Chiếc gậy thông minh này có thể điều chỉnh được chiều dài để phù hợp với chiều cao người sử dụng. Phía trước gậy có đèn chiếu sáng và cũng có thể gấp gọn lại.
Gậy được trang bị hệ thống cảm biến vật cản ở khoảng cách từ 0,5-2m. Cùng đó, còn có hệ thống định vị GPS kết nối với smartphone nhằm hỗ trợ người thân có thể giúp đỡ, quản lý vị trí người dùng từ xa. Bên trong thân gậy có thiết kế khe lắp sim giúp gửi các trạng thái sử dụng về điện thoại như số km đã di chuyển, dung lượng pin,…
Chủ nhân của sản phẩm “Gậy thông minh” là Nguyễn Hồng Phúc (sinh viên khoa Điện), Phạm Hồng Đồng và Vi Đình Khánh (cùng là sinh viên khoa Cơ khí), thuộc Trường Cao đẳng Việt - Đức Nghệ An. Ý tưởng có tính khả thi cao và ý nghĩa xã hội khi hỗ trợ người già và người khuyết tật đã thuyết phục được ban giám khảo hội thi.
Em Nguyễn Hồng Phúc chia sẻ, mục tiêu ban đầu của nhóm xuất phát từ mong mỏi giúp đỡ người thân trong gia đình.
Ông ngoại Phúc năm nay đã gần 90 tuổi và gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình di chuyển, ngay cả những bước đi nhẹ nhàng ở trong nhà.
Biết có hội thi với chủ đề hướng đến chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi, người khuyết tật, nhóm đã quyết định đăng ký ngay và hoàn thiện dần sản phẩm.Trăn trở tìm cách giúp ông mình đi lại thoải mái hơn, Phúc đã rủ 2 người bạn thân của mình ở khoa Cơ khí nghiên cứu sáng chế ra “Gậy thông minh” như một món quà dành tặng cho ông.
“Ông em cũng là người dùng trải nghiệm sản phẩm của nhóm sau khi hoàn thành. Ông cũng xuất hiện trong clip thuyết trình sản phẩm của cả nhóm mang đến hội thi”, Phúc kể.
Phúc cho biết, trong quá trình thực hiện dự án, nhóm cũng nhận không ít sự hoài nghi của người ngoài. Nhiều người không tin dự án của các em có thể đi xa được đến vậy, thậm chí có người cho rằng sản phẩm sẽ khó hữu dụng. “Gậy chống cho người già ở bên ngoài thị trường có đáng bao nhiêu đâu mà phải đi nghiên cứu” - đó là một trong những ý kiến khó nghe mà nhóm phải đón nhận.
Nhưng ba chàng trai vẫn quyết tâm hiện thực hóa ý tưởng.
Nghĩ là một chuyện, làm còn khó hơn. Những ngày đầu, cả nhóm đôn đáo tìm linh kiện sao cho phù hợp. Các bộ phận cảm biến tìm rất khó, nên cả 3 phải dành rất nhiều thời gian tìm kiếm trên các trang thương mại điện tử, các chợ linh kiện, các cửa hàng đồ cũ và các nơi sửa chữa. Có những ngày cả 3 ở trường hì hục đến tối khuya, làm đi làm lại nhưng liên tục hỏng.
Nhưng cả 3 bảo nhau, chỉ cần các thành viên nhóm quyết tâm song hành, nhiệt huyết thì tin rằng mọi thứ sẽ ổn.
Sau khoảng 6 tháng từ lúc lên ý tưởng, nhóm đã ra sản phẩm đầu tay, song chưa thẩm mỹ và thiếu chức năng. Các thành viên phải chia nhau đi tham khảo và xin ý kiến từ các thầy cô trong trường để thay đổi cách làm, sử dụng các vật liệu tối ưu hơn.
Theo nhóm, chi phí sản xuất cho 3 chiếc gậy đầu tiên là khoảng 5 triệu đồng, do phải làm đi làm lại nhiều lần. Nhưng khi sản xuất đại trà, sản phẩm sẽ có mức giá rất cạnh tranh, chỉ khoảng 1 triệu đồng, thậm chí có thể giảm hơn. Nhóm tính toán, lợi nhuận trung bình của sản phẩm khoảng từ 10-15% chi phí.
Ngay sau khi kết thúc cuộc thi, nhiều doanh nghiệp đã liên hệ và ngỏ ý đầu tư đặt hàng sản xuất.
“Các giảng viên trong trường đã đặt hàng về cho người thân của mình. Cũng đã có các xưởng sản xuất và cửa hàng vật tư y tế ở Nghệ An đặt hàng chúng em”, cả nhóm cho hay.
Trước mắt, nhóm sẽ tập trung sản xuất để hoàn thành các đơn hàng, sau đó nghiên cứu thêm để thử nghiệm, bổ sung các tính năng mới, chẳng hạn như tích hợp thêm ứng dụng nghe nhạc và nghe đài.