Trước tác quan trọng đầu tiên thời Lê Thánh Tông cần được nói đến là một bộ Quốc sử nhằm khẳng định, tôn vinh ý thức dân tộc. Đó là bộ Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên - Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442). Ngô Sỹ Liên soạn bộ sử này theo chỉ lệnh của Lê Nhân Tông từ năm 1455 và soạn xong năm 1479, dưới thời Lê Thánh Tông, gồm 15 quyển, chép từ thời Hồng Bàng đến năm Lê Thái Tổ lên ngôi. Nói rằng đây là bộ sử tiếp tục hai bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu và Đại Việt sử ký tục biên của Phan Phu Tiên, nhưng do văn bản của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên đến nay không còn, nên người sau khó xác định được đâu là của Ngô Sỹ Liên, và đâu là của hai vị tiền bối. Có nghĩa là việc tiếp tục và hoàn thiện pho sử Việt từ Hồng Bàng như sau này ta được hưởng phải chờ đến Ngô Sỹ Liên - thời Lê Thánh Tông - thời ý thức về dân tộc đạt đến tầm cao nhất - sau chiến thắng giặc Minh, như được khẳng định trong mở đầu Bình Ngô đại cáo (1428)... “Như nước Đại Việt ta thuở trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu - Sơn hà cương vực đã chia - Phong tục Bắc Nam cũng khác...”. Và trong chính lời Lê Thánh Tông nói với triều thần: “Một thước núi một tấc sông của ta lẽ nào tự tiện vứt bỏ đi được.
Nếu người nào dám đem một thước, một tấc đất của vua Thái Tổ để lại làm mồi cho giặc thì người đó sẽ bị trừng trị thật nặng”. Sau Đại Việt sử ký toàn thư (1479) là tùng thư Thiên Nam dư hạ tập (1483)... một bộ sách lớn, được soạn trong ý thức khẳng định ý chí độc lập của Đại Việt, sau chiến thắng giặc Minh.
Tùng thư Thiên Nam dư hạ tập có giá trị một tổng tập văn sử triết, Lê Thánh Tông giao cho một số đại thần xây dựng từ năm 1483, gồm 100 quyển, đáng tiếc là không được khắc bản, và bị mất mát, đến thời Phan Huy Chú thế kỷ XIX chỉ còn lại 4,5 bản. Ở bộ tùng thư có giá trị một bách khoa thư này, có một trước tác triết học của Lê Thánh Tông: Liệt truyện tạp chí, cùng 9 tập thơ chữ Hán, trong đó có tập thứ 9 là Quỳnh Uyển cửu ca (Chín khúc ca vườn Quỳnh), đề cập 9 đề tài: - được mùa, - đạo vua, - tiết bề tôi, - minh (quân) lương (thần), - bậc anh hiền, - kỹ khí, - chữ thảo, - người làm văn, - hoa mai, tất cả nhằm mục tiêu ca ngợi đất nước thái bình thịnh trị, nhân hai năm Sửu - 1493, và Dần - 1494 được mùa; cùng Thập giới cô hồn quốc ngữ văn (Bài văn quốc ngữ về 10 lời răn cô hồn gồm: thiền tăng, đạo sĩ, quan liêu, nho sĩ, thiên văn địa lý, lương y, tướng quân, hoa nương, thương cổ, đãng tử), được xem là bài biền văn cổ nhất. Và bài phú Lam Sơn lương thủy ca ngợi đất tổ Lam Kinh, ngót 400 câu...
Đặc biệt là bộ Hồng Đức quốc âm thi tập, tập hợp 283 bài thơ Nôm Đường luật xen lục ngôn, gồm 5 loại: Thiên địa môn, Nhân đạo môn, Phong cảnh môn, Phẩm vật môn và Nhàn ngâm chư phẩm, của hàng chục thi nhân, nho sĩ dưới sự chỉ đạo của Lê Thánh Tông thời Hồng Đức (1470-1497), qua đó cho thấy ý thức xây dựng văn học dân tộc bằng tiếng Nôm, sau đỉnh cao Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, vẫn có sự tiếp nối, không đứt đoạn... Dẫu chưa xác định được tác giả của mỗi bài, do là một công trình tập thể, dưới sự điều hành của một Chủ biên - có vị thế vừa là ông vua, vừa là đại nguyên soái, nhưng vẫn có thể nhận ra cốt cách thơ của Lê Thánh Tông qua một số bài để có thể thấy chân dung nhà văn hóa lớn Lê Thánh Tông:
Lòng vì thiên hạ những sơ âu
Thay việc trời dám trễ đâu
Trống dời canh, còn đọc sách
Chiêng xế bóng, chửa thôi chầu
Nhân khi cơ biến xem người biết
Chứa thuở kinh quyền xét lẽ mầu
Mựa bểu áo vàng chăng có việc
Đã muôn sự nhiệm trước vào tâu.
(Tự thuật)
Cùng một bài Tự thuật khác, khi vào tuổi 50, không lâu trước lúc qua đời:
Tấm thân bảy thước nay tuổi đã năm mươi
Gan dạ như sắt giờ hóa ra mềm
Gió thổi ngoài song, hoa vàng tàn tạ
Sương sa trước sân, liễu xanh gầy đi
Trong suốt bầu trời biển mây bay phơi phới
Tỉnh giấc mộng kê vàng, đêm dài dằng dặc
Tiếng người, dáng người trên chốn bồng lai đã xa cách hẳn
U hồn như vàng như ngọc có vào giấc mộng được không?
Ý thức về sứ mệnh của văn chương ngoài cách tự thể hiện qua các bài thơ (cả Hán và Nôm), cũng đã có lúc được Lê Thánh Tông đúc kết, như trong bài Tựa Quỳnh Uyển cửu ca (1494). Một ông vua nhiệt tâm và có khát vọng sáng tạo văn chương và tin tưởng ở sức mạnh văn chương, đó quả là hiện tượng hiếm, rất hiếm qua các triều đại phong kiến, dẫu vẫn là trong quỹ đạo “văn dĩ tải đạo”.
Như vậy, về mặt văn chương, có thể nói Lê Thánh Tông là một tác gia vào bậc lớn nhất của thế kỷ XV, sau Nguyễn Trãi. Trên vị thế của một ông vua, ông là tác giả của nhiều chỉ, dụ, chế, chiếu, và nhất là những bài hịch hàm súc, khúc chiết, có sức thuyết phục cao. Là nhà văn, ông mở đầu dòng văn khảo cứu, phê bình với tập Thiên Nam dư hạ nổi tiếng. Ông cũng múa ngọn bút tài hoa ở bài phú Lam Sơn lương thuỷ, là bài phú có thể sánh ngang những bài phú hay nhất của văn chương cổ, trung đại Việt Nam.
Nhưng, đóng góp quan trọng hàng đầu của Lê Thánh Tông vẫn là trên lĩnh vực thơ ca. Ngoài thơ chữ Hán còn là thơ chữ Nôm. Thơ ông tập trung vào một số thể tài như: Thơ đề vịnh (ngự đề, ngự chế, vịnh cảnh vật, vịnh sử...), Thơ tự sự (tâm trạng, cảm hoài, giáo huấn...), Thơ ký sự (ghi chép dọc đường hành quân, tuần du và thù tạc...) mà ở thể tài nào cũng đều đạt những đỉnh cao đến nỗi chính sử phải ngợi khen thơ ông “câu nào cũng như tiếng vàng ném xuống đất”.
Có tài năng, có học vấn, lại có một tâm hồn nghệ sĩ, Lê Thánh Tông xứng đáng được quần thần tôn làm Tao đàn nguyên suý. Hội Tao đàn thời Hồng Đức ra đời năm 1495 là một hội thơ lớn, mang tính cổ điển. Hội tập trung hai mươi tám ngôi sao của nền văn học thời bấy giờ (nhị thập bát tú), tiêu biểu như: Thân Nhân Trung, Đàm Văn Lễ, Đỗ Nhuận v.v.. Không phải ngẫu nhiên mà ngoài rất nhiều thành tựu thời Hồng Đức, người ta còn mãi nhắc đến chữ Nôm thời Hồng Đức. Những thành tựu văn học Nôm thời này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong sự hình thành một nền văn chương mang tính dân tộc sâu đậm. Trước Lê Thánh Tông là Nguyễn Trãi, và sau ông là Nguyễn Bỉnh Khiêm - đó là ba cột mốc trong buổi đầu của nền thơ Nôm dân tộc thế kỷ XV và thế kỷ XVI.
Sự thật là, đối với các thế hệ bạn đọc hôm nay, đọc thơ văn Lê Thánh Tông không dễ hiểu và dễ thú. Đó là điều tự nhiên. Ngôn ngữ, văn chương cách đây hơn nửa thiên niên kỷ là vậy. Để được như hôm nay nó phải trải hơn năm trăm năm gọt giũa, tinh luyện của mọi tầng lớp nhân dân và của các bậc thầy văn hoá - ngôn ngữ; nó phải trải một hành trình qua biết bao tên tuổi: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Gia Thiều mới đến được đỉnh cao tuyệt vời Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương... Những lâu đài văn chương, ngôn ngữ văn chương, vốn là cốt lõi của văn hoá, văn minh dân tộc, là nhiều tầng, nhiều lớp - và với Lê Thánh Tông, là góp vào tầng cơ bản.
Đọc thơ Lê Thánh Tông hôm nay cũng không phải dễ gần gũi, dễ xúc động vì đây là thơ của một ông vua; một ông vua cố nhiên có phần cách bức với dân, dẫu thuở hàn vi có lúc sống gần dân, và khi ở ngôi, thường có đi về với dân. Vua trong một thời được xem là thịnh trị; và vua đã gắn sự thịnh trị ấy với công đức của mình; và với dòng họ, tổ tiên của mình - mỗi lần về bái yết Sơn Lăng. Khó tránh tính cách thù tạc, khó tránh khô khan, theo các khuôn thức của hình thức và tư duy. Nhưng dẫu tất cả như vậy, một ông vua đã để lại một sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước rực rỡ, một khối lượng thơ văn dồi dào, là một ông vua có tư chất văn hoá. Tư chất văn hoá đó đã tạo nên dấu ấn Lê Thánh Tông, đem lại một sự phân biệt so với nhiều triều đại trước và sau đó, và điều tự nhiên là nhận được sự tôn vinh của mọi tầng lớp thần dân, của tất cả các thế hệ đến sau.
Cho đến khi qua đời - năm 1497, Lê Thánh Tông vẫn tin tưởng vào sự thịnh vượng của triều Lê, như được thể hiện trong bài Minh lương (vua sáng tôi lành) trong tập Quỳnh Uyển cửu ca, một bài thơ thành kính ca ngợi tiền nhân (trong đó có Nguyễn Trãi):
Vua Thái Tổ Cao hoàng đế là bậc anh hùng cái thế
Vua Thái Tôn Văn hoàng đế là bậc trí dũng (…)
Tấm lòng Ức Trai sáng như sao Khuê
Trong hạng Võ Mục đầy cả giáp binh
Anh em họ Trịnh mười người thảy đều quý hiển
Hai cha con họ Thân mong sự vinh sủng
Cháu hiếu là Hồng Đức nối được nghiệp lớn
Như 800 năm nhà Chu vui thái bình.
Ước 800 năm, nhưng chỉ 8 năm sau ngày Lê Thánh Tông mất, đến thời Lê Uy Mục (1505-1509), rồi Lê Tương Dực (1510-1516) thì triều Lê Sơ đi vào tàn lụi. Suốt thế kỷ XVI trở đi đất nước rơi vào một cuộc khủng hoảng rất dài, sau Lê Mạc, đến Lê Trịnh, rồi Trịnh Nguyễn phân tranh, và kết thúc là triều Lê Chiêu Thống - năm 1789, để chuyển sang triều Tây Sơn sau chiến thắng Mãn Thanh lẫy lừng của Quang Trung - Nguyễn Huệ. Tính từ khi Lê Lợi lên ngôi đến thời điểm này là 361 năm.
So với thời Lý - 215 năm, thời Trần - 175 năm về trước, và thời Nguyễn - 143 năm về sau thì Lê triều vẫn là dài nhất, trong đó 38 năm dưới triều Lê Thánh Tông là đỉnh cao nhất của sự thịnh vượng. Hãy xem cách đánh giá của sử gia Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược:
“Xem những công việc của vua Thánh Tông thì ngài thật là một đấng anh quân. Những sự văn tự và sự võ công ở nước Nam ta không có đời nào thịnh hơn đời Hồng Đức. Nhờ có vua Thái Tổ thì giang sơn nước Nam mới còn, và nhờ có vua Thánh Tông thì văn hóa nước ta mới thịnh, vậy nên người An Nam ta không bao giờ quên công đức hai ông vua ấy” (1)
1992-2014
(1) Tác giả viết năm 1919 và ấn hành lần đầu năm 1921. Trích theo bản in của Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, tr.238.