Những 'bông hoa đẹp' của ngành giáo dục TP. Vinh

Trong những năm học qua, phong trào thi đua "Dạy tốt học tốt” của ngành Giáo dục và Đào tạo TP. Vinh, tỉnh Nghệ An đã có nhiều tấm gương điển hình hết mình vì sự nghiệp.

Cô Văn Thị Lý, giáo viên Trường Tiểu học Lê Lợi: "Dạy học sinh bằng cả trái tim của một người mẹ!"

Sinh ra tại huyện Thanh Chương (Nghệ An), sau khi tốt nghiệp Trường THSP miền núi Nghệ An loại giỏi, cô Văn Thị Lý được biên chế về dạy học ở quê nhà trong khi nhiều bạn cùng khóa phải đi công tác ở các huyện miền núi khó khăn.

“Vì lẽ đó mà tôi luôn thôi thúc bản thân luôn phải nỗ lực vươn lên để xứng đáng với sự kì vọng của mái trường, thầy cô và bè bạn”, cô Lý nói.

nlnt-co-giao-1692420958.jpg
Cô Văn Thị Lý, giáo viên Trường Tiểu học Lê Lợi (Ảnh: NVCC)

Năm 1995, cô giáo trẻ được cử đi học tại trường Cao đẳng Sư tại TP. Vinh, rồi về công tác về trường Tiểu học Lê Lợi (TP. Vinh). Ra trường, ngay từ năm thứ hai gắn bó với nghề, cô đã đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp huyện và từ đó tới nay, hơn ba mươi năm trong nghề, cô liên tục giành được nhiều Bằng khen, giấy khen của các cấp ban ngành, khen thưởng trong công tác chuyên môn.

Đặc biệt năm 2012, cô Lý được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là giáo viên dạy giỏi quốc gia. Cô nói rằng, việc lựa chọn và gắn bó với nghề giáo là một cơ duyên, bởi vậy bản thân luôn cố gắng hoàn thành công việc tốt nhất để giữ gìn mối lương duyên đặc biệt này. Bằng bề dày kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình công tác, cùng lòng nhiệt huyết với nghề, nhiều năm liền, cô được nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tỉnh, Thành phố, vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Năm 2014, nữ giáo viên Lý vinh dự là “Công dân tiêu biểu Thành phố Vinh”,...

Không chỉ giỏi việc công, cô Lý còn được họ hàng đồng nghiệp, láng giềng ngợi ca là người vợ, người mẹ chu toàn. Đến nay các con của vợ chồng cô Lý đều đã lớn, trong đó người con đầu đang là giảng viên của Trường Đại học Vinh. Với cô, gia đình vừa là động lực, cũng là điểm tựa, để cô có thể vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ ở trường lớp, vừa có thời gian chăm lo cho gia đình.

“Mình luôn dạy học sinh bằng cả trái tim ấm áp, yêu thương của một người mẹ. Mỗi khi bước lên bục giảng thì bỏ lại sau lưng tất cả những bộn bề, lo toan của cuộc sống, tập trung cao độ vào bài giảng, còn khi về nhà thì ân cần và truyền cảm hứng, truyền lửa cho các con”, nữ giáo viên trường Tiểu học Lê Lợi chia sẻ bí quyết thành công.

Hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục, cô đã ghi lại thật nhiều dấu ấn trong lòng nhiều phụ huynh, học sinh, đồng nghiệp, không chỉ bằng những thành tích, đóng góp nổi bật trong công tác chuyên môn, mà hơn hết, là bằng tinh thần, trách nhiệm của một giáo viên tâm huyết với nghề.

Cô Cao Thị Hường, trường THCS Lê Lợi: "Tạo hứng thú và yêu thích cho học sinh là bí quyết thành công"

Là một trong những giáo viên cốt cán môn Sinh học của trường THCS Lê Lợi, cô Cao Thị Hường luôn đi đầu trong các phong trào chuyên môn do ngành và nhà trường triển khai.

Cô Hường kể, vốn yêu thích nghề giáo từ khi còn nhỏ, lớn lên lại yêu thích môn Sinh học nên hết lớp 12, cô đã nạp hồ sơ thi vào khoa Sư phạm Sinh học của trường Đại học Vinh. Năm 2014, ra trường với tấm bằng loại giỏi, cô giáo trẻ đã được biên chế về trường Trung học cơ sở Lê Lợi (TP. Vinh). Kể từ đó đến nay, nữ giáo viên thường xuyên có học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh và bản thân cô cũng đạt nhiều thành tích cao như Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, 2 lần đạt Chiến sỹ thi đua cơ sở.

anh-2-co-huong-1692421220.jpg
Cô Cao Thị Hường (Ảnh: NVCC)

Theo nữ giáo viên dạy môn Sinh học, để có những kết quả như vậy thì bản thân phải vận dụng linh hoạt các phương pháp - kĩ thuật dạy học tích cực, mang lại hiệu quả cao trong từng tiết dạy. Giáo viên phải là người giữ vai trò tiên phong và định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Đặc biệt, trong quá trình dạy và học không chỉ bản thân giáo viên truyền lửa cho học sinh mà nhà trường còn mời các cựu học sinh về nói chuyện và truyền lửa lại cho các em khoá sau. Ngoài ra, sự quan tâm, hỗ trợ từ ban giám hiệu nhà trường, các đồng nghiệp và đặc biệt là sự đồng lòng của phụ huynh trong quá trình học sinh tham gia bồi dưỡng đội tuyển là một trong những động lực góp phần tạo nên thành công.

“Cô Hường là một giáo viên trẻ, đầy nhiệt huyết, năng lực và say mê với nghề. Đặc biệt, trong những năm qua, vượt lên mọi khó khăn cô đã đạt được những thành tích xuất sắc, góp phần nâng cao chất lượng dạy học cho nhà trường và thành phố. Bên cạnh đó, cô cũng nhận được nhiều sự tín nhiệm từ phụ huynh và học sinh. Nhà trường luôn tạo điều kiện và hỗ trợ một cách tốt nhất để cô Hường nâng cao năng lực chuyên môn cũng như phát triển bản thân về mọi mặt", bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Hiệu trưởng trường THCS Lê Lợi nhận xét về cấp dưới.

Nguyễn Thị Nhung, giáo viên Tiểu học Hưng Đông: "Sáng tạo để hoàn thiện bản thân".

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An năm 2003, Nguyễn Thị Nhung xin về xã Thanh Mỹ (huyện Thanh Chương) làm giáo viên hợp đồng của trường tiểu học. Một năm sau cô Nhung lên huyện biên giới Kỳ Sơn khó khăn của Nghệ An công tác.

Nhớ lại quảng thời gian ở miền biên viễn gắn bó với nhiều em của đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, song cô giáo miền xuôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. "Những năm công tác ở Kỳ Sơn là những năm mà tôi yêu quý nhất cái nghề mà như mọi người từng nói: Nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý", cô Nhung nói.

Theo cô Nhung, bản thân may mắn hơn các giáo viên đang ở lại gắn bó với miền núi, bởi năm 2018 cô được chuyển về công tác tại trường Tiểu học Hưng Đông của TP. Vinh - nơi có điều kiện tốt hơn so với các đồng nghiệp khác.

Tại tiểu học Hưng Đông cô được phân công là giáo viên lớp 1. Vì vậy cô Nhung luôn mong muốn học trò mình học giỏi để làm nền tảng cho những năm học sau. Vì vậy, việc làm như thế nào để các con hứng thú với học và coi đây là ngôi nhà mà các em gắn bó vì các em còn quá thơ ngây và bỡ ngỡ khi thay đổi từ môi trường của học sinh mầm non sang học sinh tiểu học.

"Ngay từ đầu năm học phải nắm rõ hoàn cảnh gia đình, khả năng tiếp thu của từng học sinh, sự quan tâm của gia đình đối với các em và nhất là tạo cho các em tâm lý vui vẻ, thoải mái khi đến lớp", cô Nhung chia sẻ thêm về kinh nghiệm thành công.

anh-3-co-nhung-1692420783.jpg
Cô Nguyễn Thị Nhung chụp ảnh kỷ yếu cùng các em. (Ảnh: NVCC)

Năm học 2020-2021, hưởng ứng Cuộc thi “Gặp gỡ Giáo viên lớp 1” của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, cuộc thi nhằm động viên giáo viên trực tiếp dạy lớp 1 chủ động tiếp cận yêu cầu của chương trình sách giáo khoa mới, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khắc phục khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai giảng dạy, trong quản lý, chăm sóc học sinh. Vượt qua hơn 1.000 sáng kiến, sáng kiến “Tổ chức 1 số trò chơi toán học áp dụng cho dạy học toán I chương trình phổ thông mới” của cô giáo Nguyễn Thị Nhung đã vượt qua hơn 1.000 sáng kiến khác trên toàn quốc đã đạt giải nhì.

"Thay vì đợi học trò thay đổi, thì người giáo viên hãy thay đổi mình trước. Dù đã nhiều năm trong nghề, nhưng trước mỗi bài giảng, lúc nào với cô cũng luôn tươi mới. Chỉ cần được thấy các con phấn khởi, vui tươi sau mỗi tiết dạy đó là hạnh phúc của những người giáo viên", nữ giáo viên nói thêm.

anh-4-1692420571.jpg
Lãnh đạo TP. Vinh trao giấy khen cho các giáo viên có nhiều thành tích trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi năm học 2022 – 2023. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Bà Hoàng Thị Phương Thảo, Trưởng phòng Giáo dục và Đào Tạo thành phố Vinh chia sẻ, trong những năm học gần đây, ngành giáo dục thành phố có sự chuyển biến tích cực và toàn diện ở các cấp học. Nền nếp, kỷ cương trong các nhà trường được tăng cường, đổi mới công tác quản trị nhà trường, công tác công khai dân chủ được quan tâm, phát huy ý thức trách nhiệm, đạo đức nhà giáo của từng cán bộ, giáo viên, nhân viên.

"Trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương của các nhà giáo trong các phong trào thi đua 'Dạy tốt học tốt', 'Đổi mới sáng tạo trong dạy học' như cô Văn Thị Lý, cô Nguyễn Thị Nhung hay cô Cao Thị Hường. Sự nỗ lực, đổi mới, sáng tạo của các thầy giáo, cô giáo góp phần vào thành tích chung của ngành giáo dục và đào tạo thành phố", lãnh đạo Phòng giáo dục nói và cho rằng họ "là những bông hoa đẹp của ngành giáo dục thành phố".

Vũ Thắng