Nhà sáng chế giàu nhân ái

Huyền Văn
Ở TP Hải Phòng có một nữ doanh nhân mở phòng khám y học cổ truyền chữa bệnh miễn phí, nhưng tôi thích gọi chị là nhà sáng chế hơn. Bởi thực tế trong hơn 20 năm qua chị đã cho ra đời 12 sản phẩm sáng chế độc quyền. Chị là lương y Phạm Thị Chẵn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần y dược Khánh Thiện, người nổi tiếng với sản phẩm máy cứu ngải và viên thuốc ngải Khánh Thiện được nhiều người mắc các chứng bệnh cơ, xương, khớp tin dùng.

Người lấy đêm làm ngày

Dù đã 50 tuổi, luôn luôn bận rộn với say mê nghiên cứu, điều hành doanh nghiệp cùng các hoạt động xã hội, nhưng chị vẫn giữ được phong thái tươi trẻ, khác xa với suy nghĩ của tôi trước khi gặp. Ngồi với tôi, chị say sưa nói về chiếc máy cứu ngải, viên nén ngải cứu, một sáng chế độc quyền của chị ra đời năm 2008 và đã được hoàn thiện qua 5 đời sản phẩm. Để có chiếc máy này chị đã nghiên cứu tới 8 năm, với nhiều đêm trắng....

Chị kể, trong thời gian học Đông y, chị đã biết tới vai trò của cây ngải cứu chữa bệnh trong dân gian. Nó có tác dụng tan máu tụ, sát trùng vết thương, giảm đau, giãn mỏi cơ, mềm cơ, giải độc, tăng tiết dịch, tuần hoàn lưu thông máu, làm mềm chỗ cứng sưng đau... Nhưng để đốt ngải cứu tươi rồi đắp vào chỗ đau, vết thương sưng tấy như cách làm truyền thống thì rất dễ dẫn tới nguy cơ bỏng da. Quá trình đắp mồi ngải cứu cũng phải nhờ đến người khác giúp sức, nhất là điều trị vết thương nằm ở vùng khó, chỗ khuất trên cơ thể. Từ đây chị nuôi ước vọng có thể nghiên cứu, sản xuất ra được chiếc máy chữa bệnh bằng ngải cứu tiện dụng.

nlntv-chan-1653524099.jpg
Nhà sáng chế giàu lòng nhân ái Phạm Thị Chẵn và chiếc máy cứu ngải thế hệ thứ năm. Ảnh: ĐỨC TÂM 

Từ năm 1988, trong thời gian ra nước ngoài học tập, nghiên cứu, chị Chẵn phải làm thuê đủ nghề để trang trải mọi chi phí. Chị bồi hồi, thời ở nước ngoài, sau khi phục vụ khám, chữa bệnh ở phòng Đông y, buổi sáng và buổi tối, chị tranh thủ đến các cửa hàng kim khí để khuân vác đồ, dọn hàng và ngày nghỉ thì đi phụ xây, làm giúp việc nhà... kiếm sống để nuôi nghiên cứu. Một lần chị lạnh sống lưng khi nhìn thấy chiếc máy sấy tóc, bởi nó gợi cho chị cách thổi khí để đưa hơi nóng, tinh dầu ngải cứu ngấm vào da người bệnh mà chị chưa nhìn thấy ở Việt Nam bao giờ. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng, hàng loạt vấn đề đặt ra cần phải giải quyết vượt quá khả năng, điều kiện của chị. Nhiệt độ dây may-so trong máy sấy tóc không đủ để ngải cứu tươi giải phóng tinh dầu. Chị nghĩ đến phương án chiết xuất tinh dầu ngải cứu rồi đốt nóng, nhưng nó càng phức tạp hơn vì chị chẳng thể đủ vốn và các điều kiện đáp ứng. Khi về Việt Nam, thu nhập của chị còn eo hẹp hơn. Có thời điểm, trong ngày chị chỉ ăn một bữa cơm bụi vài nghìn đồng và dành dụm tiền ít ỏi để mua các vật tư về nghiên cứu.

Sau nhiều đêm trăn trở, chị quyết định nghiền ngải cứu khô trộn với các dược liệu khác rồi ép thành viên nén hình trụ. Chị đốt nóng sản phẩm ấy như người ta đốt que hương và đưa vào cái máy thổi được thiết kế giống cái máy sấy tóc, nhưng kết quả thí nghiệm thất bại vì khí nóng không tập trung được vào vết thương. Sau này, chị đã gặp những kỹ sư cơ khí về hưu và nhờ các bác ấy tư vấn. Chị được bồi dưỡng một số kiến thức cơ bản về cơ lý, nhiệt và đã vỡ vạc ra nhiều điều. Những khó khăn mà các kỹ sư đưa ra không khiến chị giảm quyết tâm. Rồi cuối cùng, vào năm 2008, chiếc máy cứu ngải thế hệ thứ nhất ra đời trong sự sung sướng. Đến nay, chiếc máy thế hệ thứ năm đã hoàn thiện đạt yêu cầu, bảo đảm bền, nhẹ, đẹp, giúp người bệnh có thể tự chữa. Những người già yếu cũng có thể cầm được chiếc máy đưa đến những chỗ bị đau trên cơ thể mà không cần sự giúp đỡ của người khác. Đặc biệt, phần đầu của chiếc máy được thiết kế để khi thổi khí nóng sẽ tụ lại thành dòng, giúp hơi và tinh dầu ngải cứu không bị tản khi đưa vào vết thương. Hơi nóng tinh dầu thảo dược giúp kinh mạch giãn ra và khí huyết lưu thông. Chị Chẵn cho biết, qua thực tế, hàng nghìn người bị cơ, xương, khớp đã khỏi bệnh sau khi điều trị bằng phương pháp này.

nlntv-dac62da1cddc0c8255cd60581255am-1653524151.jpg
Thi công cây cầu "cỏ mần trầu". Ảnh do nhân vật cung cấp 

Với ưu điểm chi phí rẻ, không có phản ứng phụ, không tốn thời gian và người bị bệnh cũng có thể tự điều trị nên máy cứu ngải và thuốc ngải cứu do chị Chẵn sáng chế được nhân dân đón nhận nồng nhiệt. Chị Chẵn đã đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng sáng chế độc quyền. Song song với đó, chị mở phòng khám điều trị miễn phí. Mỗi năm có hàng nghìn người ở Hải Phòng và các tỉnh lân cận cũng tìm đến điều trị và trong đó có nhiều người đã khỏi bệnh. Chị kể lại một kỷ niệm hạnh phúc. Một hôm, khi ngồi làm việc trong phòng, chị Chẵn tình cờ bật camera để kiểm tra các hoạt động ở phòng khám thì thấy hình ảnh một phụ nữ “biểu diễn” thời trang giữa phòng khám. Sợ có điềm xấu, chị xuống tận nơi để kiểm tra. Phụ nữ mặc diện như một phu nhân tung váy, xoay tròn, nhún nhảy trên đôi giày cao gót và hét lớn: “Tôi khỏi bệnh rồi”, “tôi đi được giày cao gót rồi”... Khi cơn “hưng phấn” của vị khách không mời chấm dứt, trò chuyện thân tình chị mới vỡ ra nguyên nhân.

Gần 10 năm qua vị khách không mời này bị đau lưng, thoát vị rồi chạy xuống chân, sưng tấy và chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi. Chị bị những cơn đau hành hạ và gần như chỉ ở trong nhà nên bí bách, tinh thần bị stress rất nặng, mất ngủ triền miên... Rất may, sau khi biết đến máy cứu ngải Khánh Thiện qua chương trình trên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), chị đã sử dụng điều trị trong vài tháng và khỏi bệnh. Chị quyết tâm đến cảm ơn người đã "sinh ra" chiếc máy ấy. Hành động vui sướng quá mức của bệnh nhân đã mang đến cho chị Chẵn và đồng nghiệp sự hãnh diện, niềm vui và niềm hạnh phúc vô bờ.

Tiếng lòng thơm thảo

Hiện nay, chị Chẵn vẫn “lấy đêm làm ngày”. Chị ngủ rất ít và gần như thời gian ấy cho đọc sách, nghiên cứu. Gần đây, trước những vấn đề về sức khỏe của nhân dân vì nhiễm dịch, bệnh Covid-19, nhà sáng chế Phạm Thị Chẵn đã nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm lâm sàng thành công 5 sản phẩm có tác dụng phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến sản phẩm Minh Châu Star từ thảo dược thiên nhiên có tác dụng phòng, chống Covid-19 và các hậu chứng của nó gây ra cho con người. Quá trình nghiên cứu, chị lựa chọn những người chưa nhiễm, bắt đầu nhiễm và đã nhiễm SARS-CoV-2 để thử nghiệm đánh giá. Kết quả thu được thật khả quan. Trong 100 người dùng Minh Châu Star thì chỉ có 2 người bị dương tính với SARS-CoV-2. Trong số 50 người có bệnh nền bị dương tính, gồm cả những người chưa tiêm vaccine dùng Minh Châu Star thì có tới hơn 80% không bị hậu Covid-19.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Phạm Thị Hoa ở đường Nguyễn Đức Cảnh, An Biên, Lê Chân, (TP Hải Phòng) thổ lộ, sau khi bị Covid-19, chị bị ho kéo dài, cổ họng rất ngứa, ngủ mê mệt như bị bóng đè. Sau khi dùng Minh Châu Star thấy giảm ho rồi mất hẳn và không còn tình trạng ngủ mê mệt. Sau một tháng khỏi bệnh, chị không bị hụt hơi, mệt nhọc khi leo cầu thang. Chị Hoa tâm tình, việc sử dụng sản phẩm trên không tốn kém, phù hợp với điều kiện kinh tế của người thu nhập thấp.

nlntv-f862e00d0070c12e986194981255am-1653524213.jpg
Cây cầu "cỏ mần trầu" do nhà sáng chế giàu lòng nhân ái Phạm Thị Chẵn tài trợ. Ảnh do nhân vật cung cấp

Trong suốt 15 năm qua, ngoài chữa bệnh miễn phí, chị Phạm Thị Chẵn còn là thành viên rất tích cực trong các hội nhóm từ thiện của TP Hải Phòng. Trung bình mỗi năm chị dành ra vài trăm triệu đồng để hỗ trợ nhân dân các vùng gặp thiên tai, bão lũ, những người có hoàn cảnh cơ nhỡ tại địa bàn Kênh Dương. Chị trao hàng trăm suất quà tặng các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hội chất độc da cam...

Năm 2016, chị đã hiến tặng người dân bản Mốc 4, xã Nậm Tin 3, Nậm Tin 4 của huyện Nậm Pồ (Điện Biên) cây cầu mang tên “cỏ mần trầu” trị giá hơn 1 tỷ đồng. Chị Chẵn trực tiếp cùng cán bộ, nhân viên trong công ty giám sát thi công, để cây cầu có chất lượng tốt nhất, vững bền với thời gian, phục vụ đồng bào, em nhỏ. Năm 2018, sau khi đi thăm điểm trường mầm non ở Sìn Hồ (Lai Châu), chị Chẵn đã quyết định đầu tư hơn 300 triệu đồng để sửa chữa và tặng các trang thiết bị đồ dùng dạy học thiết yếu, đồ chơi cho các cháu...

Trong xã hội chúng ta, những người có nghị lực vươn lên từ khó khăn cho ra những sáng chế như chị Chẵn thật trân quý. Đặc biệt, tấm lòng thơm thảo của chị với xã hội, với người nghèo vùng sâu, vùng xa còn đáng quý hơn nữa. Hy vọng, đất nước chúng ta ngày càng có nhiều nhà sáng chế nhân ái như lương y Phạm Thị Chẵn.