Giải ngân vốn đầu tư công của Nghệ An đạt mức thấp

Đến 10/8/2023, tổng vốn đầu tư công tập trung đã giải ngân 2.438 tỷ đồng, đạt 34,18% kế hoạch. Điển hình như Sở Y tế (0%); Sở Du lịch (3,37%); Bệnh viện Ung bướu Nghệ An (3,24%)...

Năm 2023, kế hoạch đầu tư công tập trung được Hội đồng nhân dân tỉnh giao hơn 5.583 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là hơn 1.550 tỷ đồng. Như vậy, tổng kế hoạch đầu tư công tập trung năm 2023 phải thực hiện hơn 7.134 tỷ đồng. Đến nay, nguồn kinh phí này cơ bản đã giao chi tiết đến từng đơn vị để triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, đến 10/8 tổng vốn đầu tư công tập trung đã giải ngân được 2.438 tỷ đồng (chỉ đạt 34,18%). Trong đó kế hoạch 2023 giải ngân đạt 36,02%, cao hơn cùng kỳ (cùng kỳ 33,37%); Nguồn vốn đầu tư công kế hoạch năm 2022 kéo dài sang 2023 mới đạt hơn 27,5%.

nlnt-copy-1692416929.jpg
Thi công trên đường đại lộ Vinh - Cửa Lò. (Ảnh: Nguyễn Hải)

Có 24 đơn vị giải ngân trên 50% kế hoạch; có 35/70 đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân chung của tỉnh (dưới 34,18%), trong đó có 13 đơn vị chưa thực hiện giải ngân.

Một số đơn vị giải ngân thấp, có số vốn lớn như, huyện Tương Dương (5,31%), Quế Phong (7,67%), Kỳ Sơn (19,08%). Đặc biệt, khối ngành có, Sở Y tế (0%); Sở Du lịch (3,37%); Bệnh viện Ung bướu Nghệ An (3,24%)...

Một số đơn vị, cơ quan có số vốn còn lại chưa giải ngân lớn, nhiều dự án giải ngân thấp như Tương Dương (còn 388 tỷ đồng), Kỳ Sơn (còn 350 tỷ đồng), Quế Phong (còn 237 tỷ đồng), Sở Nông nghiệp (còn 215 tỷ đồng), Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam (còn 198 tỷ đồng),..

Hai ngày trước, tỉnh Nghệ An đã tổ chức hội nghị giao ban toàn tỉnh về tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tại đây các đại biểu cho rằng nguyên nhân của việc giải ngân vốn đầu tư công chậm do giá cả nguyên nhiên vật liệu biến động; công tác giao kế hoạch một số nguồn vốn vẫn còn chậm; quy trình thủ tục thực hiện các dự án ODA phức tạp hơn so với dự án trong nước; tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn Chương trình MTQG chưa đồng bộ, kịp thời, chưa phù hợp với thực tiễn...

Bên cạnh đó, năng lực quản lý của một số chủ đầu tư còn hạn chế, một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán ngay sau khi có khối lượng. Năng lực chuyên môn của một số Ban Quản lý dự án, đơn vị tư vấn… chưa đáp ứng được yêu cầu.

Cùng với đó, công tác khảo sát, thiết kế một số dự án chưa tốt, chưa kỹ, một số dự án kéo dài quá lâu dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh thiết kế dự toán mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.
Ngoài ra, chính quyền tại một số địa phương còn chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công...

ntnl-1692417076.jpg
Quang cảnh hội nghị ngày 17/8. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Nghệ An)

Về nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới, Chủ tịch tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung yêu cầu, chính quyền phối hợp với cấp ủy các địa phương trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời các địa phương, sở, ngành phải tập trung giải quyết các vướng mắc, khó khăn.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng công tác đấu thầu; xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết trong giải ngân vốn đầu tư công để đôn đốc các nhà thầu thực hiện đảm bảo tiến độ. Chấn chỉnh lại công tác tổ chức của các Ban Quản lý dự án. Trong thời hạn 10 ngày/1 lần, các chủ đầu tư giải ngân vốn đầu tư chậm báo cáo tiến độ thực hiện giải ngân nguồn vốn về Sở Kế hoạch và Đầu tư...

Hải Chi