạn chế đi lại, tiếp xúc đông người, sản xuất 3 tại chỗ; Cước vận tải tăng cao thì phải lựa chọn những hãng tàu có thương hiệu, có uy tín, các mối quen biết từ nhiều năm và tích cực trao đổi về giá cả cho phù hợp.

Sau 2 tháng đầu năm, Cafatex có kết quả kinh doanh ấn tượng khi doanh thu tăng gần 30% so với kế hoạch đặt ra, cao hơn cùng kỳ năm 2021 gần 35%.

Một doanh nghiệp khác cũng "ngược dòng" thành công là Tổng công ty may Nhà Bè. Ông Đinh Văn Thập, Phó Tổng giám đốc công ty cho biết, hơn 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã tác động rất nặng nề đến ngành may. Trước bối cảnh này, May Nhà Bè chọn phương án đa dạng hóa sản phẩm để phục vụ nhu cầu cấp thiết của thị trường. Doanh nghiệp đã tìm kiếm nguyên phụ liệu, đầu tư công nghệ để phát triển sản phẩm khẩu trang và trang phục bảo hộ y tế - những vật dụng hút khách giữa mùa dịch.

nlntv-may-nha-be-15083924-1647088301.jpg
COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến ngành dệt may. (Ảnh minh họa)

Đồng thời, doanh nghiệp cũng hướng tới thị trường mới, làm dày tệp khách hàng. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu trong nước, Nhà Bè còn liên kết với các đối tác để phân phối sản phẩm sang các thị trường lớn như Mỹ, Canada, châu Âu, Nhật…

Hiện nay, Nhà Bè liên tục đầu tư hệ thống nhà máy, nhà xưởng, áp dụng mô hình sản xuất tinh gọn để tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, nhân sự và cả thời gian. Với hơn 25.000 thiết bị hiện đại, doanh nghiệp đang rất tự tin để thích ứng với giai đoạn hội nhập mới.

Quý 1/2022, doanh thu May Nhà Bè ước đạt 480 tỷ đồng, trong đó sản lượng xuất khẩu đạt 2.400.000 sản phẩm, doanh thu xuất khẩu đạt 390 tỷ.

Nhờ đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và đối tượng phục vụ nên doanh thu quý 1/2022 dự kiến tăng 137% so với cùng kỳ năm trước”, ông Đinh Văn Thập nói.

Trong 2 tháng đầu năm, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn tăng trưởng khả quan. 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD bao gồm: sắt thép đạt 1,27 tỷ USD; thủy sản 1,47 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng 1,92 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 2,65 tỷ USD; giày dép 3,24 tỷ USD; dệt may 5,78 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 6 tỷ USD; điện tử máy tính và linh kiện 7,8 tỷ USD; điện thoại và linh kiện 8,3 tỷ USD.