Người nặng tình với đất nước Triệu voi

Đại tá Lê Kích là người con của quê hương núi Ấn, sông Trà – Quảng Ngãi. Ông từng tham gia đội quân khởi nghĩa Ba Tơ, có mặt trên các chiến trường Đông Dương, từng tham gia chiến đấu dũng cảm ở Đà Nẵng, Nha Trang, Tây Bắc, Điện Biên trong những ngày cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp, cũng như đánh Mỹ ở Liên khu 5, giải phóng Lào. Sau ngày đất nước thống nhất, ông công tác tại Học viện Lục Quân ở Đà Lạt cho đến ngày nghỉ hưu. Với đất nước Lào, đại tá Lê Kích đã có nhiều đóng góp tích cực và là chiếc cầu nối đặc biệt của mối quan hệ Việt – Lào bền vững.

Bài 1: Trên đất nước Triệu Voi

Cuối tháng 7 năm 1950, để bảo đảm xây dựng và bảo vệ an toàn cho căn cứ Tây nam Attapeu (Vùng Xực), tạo bàn đạp vượt sông Mê Kông, ta đẩy mạnh phát triển cách mạng theo trục đường 13. Khu Hạ Lào, mở một chiến dịch hoạt động lấy đường 13 làm hướng chủ yếu; cao nguyên Bô-lô-ven làm hướng thứ yếu. Đồng chí Đoàn Huyên phụ trách đơn vị quân tình nguyện Việt Nam có đại  đội 200. Phía bạn Lào có 2 trung đội và lực lượng tại chỗ. Riêng đồng chí Lê Kích được giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức chiến đấu ở hướng đường 13. Về phía Lào có đồng chí Pu Ma, Tha- von, Bun chỉ huy.

dai-ta-le-kich1-1660229623.jpg
Cuộc hội ngộ của đại tá Lê Kích với đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Nhà khách T.78 TP Hồ Chí Minh.(Ảnh:Trần Ngọc Trác)

Để phá kế hoạch của ta, địch sử dụng 4 tiểu đoàn cơ động càn quét vùng căn cứ tây nam. Nhân dân bạn Lào vô cùng lo lắng. Nhưng vì quân chủ lực của ta đã theo kế hoạch xuất quân. Chỉ còn một cách là tạo ra một chiến thắng gây chấn động. Bằng sự̣ nhạy cảm với thực tế tình hình, Lê Kích đã nảy ra ý định ấy. Ông đưa ra phương án nghi binh buộc địch ở đồn Pha - pho xuất quân để ta tiêu diệt một bộ phận; bao vây công hãm đồn, kéo viện binh ra và tiêu diệt viện binh; dồn ép địch ở Pha - pho phải tháo chạy. Từ thắng lợi này, buộc 4 tiểu đoàn cơ động đang càng quét ở khu căn cứ phải rút về cứu nguy.

Nói là làm. Đồng chí Lê Kích chỉ còn một chút thời giờ trao đổi với các đồng chí chỉ huy Pa - thét Lào, các đồng chí Lê Cứ, Võ Nhị đại đội 200 quân tình nguyện; đồng chí Bùi Mẫn, đồng chí Khế, cán bộ dân vận. Sau đó bắt tay hành động ngay, không kịp xin chỉ thị cấp trên của Quân khu Hạ Lào.

Theo kế hoạch đã được các đồng chí nhất trí, nhân dân hai bản Pha- lai, Pha- hả giúp đỡ; việc nghi binh rất có kết quả. Địch ở trong đồn Pha- pho nghe tin dân làng báo có một tiểu đội "Kuo" (chỉ người Việt Nam) đêm qua đến làng, đang chuẩn bị vượt sông Mê Kông sang Champasak. Địch tưởng “dễ ăn”, cử ngay một trung đội tiến về Pha-lai hình thành thế bao vây để diệt quân ta.

Khi địch cách bản làng chưa đầy một trăm mét, quân ta bất ngờ đồng loạt nổ súng diệt gọn, thu toàn bộ vũ khí. Số bị thương, đơn vị Lê Kích cho cứu chữa và khuyên họ trở về địa phương, kể cả 5 tên bị bắt sống. Số bị chết, quân ta đề nghị dân làng đưa vào nơi cao ráo để địch đến thu dọn sau. Toàn bộ những gì thu được tại hiện trường, quân tình nguyện Việt Nam đều giao cho bạn Lào xử lý. Ngày hôm sau, lúc mười giờ sáng, dưới sự yểm trợ của máy bay chiến đấu, địch cho một trung đội Âu Phi nhảy dù xuống cứu nguy cho Pha - pho, trong khi đó quân ta vẫn tiếp tục vây hãm khu vực này bằng hỏa lực.

Đồng chí Lê Kích nhận định địch nhảy dù sẽ phải hành quân bộ về Pha- pho vì vậy chỉ để một bộ phận nhỏ ở lại bảo vệ dân, số còn lại bí mật đến Kiên Ngôn đón lõng. Chỉ hai, ba phút quân ta nổ súng, cả trung đội dù Âu Phi và trung đội lính hộ tống của đồn Pha - pho bị đánh tơi bời. Một số tên lính nép vào mép đầm, một số ít chạy thoát được. Ta đã bắt sống 13 tên lính dù. Số bị thương quá nhiều, một số chết nằm trên mép nước.

Những tên lính bị thương được dân làng dùng voi đưa ra đường số 13. Tuyệt đối không ai được lấy một vật gì của kẻ đã chết hoặc bị thương. Đồng chí Lê Kích đề nghị dân làng đi cấp báo cho đồn địch biết tin để chúng đến thu dọn những xác chết, cũng là cách giải nguy cho họ, khi đã rút quân.

Nhận tin, 4 tiểu đoàn cơ động của địch đang càn quét phải vội vã rút lui, binh lính đồn Pha- pho tháo chạy. Căn cứ Tây Nam của ta được mở rộng đến tả ngạn sông Mê Kông. Phong trào cách mạng dọc quốc lộ 13 phát triển mạnh, bàn đạp sang Champasak bảo đảm an toàn.

Lễ chào mừng chiến thắng trận Kiên Ngôn được tổ chức trọng thể tại làng Ban Mây hữu ngạn sông Sê Pôn, nhân dân khắp nơi trong vùng về dự.

Trận Kiên Ngôn là một trận chiến qui mô nhỏ nhưng ý nghĩa về chính trị hết sức to lớn. Nó phát triển được lòng tin của nhân dân Lào đối với quân tình nguyện Việt Nam lên cao hơn bao giờ hết.

dai-ta-le-kich2-1660229623.jpg
Từ trái sang: Đại tá Lê Kích, thiếu tướng Võ Quang Hồ, đồng chí Lê Kiết và đồng chí Mai - Tình nguyện quân Liên khu 5 tham gia trận Hạ Lào năm 1950, chụp ảnh kỷ niệm tại Đà Lạt ngày 21.12.1997 (Ảnh tư liệu TNT)

Tháng 8 năm 1950, Mặt trận dân tộc thống nhất “Neo Lào Ít-xa-la” và Chính phủ Kháng chiến Lào ra đời và do Hoàng thân Souphanouvong (Xu-pha-nu-vông) làm thủ tướng và đồng chí Kaysone Phomvihane (Cay-xỏn Phôm-vi-hản) làm tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang Lào Ít-xa-la. Đây là một trong những sự kiện có tầm quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào kháng chiến của nhân dân các bộ tộc Lào quyết tâm xây dựng và bảo vệ tổ quốc của mình.

Ngày 20 tháng 9 năm 1950, đồng chí Lê Kích về đến Liên khu 5 để đón tiểu đoàn 49. Tiểu đoàn này do đồng chí Chu Thanh Hương và Nguyễn Xuân Lục chỉ huy được Liên khu 5 tăng cường cho Hạ Lào. Đây là tiểu đoàn chủ lực đầu tiên làm nhiệm vụ quân tình nguyện trên chiến trường Nam Lào.

Cuối tháng 11 năm 1950, Lê Kích trực tiếp đưa 1 đại đội do đồng chí Quỳ phụ trách từ căn cứ địa 5 xuất phát tiến về Saravane (Sa-ra-van). Cùng tiến quân có hai trung đội võ trang tuyên truyền Pa-thét Lào do đồng chí Châm Niên, đồng chí Ôn Kẹo chỉ huy (cả hai đồng chí này sau năm 1975 đều là thiếu tướng của Quân đội nhân dân Lào).

Dựa vào dân, phát huy chiến thắng ở Tây Nam Attapeu và Chăm Pi, Hỉn Lập, đơn vị của Lê Kích đã vượt sông Sekong (Sê Kông) đến Bản Phồn rồi một mạch tiến thẳng về Lào Ngam nơi địch đang chiếm giữ mà đơn vị của ông cũng như bạn Lào không ai thông thuộc đường sá, địa hình.

Địch bị đánh bất ngờ, kinh hoàng tháo chạy khi bất thần thấy 1 đại đội quân tình nguyện vượt cầu Huổi Nậm Xảnh (con suối) đột nhập quận lỵ Laongam (Lào Ngam), chỉ qua 2 trận đánh nhỏ là Lắc Bèn (ngã ba Xẻng Vang) và Tà-xẻng Thoong, cả khu vực này được giải phóng.

Được nhân dân Laongam (Lào Ngam) tin cậy, chỉ sau hơn 1 năm vận động cách mạng, Lê Kích đã thành lập một chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương; xây dựng một chính quyền, mặt trận và lực lượng vũ trang ba thứ quân. Cơ sở cách mạng đã phát triển đến tận phụ cận thị xã Păk xoòng (đường liên lạc Saravane (Sa-ra-van), Attpau (At-tô-pơ), qua cao nguyên Bô-lô-ven được thông suốt). Lào Ngam là một vùng đông dân, trù phú.

Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia là chiến trường phối hợp trực tiếp với chiến trường Tây Nguyên, do Liên khu ủy, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 chỉ đạo thống nhất, thông qua Ban Cán sự Đảng bộ Hạ Lào.

(Còn nữa)

Trần Ngọc Trác